Chạy theo thành tích, sa lầy nợ nần

Cổng chào đường vào xã Thụy Hương - huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: Như Ý
Cổng chào đường vào xã Thụy Hương - huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: Như Ý
TP - Ngày 4/11, thảo luận ở hội trường về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội thẳng thắn chỉ ra rằng nguyên nhân dẫn đến việc địa phương huy động quá sức dân, sa lầy vào nợ nần là do chạy theo thành tích, sa đà vào xây dựng những công trình lãng phí, không phù hợp.

Lãng phí những công trình tiền tỷ

Theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), những năm qua xây dựng nông thôn mới (NTM) đã trở thành một phong trào sôi nổi, sâu rộng, tạo được bước đột phá đáng kể, làm cho bộ mặt nông thôn ở nhiều địa phương thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện và nâng cao. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế, một số tiêu chí đưa ra bất hợp lý gây lãng phí như tiêu chí về chợ, bưu điện.

Cùng chung quan điểm, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cũng chỉ ra sự lãng phí, bất cập trong việc xây dựng NTM khi có nhiều trạm y tế đầu tư hàng trăm triệu đồng nhưng rồi nằm bất động, không được đưa vào sử dụng. Nhiều nhà văn hóa được đầu tư hàng chục tỷ xây dựng nhưng lại cửa đóng then cài, khu thể thao thì đìu hiu. “Người dân bức xúc cho rằng, việc xây dựng các nhà văn hóa hay khu thể thao ở một số xã chỉ cốt đạt chỉ tiêu NTM, không phải vì nhu cầu bức thiết của người dân”, ông Cương nói.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, ĐB Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) cho rằng, do một số địa phương khi xây dựng NTM chỉ chú trọng vào việc đầu tư kết cấu hạ tầng, xây dựng công trình, trụ sở, văn hóa, trường học, chứ ít chú trọng đầu tư phát triển sản xuất và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. “Chúng tôi đi khảo sát thì thấy, có xã chỉ có 3 thôn và đã có chợ. Nhưng khi xây dựng NTM, địa phương vẫn cứ xây thêm chợ, rất lãng phí”, ĐB Vân nói.

Tương tự, về tiêu chí nhà của người dân ở xã NTM, ĐB Vân khẳng định, rất bất cập. Bởi theo quy định nhà ở là phải 85% trở lên là xây cứng. Tuy nhiên, ở các vùng đồng bào dân tộc thì tiêu chí này không thể thực hiện. “Không thể bắt người ta đập dỡ những nhà rông hoặc nhà sàn để xây dựng như thế được, chưa phù hợp”, ĐB Vân nói. Cũng theo đại biểu, tiêu chí dạy nghề cũng chưa ổn khi vùng đồng bào dân tộc nhưng lại dạy “cách làm bánh kem”, “hàn gò”.

Sa lầy nợ nần

Theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương, việc chạy theo thành tích trước sức ép hoàn thành các tiêu chí, nhiều địa phương đã tự xoay xở tìm mọi cách huy động nguồn lực phục vụ chương trình, dẫn đến các khoản nợ không có khả năng thanh toán. Theo số liệu thống kê thì nhiều tỉnh sa lầy trong nợ đọng xây dựng cơ bản NTM, có những tỉnh nợ gần 1.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ông Cương cũng cảnh báo về những dấu hiệu thiếu minh bạch trong xây dựng NTM, cụ thể đã có những sai phạm như xé lẻ gói thầu thành gói thầu nhỏ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu, sau đó làm hồ sơ giao thầu tiếp, tránh đấu thầu.

Ông Cương kể thực tế mà mình mới trải nghiệm: “Vừa rồi tôi về thăm gia đình một người bạn cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km, một người dân phản ánh xây hố chứa rác trong các thôn tốn gần 1 tỷ đồng, trong khi đó người dân nói chỉ cần 200 triệu đã tốt rồi. Mặc dù đó là phản ánh của người dân, nhưng tôi nghĩ làm sao ngăn chặn được trục lợi và tham nhũng trong xây dựng NTM”, ĐB Cương nói.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương cũng cảnh báo tình trạng có những xã, phường, thôn, bản lợi dụng chương trình xây dựng NTM để tham ô, dẫn đến nhiều đơn thư khiếu kiện tố cáo và cũng gây phức tạp, mất niềm tin trong xây dựng NTM. Nhiều đại biểu cũng đề nghị tiến hành điều tra, công bố tình trạng nợ của các xã, số lượng hộ nông dân lâm vào tình trạng bị huy động quá sức dẫn đến phá sản…

“Có tình trạng công nhận xã NTM nhưng cho nợ tiêu chí. Có xã được công nhận NTM nhưng lại trở thành con nợ lớn. Vì vậy, chính quyền lo, nhân dân lo, kém hẳn đi phần phấn khởi”, ĐB Trương Anh Tuấn (Nam Định) nói và đề nghị bổ sung tiêu chí, khi xét công nhận NTM có bổ sung thêm tiêu chí phụ là nợ xây dựng cơ bản không vượt quá 3 tỷ đồng và phải có phương án trả nợ khả thi.

Theo Văn phòng UBND huyện Đakrông ngày 4/11, sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, hiện chưa có xã nào ở huyện rẻo cao này đạt chuẩn do xuất phát điểm quá thấp.

                 H.Thành

MỚI - NÓNG