Chạy đua giành thị trường bán lẻ

Chạy đua giành thị trường bán lẻ
TP - Tuy còn một năm nữa mới tới “giờ G” (1/1/2009) mở cửa thị trường bán lẻ theo cam kết WTO, song cuộc đua vào thị trường này hiện hết sức sôi động và đang trong giai đoạn tăng tốc.

Hôm nay (8/12), thêm một siêu thị của Saigon Co.op được khai trương và đây là siêu thị thứ 25 trong hệ thống của Saigon Co.op, tọa lạc tại TP Tuy Hòa (Phú Yên).

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, từ nay đến tết Mậu Tý (2008) sẽ khai trương thêm 3 siêu thị nữa tại các tỉnh thành phía Nam, nâng tổng số siêu thị của Saigon Co.op lên 28.

Các nhà bán lẻ nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam cũng tăng cường mở rộng tối đa mạng lưới trong khả năng có thể. Sau 8 điểm phân phối đã mở, hiện Metro Cash&Carry đang xin mở thêm 4 trung tâm nữa tại Hà Nội, TPHCM, Nha Trang và Đồng Nai.

Hệ thống siêu thị Big C đang chuẩn bị xây dựng thêm 4 trung tâm nữa tại Hà Nội, Cần Thơ, TPHCM và Đà Nẵng, nâng tổng số điểm của chuỗi siêu thị này lên con số 10.

Tập đoàn Parkson (Malaysia) cũng khai trương thêm hai trung tâm mua sắm tại Hà Nội và TPHCM. Lotte - nhà bán lẻ hàng đầu của Hàn Quốc cũng đã khởi công xây dựng một trung tâm thương mại tại quận 7 (TPHCM) hồi đầu tháng 10. Tập đoàn Guoco Group (Singapore) cũng được phép xây dựng một trung tâm mua sắm với quy mô lớn tại Bình Dương… 

Nhiều nhà bán lẻ nước ngoài chưa chính thức có mặt tại Việt Nam, cũng đang âm thầm chuẩn bị cho cuộc đổ bộ khi “giờ G” đến. Một số nhà bán lẻ lớn đã và đang xúc tiến mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, vừa làm nhiệm vụ mua hàng cung cấp cho hệ thống của họ tại các nước, vừa để tìm hiểu thị trường trước khi chính thức bước vào hoạt động. Người khổng lồ Wall-mart là một trong số đó.

Ông Lê Thành Đàng - Tổng Giám đốc Cty Cổ phần đường Quảng Ngãi cho biết, ngay từ đầu năm 2007 đã có nhiều nhà bán lẻ nước ngoài đến đặt quan hệ và đề nghị Cty trở thành nhà cung cấp hàng hóa cho họ.

Đại diện một doanh nghiệp đề nghị được giấu tên cho biết, cũng đã tiếp nhiều đoàn đại diện của các nhà bán lẻ nước ngoài. Theo ông này, các nhà bán lẻ này không chỉ âm thầm cho kế hoạch kinh doanh siêu thị bán lẻ tại Việt Nam mà còn xuất khẩu hàng ra các nước. 

Xí chỗ

Theo kế hoạch, trong vòng bốn năm tới, Vinatexmart (thuộc Tập đoàn Dệt may) sẽ đầu tư 32 siêu thị, 6 trung tâm thương mại và 2 trung tâm thời trang, đồng thời xây dựng các tổng kho phân phối khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Tây... với tổng kinh phí đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng.

Riêng Saigon Co.op, mỗi năm tới sẽ mở thêm 8 - 10 siêu thị để nâng tổng số siêu thị của hệ thống này lên con số 50 vào năm 2010. Ngoài việc mở rộng hệ thống phân phối để đáp ứng nhu cầu trong hiện tại, nhiều nhà đầu tư còn mở siêu thị để… xí chỗ cho tương lai.

Vì khó khăn về mặt bằng, một số nhà đầu tư chọn giải pháp liên doanh, mua hoặc thuê lại mặt bằng của các hệ thống siêu thị hiện hữu. Tập đoàn bán lẻ Dairy Farm là một trong số đó.

Cty Giant South Asia Việt Nam (GSAV) thuộc tập đoàn này đã thuê lại 3 điểm tại TPHCM, Cần Thơ và Kiên Giang của hệ thống siêu thị Citimart để kinh doanh trong thời gian 5 năm với tên mới: Wellcome. Wellcome đầu tiên đã chính thức khai trương hồi tháng 10, tại TPHCM.

Một số nhà bán lẻ trong nước cũng chọn phương án hợp tác với các doanh nghiệp có mặt bằng tốt ở các tỉnh thành để tranh thủ “chiếm” vị trí đẹp.

Theo các chuyên gia, việc hợp tác liên doanh hoặc thuê mặt bằng là bắn một mũi tên trúng ba đích: Cùng lúc vừa nhanh chóng mở rộng mạng lưới, vừa rút ngắn thời gian đầu tư lại vừa tiết kiệm được chi phí đầu tư. 

Đại Dương

MỚI - NÓNG