"Cháy nhà" ra nội gián

"Cháy nhà" ra nội gián
TP - Một trong những lý do khiến mã cổ phiếu của Cty Cổ phần Thủy sản Bến Tre (mã chứng khoán FBT) đột ngột tăng từ 17.000 – 23.300 đồng/cổ phiếu  trong vòng chưa đầy nửa tháng hồi tháng 9/2008 mãi đến hôm nay mới được bóc trần...

Khi FBT công bố Cty này được hoàn trả khoản vốn thặng dư 150 tỷ đồng vào ngày 22/9/2008, nhiều nhà đầu tư rất ngạc nhiên vì khoản vốn này đã được hạch toán vào tài khoản của Cty này từ ngày 12/9/2008.

Rất nhiều nghi vấn được đặt ra tại sao FBT để đến 10 ngày sau mới công bố. Đáng chú ý hơn, người quen của HĐQT FBT mua vào ào ạt hơn một triệu cổ phiếu FBT.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vào cuộc và nghi vấn đã được làm rõ.

Ngày 17/3, Chánh Thanh tra UBCKNN ký các quyết định xử phạt vi phạm hành chính với các cá nhân, tập thể sử dụng thông tin nội bộ (thường được gọi là thông tin nội gián- PV) liên quan đến cổ phiếu FBT để giao dịch trục lợi. Tổng số tiền xử phạt là 190 triệu đồng dành cho bốn cá nhân và một tổ chức.

Tuy nhiên, trong bốn cá nhân bị phạt, ông Quảng Thanh Liêm, em rể của ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch HĐQT FBT, đặt mua 371.270 CP FBT (số lượng cổ phiếu được khớp lệnh 142.000 CP); ông Nguyễn Văn Phước, em ruột của ông Hiếu, đặt mua 1.289.400 CP FBT và khớp được 518.430 CP; ông Trương Thành Dũng, người có quan hệ kinh doanh với CTCP Xuất nhập khẩu Lâm - Thủy sản Bến Tre, đặt mua 236.500 CP FBT (khớp 183.150 CP); ông Nguyễn Hữu Thuần, cán bộ Sở Tài chính tỉnh Bến Tre, đặt mua 59.390 CP FBT (khớp 30.700 CP).

Riêng tổ chức bị xử phạt 70 triệu đồng là Cty TNHH Rồng Thái Bình Dương có Chủ tịch Hội đồng thành viên là ông Nguyễn Quốc Toàn, đồng thời là thành viên HĐQT FBT, đặt mua tổng cộng 985.820 CP (khối lượng khớp là 550.130 CP).

Giơ cao đánh khẽ

Chưa ai tính xem những vụ mua cổ phiếu FBT có nội gián hồi tháng 9/2008 lợi được bao nhiêu. Chỉ biết rằng sau khi FBT công bố có khoản vốn thặng dư 150 tỷ đồng, giá cổ phiếu FBT tăng liên tục từ 18.400 đồng/CP vào ngày công bố thông tin (22/9) lên 23.300 đồng/CP (vào ngày 29/9) với lượng dư mua tăng đột biến.

Còn trong những ngày mà người thân của vị Chủ tịch HĐQT FBT mua vào, giá cổ phiếu FBT giảm do thông tin bất lợi về chứng khoán nói chung khá nhiều.

Đây được xem là vụ xử phạt nội gián lớn nhất trên TTCK Việt Nam nhưng vẫn còn nhiều điều chưa thỏa đáng. Nếu các thành viên của FBT không tiết lộ thông tin thì những cá nhân, tổ chức nói trên khó mà có được thông tin vàng (FBT được hoàn trả 150 tỷ đồng) để ôm cổ phiếu FBT.

Trong vụ này, có hai người em của Chủ tịch HĐQT FBT nhưng vị chủ tịch này không bị hình thức chế tài nào. Nếu không có ông Toàn là thành viên HĐQT FBT, liệu Cty Rồng Thái Bình Dương có dám đặt mua gần một triệu cổ phiếu FBT trong thời điểm ai cũng muốn bán cổ phiếu ra càng nhanh càng tốt. Câu hỏi đặt ra là vì sao ông Toàn cũng không hề hấn gì.

Từ nhiều năm nay, dư luận về giao dịch nội gián đã nhiều lần nổi lên và các vụ phát hiện được rất hiếm. Gần đây nhất, ngày 9/10/2008, UBCKNN có quyết định xử phạt 40 triệu đồng đối với bà Nguyễn Thị Vân Trang, cán bộ Phòng Tài chính CTCP Bê tông & Xây dựng Vinaconex Xuân Mai (XMC) do hành vi giao dịch nội gián cổ phiếu của XMC.

UBCKNN cũng từng khẳng định sẽ phạt nặng nếu phát hiện giao dịch nội gián nhưng ít khi tìm được bằng chứng cụ thể. Lần này với trường hợp FBT, cháy nhà ra nội gián nhưng hình thức xử phạt lại khá nhẹ, không tương xứng với khoản lợi mà những người vi phạm thu được!

Hơn nữa, với khoản tiền phạt vài chục triệu, niềm tin nơi nhà đầu tư khó có thể được gia cố sau khá nhiều vi phạm trong giao dịch chứng khoán bị phát hiện.

Gian lận chứng khoán sẽ bị xử lý nghiêm

Theo Thông tư Liên tịch số 46/2009 do Liên Bộ Tài chính và Công an vừa ban hành, hai bên sẽ hợp tác xử lý các tội danh liên quan đến chứng khoán.

Các tội danh đó bao gồm lập hồ sơ đăng ký giả mạo để chào bán chứng khoán (CK) ra công chúng; lợi dụng chức trách, nhiệm vụ sử dụng trái phép tiền, CK trên tài khoản của khách hàng; lập, sử dụng trái phép quỹ đầu tư CK; cung cấp, tiết lộ, sử dụng thông tin nội bộ để mua bán hoặc đề nghị người khác mua, bán CK; gian lận, lừa đảo, cung cấp tài liệu giả, làm sai lệch hoặc tiêu hủy tài liệu giao dịch để lừa đảo, dụ dỗ khách hàng mua, bán CK; thao túng, tạo giá CK giả tạo; cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc tạo dựng, tuyên truyền thông tin sai sự thật để trục lợi gây ảnh hưởng, lũng đoạn thị trường giao dịch CK…

Thông tư cũng lưu ý, với vi phạm trên TTCK, cơ quan có thẩm quyền phải xác định rõ tính chất vụ việc là dân sự, kinh tế, hành chính hay hình sự để xác định đúng thẩm quyền, tránh gây phiền hà, thiệt hại cho tổ chức, cá nhân tham gia TTCK.

Tại dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, các tội danh mới dự kiến đưa vào bao gồm, tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; và tội thao túng giá chứng khoán. K.Huyền

MỚI - NÓNG