Chê lương thấp, sếp DNNN ai dám từ chức?

Chê lương thấp, sếp DNNN ai dám từ chức?
TP - Sau 5 tháng thực hiện, đang có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc ấn định lương cho lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tuy nhiên, các nhà quản lý cho rằng, việc siết chặt lương lãnh đạo DNNN là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

> Thứ trưởng Xây dựng tin tiết kiệm nhà ở sẽ vực dậy bất động sản

Nhiều DN phản ứng

Nghị định 51 của Chính phủ (quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với thành viên hội đồng hoặc chủ tịch Cty, kiểm soát viên, tổng giám đốc... trong Cty TNHH do nhà nước làm chủ sở hữu) có hiệu lực từ 1/7.

Theo đó, mức lương cao nhất mà một chủ tịch tập đoàn kinh tế được hưởng chỉ là 54 triệu đồng/tháng; lương cho tổng giám đốc tập đoàn tối đa 52,5 triệu đồng/tháng... Đại diện Bộ Công Thương cho biết, sau khi quy định mới có hiệu lực, nhiều tập đoàn, tổng Cty lớn phản ứng, kiến nghị đòi sửa đổi. Đặc biệt là các đơn vị có lãnh đạo nhận lương và thưởng lên tới hơn 1 tỷ đồng/năm.

Tại một diễn đàn do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, bà Quách Kim Anh, Phó tổng giám đốc Tổng Cty Thuốc lá cho biết, lương của viên chức quản lý nếu bị nhà nước quy định cứng sẽ tạo thành hai mức lương trong doanh nghiệp (DN), rất bất cập.

“Chúng tôi đã tính toán với các lãnh đạo quản lý bình quân trên 60 triệu đồng/tháng hiện nay, sẽ xảy ra chuyện, lương viên chức quản lý thấp hơn cả các nhân sự quản lý ở bộ phận khác và các viên chức quản lý bậc trung”, bà Anh nói.

Đồng quan điểm, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nói: Quy định về tiền lương mới cho viên chức quản lý DNNN sẽ làm nảy sinh hai thang bảng lương khác biệt ở các Cty đã cổ phần hóa.

Theo ông Bảo, mặc dù Nghị định 51 quy định với các DN đã cổ phần, người đại diện vốn nhà nước sẽ chịu trách nhiệm áp dụng cơ chế tiền lương phù hợp với thực tiễn. Nhưng tại Thông tư 19 hướng dẫn, lại yêu cầu áp dụng bảng lương đúng với DN 100% vốn nhà nước.

“Như vậy, tại DNNN đã cổ phần sẽ có hai bảng lương. Một là bảng lương trả cho người đại diện vốn nhà nước được coi là viên chức quản lý; một bảng lương trả cho hệ thống các cán bộ quản lý hoàn toàn theo Luật DN”, ông Bảo nói. Theo ông Bảo, Bộ Công Thương với tư cách là chủ sở hữu, cần có kiến nghị điều chỉnh cơ chế tiền lương phù hợp với cơ chế thị trường để khuyến khích các lãnh đạo dồn hết trí tuệ, tài năng cho DN.

Bình luận về lương của lãnh đạo DNNN, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, một thời kỳ dài, tiền lương của lãnh đạo DNNN bị buông lỏng giám sát. Trước phản ứng mạnh mẽ của dư luận, nhà nước lại chuyển từ thái cực buông lỏng sang siết chặt, có tính chất bình quân.

Theo ông Doanh, quy định mới có tính hai mặt, mặt được ở chỗ là phản ánh quyết tâm của nhà nước lập lại kỷ cương giám sát tiền lương trong khu vực DNNN, nhưng mặt trái là tác động tiêu cực, không tạo ra động lực, khuyến khích các vị giám đốc, chủ tịch DNNN cống hiến sáng tạo. “Trong tình hình khó khăn hiện nay, nhà nước nên có một quy chế bổ sung, cần có thêm cơ chế thưởng để khuyến khích các vị lãnh đạo DNNN làm tốt nhiệm vụ”, ông Doanh kiến nghị.

Ai dám từ chức?

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội lại ủng hộ chính sách lương mới này. TS. Kiên cho rằng, với DNNN cần phải tách ra hai nhóm. Một là công chức được nhà nước cử sang hoạt động ở DN với tư cách là đại diện vốn chủ sở hữu. Nhóm thứ hai là giám đốc điều hành (CEO) phải thi tuyển theo quy chế của đơn vị đó.

“Nếu anh chấp nhận làm công chức, phải theo Luật Công chức, không nên kêu về lương. Ai muốn hưởng lương cao, nên viết đơn xin thôi công chức, chuyển sang làm quản trị, làm điều hành DN”, ông Kiên nói.

 “Với quy định tại Nghị định 51, lãnh đạo DNNN phản ứng khi bị lương thấp. Nhưng thử hỏi, đã có vị nào dám từ chức vì lương thấp khi làm ở DNNN chưa”. 

Một lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, DNNN do nhà nước đầu tư vốn, các lãnh đạo là người được nhà nước bổ nhiệm nên nhà nước có quyền giao nhiệm vụ, đánh giá, trả lương và kiểm soát về lương. Ý kiến nói chênh lệch tiền lương giữa lãnh đạo và cán bộ bậc trung là thực tế cần phải chấp nhận. Thế mới có chuyện, lương của một phi công nước ngoài cao hơn lương lãnh đạo ngành hàng không được xem là chuyện bình thường. Tại sao? Vì các phi công phải giữ tính mạng cho nhiều người.

“Với quy định tại Nghị định 51, lãnh đạo DNNN phản ứng khi bị lương thấp. Nhưng thử hỏi, đã có vị nào dám từ chức vì lương thấp khi làm ở DNNN chưa”, vị lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH nói.

Trả lời Tiền Phong, đại diện Vụ Lao động-Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, mức khống chế 54 triệu đồng/tháng của lãnh đạo DNNN là đã được tính toán dựa trên cơ sở rà soát mặt bằng tiền lương hiện nay của các DNNN.

“Trước đây, các sếp DNNN hưởng lương cao gấp mấy chục lần lương nhân viên chủ yếu là do quy chế phân phối tiền lương nội bộ. Nay, áp dụng cơ chế mới, lương trả theo đúng chức danh. Đặc biệt, cấm chuyện lấy lương của người lao động trả cho viên chức quản lý nên có thể một số vị lãnh đạo sẽ bị hạ lương”, vị đại diện Vụ Lao động-Tiền lương nói.

Về nghi ngại xung quanh năng lực và quy trình bổ nhiệm của lãnh đạo DNNN, TS. Nguyễn Đức Kiên thừa nhận với phóng viên Tiền Phong, quy trình bổ nhiệm công chức hiện nay không phù hợp với tiêu chí của người làm quản trị DN.

“Hiện chúng tôi đang cố gắng tìm một phương án khả dĩ hơn nhưng hơi khó. Chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng hành lang pháp lý để làm sao tách bạch được giữa người làm quản trị DN và người làm quản lý DN”, ông Kiên nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.