Chết chìm vì quá nhiều “phao”!

Chết chìm vì quá nhiều “phao”!
TP - Khi UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức thanh tra, phân tích tình hình tài chính của Cty Xuất nhập khẩu và Đầu tư Bình Thuận (XNK&ĐTBT) để có cơ sở quyết định hình thức sắp xếp doanh nghiệp, kết quả thanh tra đã gây sốc cho nhiều người.

Trong 7 năm từ 1999 đến 2005, kinh doanh với mặt hàng chủ yếu là hạt điều, Cty XNK&ĐTBT bị lỗ gần 93,2 tỷ đồng. Đến ngày 31/12/2005, tổng tài sản của Cty chỉ là gần 87 tỷ đồng, các khoản nợ phải trả (vay ngân hàng, nợ ngân sách, tiền lương, bảo hiểm xã hội…) lên đến hơn 149 tỷ đồng, vốn nhà nước tại Cty này là con số âm gần 62,6 tỷ đồng.

Dẫn đến tình hình bi đát của Cty XNK&ĐTBT có những nguyên nhân khách quan như biến động giá cả trên thị trường, nguồn vốn bị thâm hụt khiến Cty phải chịu chi phí lãi vay lớn.

Nhưng nguyên nhân cơ bản là sự yếu kém, thiếu trách nhiệm trong quản lý và điều hành của lãnh đạo Cty. Cty không tính toán cân đối giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, không xây dựng được định mức tiêu hao nguyên liệu ở các khâu sản xuất, dự đoán sai về giá cả suốt một thời gian dài.

Đã vậy, việc quản lý công nợ không chặt chẽ để một số đối tác như Cty TNHH Mỹ Lệ, Cty TNHH Thanh Tâm… dây dưa chiếm dụng nhiều tỉ đồng trong nhiều năm, giải quyết nhiều khoản chi vượt mức quy định…

Từ năm 1999 đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo cấp dưới tổ chức rất nhiều cuộc họp, ban hành rất nhiều văn bản giúp Cty XNK&ĐTBT duy trì hoạt động, khắc phục tình trạng lỗ kéo dài.

Trong các năm đó, UBND tỉnh đã bổ sung cho Cty XNK&ĐTBT 14 tỷ đồng vốn, tạm ứng 102 tỷ đồng để mua nguyên liệu. Có thể hiểu, UBND tỉnh Bình Thuận đã rất nỗ lực để vực dậy Cty này?

Trong 7 năm, năm 2002 và 2004 Cty XNK&ĐTBT “có lãi” vài tỷ đồng. Đó chính là 2 năm Cty được tiếp vốn nhiều nhất (năm 2002 được ứng 30 tỷ đồng, năm 2004 được bổ sung 5 tỷ đồng và ứng 45 tỷ đồng).

“Lãi” của 2 năm đó chủ yếu do biến động giá cả có lợi và giảm được chi phí lãi vay nhờ có vốn ứng. Phải chăng vì có “lãi giả” và liên tục được tiếp vốn, nên lãnh đạo Cty XNK&ĐTBT không chủ động cải thiện sự quản lý, điều hành kinh doanh, tiếp tục hào phóng dùng “tiền chùa” ứng trước cho đối tác mua nguyên liệu, để rồi bị chiếm dụng?

Hiện nay, Cty XNK&ĐTBT không thể tổ chức lại hoặc giải thể theo Nghị định (NĐ) số 180, cũng không thể được giao, bán, khoán kinh doanh hay cho thuê theo NĐ số 80. Để có thể cổ phần hoá Cty XNK&ĐTBT theo NĐ số 187, giá trị vốn nhà nước tại đây phải là số dương, tức là ngân sách sẽ phải cấp thêm cho Cty này số tiền ít nhất là 62,7 tỷ đồng!

Đây là điều vượt quá khả năng của ngân sách tỉnh Bình Thuận, chưa kể việc cấp vốn cần được Bộ Tài chính đồng ý. Không còn cách xử lý nào khác với Cty này ngoài việc lập thủ tục phá sản theo quy định tại điều 15 và điều 16 của Luật Phá sản.

Ai phải chịu trách nhiệm về sự “chết chìm” với khối nợ khổng lồ của doanh nghiệp này?

MỚI - NÓNG