Chạy đua tiếp sức doanh nghiệp

 Các DN được cơ quan chức năng hỗ trợ tối đa
Các DN được cơ quan chức năng hỗ trợ tối đa
TP - Nhiều chính sách ưu đãi, biện pháp hỗ trợ tình thế được ngành thuế đưa ra nhằm giảm nhẹ gánh nặng cho các doanh nghiệp (DN) bị thiệt hại ở các địa phương.

Nhiều DN hoạt động lại

Báo cáo từ cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương và Đồng Nai cho thấy, đến nay hơn 90% DN bị thiệt hại đã hoạt động trở lại. Một số DN bị ảnh hưởng nặng sẽ phải mất từ 1- 4 tháng để việc sản xuất kinh doanh trở lại bình thường.

Tại Khu Công nghiệp Sóng Thần 2 (Bình Dương), hoạt động sửa chữa nhà xưởng đang được ráo riết tại tất cả các DN. Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Trường Thi - Giám đốc nhân sự và Trách nhiệm xã hội Cty TNHH Quốc tế Chutex cho biết, công ty 100% vốn của Singapore, sản xuất các loại áo thun xuất khẩu sang Mỹ với số lượng 4 triệu sản phẩm/tháng. Các cơ quan chuyên ngành đã tính thiệt hại do nhà xưởng, máy móc, thiết bị dệt may cùng toàn bộ nguyên liệu, bán thành phẩm, phụ kiện bị đốt cháy, đập phá, cùng những thiệt hại vô hình khác cho doanh nghiệp.

“DN không còn hóa đơn để xuất nhập hàng hóa hoặc hóa hơn bị đốt thì cơ quan thuế sẽ tạo điều kiện đến mua hóa đơn của Cục Thuế. Cơ quan thuế cũng chủ trương không thanh kiểm tra các DN bị thiệt hại trong năm 2014 (kể cả những DN nằm trong kế hoạch thanh tra)”.

Cục phó Cục Thuế Đồng Nai Nguyễn Văn Ngàn

Để khuyến khích công nhân trở lại làm việc, DN cam kết với người lao động, trong những ngày nghỉ việc vẫn được nhận 100% lương cơ bản (2,7 triệu đồng/tháng). Công ty cũng kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương hỗ trợ 50% tổng số tiền lương cơ bản để trả cho 6.000 lao động trong những ngày nghỉ việc. Trong ngày đầu tiên đi làm lại (ngày 26/5), có 85% công nhân đã đến làm việc tại công ty. “DN cũng cần được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp. Chúng tôi yêu cầu cơ quan bảo hiểm cháy nổ tiến hành nhanh gọn các thủ tục để thực hiện việc bồi thường giúp DN có nguồn vốn xây dựng lại phần nhà xưởng đã bị cháy. Thủ tục bồi thường càng kéo dài, DN càng khó khăn trong việc khôi phục sản xuất”, ông Thi nói.

Ông Vương Nghĩa Bình, Kế toán trưởng Cty TNHH Hưng Nghiệp Formosa (khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, tỉnh Đồng Nai) cho biết, đang cùng các cơ quan hữu quan chốt lại con số thiệt hại.

“Hiện, 2.700 công nhân của công ty đã đi làm trở lại. DN cũng cho lắp mới, thay thế thiết bị máy móc văn phòng bị hư hại. Nhiều thiết bị, bên sản xuất có một số khắc phục được ngay. Một số phải chờ linh kiện thay thế. Dự kiến một tuần nữa nhập hết linh kiện. Một số linh kiện đặc thù phải 2 tháng nữa mới có”, ông Bình nói.

Làm ngày đêm hỗ trợ doanh nghiệp

Trao đổi với Tiền Phong, ông Huỳnh Đình Trí, Phó cục trưởng Cục Thuế Bình Dương cho biết, trong số 600 DN báo cáo bị thiệt hại, có 44 đơn vị chịu thiệt hại nặng, 22 đơn vị bị đốt cháy nhà xưởng, văn phòng.

Hơn một tuần nay, cán bộ thuế phải làm ngày đêm, kể cả thứ 7, Chủ nhật để hỗ trợ hướng dẫn khấu trừ thuế thu nhập đầu vào, thực hiện các thủ tục hỗ trợ về mặt hóa đơn…

Bà Trần Thị Lệ Nga, Cục phó Cục Thuế TPHCM cho biết, thành phố có tổng cộng 32 DN ở khu công nghiệp Linh Trung 1, Linh Trung 2 và Liên Chiểu bị thiệt hại. Trong đó, có 2 DN bị thiệt hại nặng, 17 DN thiệt hại ở mức vừa. Toàn thành phố, có 124 DN lo sợ nên đã cho công nhân ngừng làm việc trong vài ngày.

“Đến nay, các DN đã đưa lao động và chuyên gia trở lại làm việc. Số liệu cũng cho thấy, trong số các đơn vị bị ảnh hưởng có 8 DN nợ thuế. Cục Thuế đã khoanh nợ cho họ để chờ hướng dẫn. 22 DN đã nộp hồ sơ khai thuế tháng 4 đúng hạn. Trong đó, 20 DN không phát sinh thuế VAT phải nộp và 2 DN phải nộp 1,5 tỷ đồng thuế VAT tháng 4”, bà Nga cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Văn Ngàn, Cục Phó Cục Thuế Đồng Nai, báo cáo của ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, có tổng cộng 198 DN tại các khu công nghiệp Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành, Hố Nai bị ảnh hưởng. Đến ngày 25/5, hầu hết DN bị thiệt hại đều đã hoạt động trở lại.

“Các DN có yêu cầu sao kê mã số thuế, hồ sơ thuế trong các năm 2013 và 2014; chúng tôi xem xét giải quyết trong ngày, đảm bảo hỗ trợ tối đa cho việc phục hồi sản xuất, xuất khẩu”, lãnh đạo Cục Thuế Đồng Nai nói.

Ông Trí cũng cho biết, dự toán được giao của Bình Dương năm 2014 là 21 nghìn tỷ đồng. Do sự cố xảy ra, ngành thuế tỉnh chắc chắn khó đạt chỉ tiêu đề ra. “Với tình hình vừa qua, gánh nặng thu thuế tăng thêm 16-18%. Chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách. Trước mắt triển khai hỗ trợ cho DN kịp thời nhất. Việc ưu đãi thuế được áp dụng theo trường hợp thiên tai, hỏa hoạn”, ông Trí cho biết.

MỚI - NÓNG