Chất vấn Bộ trưởng Công thương nhiều vấn đề nóng

Chất vấn Bộ trưởng Công thương nhiều vấn đề nóng
TPO - Trong phiên trả lời chất vấn chiều nay, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng là người phải đối mặt với nhiều câu hỏi nhất của ĐBQH với hàng loạt vấn đề "nóng", từ bauxite, giá điện, xuất khẩu gạo đến hiệu quả của ngành công nghiệp ô tô, tàu thủy...

>> Sửa quy định giá điện giờ cao điểm buổi sáng?

Chất vấn Bộ trưởng Công thương nhiều vấn đề nóng ảnh 1
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng

Khai thác bauxite : Một hay nhiều dự án ?

Khá nhiều câu hỏi được đặt ra với người đứng đầu Bộ Công Thương xung quanh dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết các dự án đều không vượt số vốn 20.000 tỉ đồng nên không phải trình ra Quốc hội.

Ông cũng bác ý kiến của đại biểu nêu về việc cho phép khai thác bauxite chủ yếu là khai thác quặng thô và cho rằng việc này không đi ngược lại quy định xuất khẩu khoáng sản thô.

“Tôi khẳng định việc khai thác bauxite, alumin là phù hợp với bước đi hiện nay. Có điều kiện tôi sẽ trao đổi chi tiết với đại biểu về vấn đề này”- Bộ trưởng Hoàng cho biết.

Chưa hài lòng với câu trả lời của đại diện Bộ Công Thương, các đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TP HCM) và đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) cho rằng việc giải thích khai thác và xuất khẩu alumin là nguyên liệu thô là không không thỏa đáng. Ngoài ra dự án khai thác bauxite có 3 giai đoạn và chỉ khi tách nhỏ ra thì mới trở thành các dự án có vốn dưới 20.000 tỉ đồng.Như vậy có phải cố tình tách ra ?

Xóa độc quyền ngành điện

Về tình hình cấp điện, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng cho biết từ đầu năm đến nay việc cung cấp điện được đảm bảo không có sự cố lớn đối với nguồn điện. Tình trạng mất điện trong thời gian vừa qua chủ yếu do sự cố đường dây và do các trạm biến thế xây dựng từ lâu không kịp sửa chữa, do quá tải nên bị mất điện.

Vấn đề tái cơ cấu ngành điện, giá điện giờ cao điểm, việc tăng giá điện ảnh hưởng đến nhiều người nghèo cũng được khá nhiều đại biểu đặt vấn đề. Đại biểu Đặng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) yêu cầu Bộ Công thương giải thích về việc điều chỉnh giá điện tác động đến các đối tượng là học sinh, người lao động phải đi thuê nhà trọ để ở. Đây là những đối tượng đang phải chịu ảnh hưởng của việc tăng giá này.

Trước câu hỏi thẳng này, Bộ trưởng Hoàng cho biết điện năng là loại hàng hóa đặc thù vì có sự biến động trong giá điện là ảnh hưởng đến đời sống người dân. Thống kê cho thấy tỉ suất lợi nhuận ngành điện trên vốn chủ sở hữu chỉ đạt 5% trong năm 2008. Với lợi nhuận thấp như vậy các ngân hàng không mặn mà đầu tư vào các dự án điện. Việc giá điện thấp cũng không khuyến khích được sự tiếp kiệm. Hiện chúng ta tiêu thụ năng lượng gấp đôi các nước khác. Chính vì vậy điều chỉnh giá điện là không tránh khỏi.

Ông cũng khẳng định Bộ Công Thương đã tính toán kỹ để việc điều chỉnh giá điện phải đảm bảo không để xảy ra biến động lớn với nền kinh tế, không làm tăng vọt CPI, không ảnh hưởng đến người nghèo và tạo dần ý thức tiết kiệm. Giá điện bình quân năm 2008 là 828 đồng/kWh. Điều tra trên diện rộng cho thấy tỉ lệ hộ sử dụng điện do các công ty điện lực bán là có 23% số hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo dùng dưới 50 kWh.

“Trong thời gian vừa qua chúng ta phát triển hàng loạt các nhà máy xi măng, dự án thép thì biểu đồ điện có sự dịch chuyển lớn. Điện giờ thấp điểm chúng ta mới sử dụng bằng 30 phần trăm. Vì vậy giá điện giờ thấp điểm chúng ta mới thu 450 đồng nhưng vẫn không khuyến khích được người sử dụng. Kiểm tra 4 địa phương trong thời gian qua về tác động của giá điện giờ cao điểm nhưng tác động là không đáng kể”- Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề cải cải cách EVN, người đứng đầu Bộ Công Thương cho biết đây là vấn đề được nêu trong vài kỳ họp gần đây. Cơ cấu EVN đi theo với việc tạo dựng thị trường điện cạnh tranh. Tuy nhiên bước đi phải thận trọng, phù hợp với tình hình của chúng ta.

Trước đây chúng ta không có dự phòng về nguồn điện nên khi có sự cố là rất khó khăn. Năm 2009 với việc nhiều dự án điện đi vào hoạt động nên đã có chút ít dự phòng nhưng rất mỏng manh. Ví dụ đường dây 500 KV hoặc một vài nhà máy lớn bị sự cố là lập tức chúng ta lại bị thiếu điện.

Bà Loan cũng cho rằng việc cải cách của EVN cũng là chưa phù hợp vì muốn cải cách cơ cấu một tổ chức nào thì phải có đề án trong khi đề án chưa được thông qua thì EVN đã lập tổng công ty phát điện mới.

Xuất khẩu gạo: Điều hành kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi”

Đi sâu vào vấn đề xuất khẩu gạo trong thời gian qua, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) thì lo ngại tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi trong việc xuất khẩu gạo. Hiện Chủ tịch hiệp hội lương thực Việt Nam lại là Tổng Giám đốc một doanh nghiệp và không hề có đại diện nào của các UBND tỉnh tham gia trong Hiệp hội.

Vì vậy cần đề nghị chuyển quyền quản lý xuất khẩu gạo về cho Bộ Công Thương quản lý. Ngoài ra việc xuất khẩu hiện nay thực hiện theo chỉ tiêu nhưng trong thực tế sản lượng gạo sản xuất ra lại không được thống kê cụ thể. Đây là một bất cập lớn.

Đại biểu Lê Văn Ba thẳng thắn nêu việc Chính phủ có chính sách bảo hộ và khuyến khích ngành công nghiệp ô tô, tàu thủy nhưng sau hơn 10 năm không thấy ngành công nghiệp đâu. Các tập đoàn mới chỉ đơn thuần là đi mua thép về hàn xì, đóng thành con tàu.

MỚI - NÓNG