Chất lượng lúa lai không cao

Chất lượng lúa lai không cao
"Lúa lai đúng là có vấn đề ở chỗ chất lượng không cao. Sản lượng chống lại chất lượng là quy luật sinh học bình thường" - TS Lê Hưng Quốc - Cục trưởng Cục Khuyến nông (Bộ NN&PTNT) nói về chương trình 1 triệu ha lúa lai vào năm 2010.
Chất lượng lúa lai không cao ảnh 1
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT thăm cánh đồng trồng lúa lai

Thưa ông, vì sao trong khi Trung Quốc (TQ) đang giảm dần diện tích lúa lai, các nước trong khu vực cũng trồng rất ít, còn Việt Nam (VN) lại quyết tâm tăng diện tích?

Tôi tin, TQ không giảm diện tích lúa lai, vì nhu cầu sử dụng của họ rất lớn. Còn VN phải trồng lúa lai vì trong Quyết định của Thủ tướng mới đây nói rõ: phải đảm bảo ổn định sản lượng lúa 40 triệu tấn, sản lượng ngũ cốc 45 triệu tấn, thực hiện chiến lược an ninh lương thực quốc gia. Đến 2010, giảm đất chuyên lúa xuống còn 3,96 triệu ha…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng: Không chủ trương mở rộng diện tích lúa lai

Trả lời báo chí ngày 23/6, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cho biết, trong những năm tới, Bộ không chủ trương mở rộng diện tích lúa lai mà tập trung vào nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả. Chỉ phát triển lúa lai tiếp khi chủ động được giống lúa lai trong nước.

“Trong những năm qua, thông qua các chương trình: Giống cây trồng, nghiên cứu khoa học, khuyến nông, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, dự án hợp tác quốc tế về giống…đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, tập thể HTX…cho nghiên cứu và phát triển giống lúa lai, trong đó, tập trung vào các khâu: đào tạo chuyển giao công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, lai tạo, nhân dòng sản xuất và xử lý hạt F1, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ vật tư sản xuất giống F1 và trợ giá giống lúa lai cho nông dân”
(Trích báo cáo của Cục Nông nghiệp ngày 23/6/2005)

Mặt khác, hiện nước ta mới đạt 36 triệu tấn, phải phấn đấu đạt 4 triệu tấn nữa, trong khi đất lúa giảm 100.000 ha. Vậy để đạt được mục tiêu đó chỉ còn cách tăng năng suất.

Lúa lai có ưu thế vượt trội 20% năng suất, thế thì tại sao không làm lúa lai! Bảo dân bỏ lúa lai, dân không bỏ, vì năng suất luôn cao hơn lúa thường 1,5-2 tấn/ha. Không thể nói đủ, no rồi mà thoái trào, nếu mất mùa diễn ra thì đảo lộn toàn bộ tình hình ngay. Không đơn giản như chúng ta nghĩ.

Dự thảo chương trình lúa lai lần này vẫn đặt mục tiêu phát triển 1 triệu ha lúa lai vào năm 2010, thưa ông?

Đây là đề án “sản xuất hạt giống lúa lai và phát triển lúa lai” thế thôi! Không phải 1 triệu ha, bây giờ không ai nói 1 triệu ha cả.

Như Bộ trưởng NN&PTNT đã hứa trước Quốc hội, sản xuất hạt giống lúa lai trong nước phải đạt 70%, còn 30% vẫn nhập khẩu. Không đặt ra 70% của diện tích cụ thể là bao nhiêu.

Vì bây giờ không đặt chỉ tiêu số lượng, mà diện tích được quyết định bởi thị trường. Chúng ta thừa nhận nền kinh tế thị trường thì phải chấp nhận nền kinh tế thị trường, không thể áp đặt 800 hay 1 triệu ha.

Nhưng Bộ NN&PTNT từng có dự thảo chương trình phát triển 1 triệu ha lúa lai, thưa ông?

Đó mới chỉ là ý tưởng, chưa bao giờ Bộ NN và PTNT có văn bản về chương trình này trình Chính phủ, số tiền cả nghìn tỷ đồng cũng không phải. Thông tin đưa lên báo là không chuẩn. Ý tưởng bao giờ cũng nêu mục tiêu cụ thể.

Có ý tưởng đề nghị trồng vài trăm nghìn, có ý tưởng nói 1 triệu ha. Cũng như các ý tưởng nói phát triển 1 triệu tấn đường, 1 triệu tấn muối. Mỗi chương trình phải có con số cụ thể để phấn đấu đại loại: 10 tấn thóc, hay 50 triệu đồng (Chương trình Cánh đồng 50 triệu đồng/ha-PV)…

Đầu tư cho nghiên cứu hạt giống lúa lai thời gian qua là 50 tỷ đồng. Từ năm 1998-2005 đầu tư cho sản xuất lúa lai qua khuyến nông là 28 tỷ đồng, kết quả đầu tư này có thực sự hiệu quả không, thưa ông?

Có chứ, nếu không nghiên cứu giống, khuyến nông lúa lai thì làm sao mỗi năm VN có thêm 1 triệu tấn lương thực. Nếu so với tất cả các nước áp dụng tiến bộ nghiên cứu lúa lai và sản xuất lúa lai, VN đang đứng đầu.

Cả thế giới bái phục VN về thành tựu lúa lai. Đây là kết quả quá trình thay đổi nhận thức, chỉ đạo của tất cả các cấp ủy Đảng, chính quyền. Đầu tư như vậy cũng còn quá thấp. Tất nhiên, việc đầu tư vào DN nhà nước, tổ chức bao cấp không hiệu quả.

Nhưng thưa ông, chất lượng lúa lai thấp, nếu tính hiệu quả kinh tế thì không bằng lúa thuần?

Tại Thái Bình dân vẫn trồng lúa chất lượng cao. Lúa Bắc Thơm chiếm 30% diện tích. Bộ NN và PTNT đặt mục tiêu trồng 1,3 triệu ha lúa chất lượng xuất khẩu, nhưng đó là mục tiêu. Còn lúa lai đúng là có vấn đề ở chỗ chất lượng không cao. Sản lượng chống lại chất lượng là quy luật sinh học bình thường.

Hiện ngay cả nông dân cũng không muốn ăn lúa lai, vậy sản xuất ra để làm gì?

Tôi vừa có tài liệu điều tra mấy nghìn người dân ở Thái Bình cho thấy, nông dân ăn lúa lai, bán lúa thuần. Chỉ loại lúa lai nào không ngon như Q5, Khâm Dục, VN10.., thì họ bán. Còn loại lúa lai nào ngon thì họ ăn.

Nhưng có một thực tế, nhiều người khuyến khích nông dân trồng lúa lai lại ăn lúa thường, TS có ăn gạo lúa lai không?

Tôi ăn lúa thường, lúa lai chưa có để ăn!

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG