Chỉ mặt sát thủ của 5 vạn ha cây ăn trái ở ÐBSCL

Sầu riêng là một trong những​cây trồng​nhạy cảm với mặn​cần được bảo vệ. ẢNH: CẢNH KỲ
Sầu riêng là một trong những​cây trồng​nhạy cảm với mặn​cần được bảo vệ. ẢNH: CẢNH KỲ
TP - Mùa khô 2020-2021, xâm nhập mặn (XNM) ở ÐBSCL nhìn chung thấp hơn năm 2016 và 2020, nhưng cao hơn trung bình nhiều năm từ 6-13km. Hiện vụ lúa Ðông Xuân cơ bản đã tránh được hạn mặn, nhưng nhiều diện tích cây ăn trái có nguy cơ bị thiệt hại.

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, đến giữa tháng 2, trên sông Vàm Cỏ Đông, XNM lớn nhất (4g/l) đã vào sâu 66km, sông Vàm Cỏ Tây 68km, sông Cửa Tiểu và Cửa Đại 45-46km, sông Hàm Luông 56km, sông Cổ Chiên 51km, sông Hậu 45km và sông Cái Lớn 50km.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho hay, dựa vào dự báo XNM, khô hạn của các cơ quan chuyên môn và tiến độ thu hoạch lúa hiện nay, có thể nói vụ lúa Đông Xuân ở ĐBSCL cơ bản đã vượt qua được vấn đề khô hạn, XNM năm 2021. “Hạn, mặn sẽ không ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng lúa ở ĐBSCL, nhất là diện tích lúa ở các địa phương ven biển của vùng”, ông Tùng nói. Đây là kết quả của việc chủ động điều chỉnh lịch thời vụ sớm hơn cùng với việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật, chọn tạo giống lúa ngắn ngày ở các địa phương.

Theo Cục Trồng trọt, vụ lúa Đông Xuân 2020-2021, vùng ĐBSCL xuống giống hơn 1,5 triệu ha, giảm 30.000 ha so với vụ Đông Xuân 2019-2020. Diện tích thu hoạch đến cuối tháng 2 dự kiến đạt 50.000 ha, số còn lại sẽ được thu hoạch vào tháng 3-4 và một số ít ở tháng 5. Năng suất ước đạt trên 6,9 tấn/ha, tăng gần 0,1 tấn/ha so với cùng kỳ; sản lượng khoảng 10,5 triệu tấn. Đáng chú ý, trong số các địa phương làm vụ Đông Xuân 2020-2021, chỉ có một ít diện tích (như khoảng 10.700ha tại tỉnh Trà Vinh…) được dự báo sẽ bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn và có nguy cơ bị thiệt hại vào giai đoạn cuối vụ.

Về cây ăn trái, theo cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT, diện tích có nguy cơ bị thiệt hại trong mùa khô năm nay khoảng 50.000ha, trong đó tập trung ở Tiền Giang (hơn 16.600ha), Bến Tre (15.700ha), Long An (hơn 6.100ha), Sóc Trăng (hơn 3.400ha), Vĩnh Long (hơn 1.800ha), Hậu Giang (hơn 1.600ha)…

Ứng phó

Ngành chức năng đưa ra các khuyến cáo cần làm ngay để hạn chế ảnh hưởng do hạn, mặn như tăng cường tích trữ nguồn nước ngọt bằng cách xây dựng các hồ chứa phân tán (như cách Bến Tre đã làm trong đợt hạn, mặn năm 2020). Đối với vùng giữa của đồng bằng, cần nâng cấp hệ thống thủy lợi, chủ động nguồn nước cho từng vùng ngọt, lợ và tăng cường khả năng cấp nước ngọt, trữ nước tại chỗ đối với những vùng ven biển…

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre khuyến cáo các địa phương trong tỉnh nên theo dõi và kiểm tra độ mặn tại các cống đầu mối để có kế hoạch đóng mở phù hợp; người dân cần kiểm tra độ mặn, chủ động trữ nước ngọt khi tình hình XNM giảm. Tại Long An, UBND tỉnh đã công bố tình huống thiên tai do XNM trên địa bàn. Các hoạt động, biện pháp công trình và phi công trình để thực hiện ứng phó, khắc phục trong thời gian xảy ra thiên tai do XNM được thực hiện theo tình huống khẩn cấp.

Tại Tiền Giang, “thủ phủ” cây ăn trái của ĐBSCL, hạn mặn năm trước đã gây thiệt hại nhiều diện tích, đặc biệt là những vườn chuyên canh. Ông Võ Phú Hiệp (ấp Mỹ Chánh, xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy) cho biết, gần đây ông thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình XNM, đồng thời chủ động gia cố bờ bao, nạo vét mương, trồng cỏ giữ ẩm gốc để bảo vệ vườn sầu riêng 6ha. UBND tỉnh Tiền Giang quyết định đầu tư xây dựng 8 đập ngăn mặn trên các tuyến kênh, rạch nhằm đảm bảo nước tưới cho 128.250ha đất sản xuất nông nghiệp và nguồn nước bổ cập cho 3 nhà máy phục vụ nước sinh hoạt cho khoảng 1,1 triệu người dân của hai tỉnh Tiền Giang và Long An...

MỚI - NÓNG