Chỉ một tàu vi phạm IUU cũng khó gỡ được 'thẻ vàng'

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra cảng cá ở Tiền Giang và lưu ý về vấn đề xác nhận, truy xuất nguồn gốc hải sản.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra cảng cá ở Tiền Giang và lưu ý về vấn đề xác nhận, truy xuất nguồn gốc hải sản.
TPO - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến vừa kiểm tra và làm việc tại hai tỉnh Tiền Giang, Bến Tre liên quan việc thực hiện khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác IUU (đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định).

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh đã có 874/1.072 tàu đã lắp thiết bị giám sát hành trình (đạt 81,5%), 209 tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

 Từ đầu năm 2020 đến nay, Ban Quản lý Cảng cá thực hiện hồ sơ kiểm soát, giám sát 3.113 lượt tàu cá cập cảng (100%); lập 602 biên bản tàu cá cập cảng, rời cảng theo quy định.

 Thực hiện kiểm tra 452 lượt tàu có chiều dài từ 24 m trở lên (100%); kiểm tra 66 lượt tàu lưới kéo (12,74%); kiểm tra 84 lượt tàu hoạt động nghề khác, đạt 7,51%; xác nhận truy xuất nguồn gốc 57 giấy/1.473 tấn, chứng nhận 113 giấy/1.487 tấn nguyên liệu thủy hải sản các loại.

 Tỉnh Tiền Giang vẫn còn 1 ngư dân vi phạm vùng biển Thái Lan bị bắt giữ; xử phạt 1 doanh nghiệp khai thác trái phép 1,8 tỷ đồng.

 Tại Bến Tre, ông Nguyễn Văn Buội, Phó GĐ Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, cho biết, sau khi có những chỉ đạo từ các đoàn kiểm tra ở Trung ương, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành nhiều công văn, văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan quyết liệt thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU.

 Tỉnh kiên quyết xử lý nghiêm chủ tàu cá vi phạm các quy định trong lĩnh vực khai thác thủy sản; thực hiện các nội dung khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU; thực hiện các kết luận của Ban chỉ đạo quốc gia về IUU, truy suất nguồn gốc, đầu tư hạ tầng thủy sản.

 Bến Tre hiện có 1.962 tàu khai thác thuộc diện bắt buộc đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt gần 98%. Đáng chú ý, tàu nhóm lớn trên 24m đã lắp đặt 100%. Nhờ thiết bị này, đã phát hiện 65 trường hợp vi phạm ranh giới vùng biển nước ngoài.

 Trong 9 tháng đầu năm, Bến Tre đã phát hiện 9 vụ, 63 ngư dân khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài, giảm 12 vụ so với cùng kỳ năm trước. Bộ Chỉ huy Biên phòng đã tham mưu UBND tỉnh Bến Tre xử lý 7 trường hợp với số tiền 5,8 tỷ đồng.

 Công tác giám sát tàu cá được thực hiện nghiêm túc. Từ đầu năm đến nay, đơn vị chức năng đã giám sát 3.131 lượt rời cảng và 1.573 lượt cập cảng; số hàng thủy sản bốc dỡ trên 42 nghìn tấn.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt, tàu mất liên lạc trên 10 ngày, công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình chưa đầy đủ, bán hải sản sang tỉnh khác nhưng không khai báo…

Chỉ một tàu vi phạm IUU cũng khó gỡ được 'thẻ vàng' ảnh 1 Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT làm việc với UBND tỉnh Bến Tre về các vấn đề liên quan đến IUU

Sau khi kiểm tra thực tế tình hình thực hiện của các địa phương, Đoàn công tác đánh giá cao công tác thực hiện các góp ý, tồn tại cần khắc phục tại hai địa phương trong kiểm tra lần trước.

Đoàn công tác cũng chỉ ra một số hạn chế, tồn tại mới phát sinh trong đợt kiểm tra này như: vấn đề quản lý hồ sơ truy xuất gốc, ghi chép nhật ký khai thác…

Về việc việc thực hiện khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, cần xác định đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

“Mình phải xác định trách nhiệm là trách nhiệm của mình, chứ kiểm tra mãi mà vẫn chỉ ra những tồn tại như thế này tôi cho rằng không ổn. Đợt này, đoàn kiểm tra của châu Âu vào nhất định sẽ tới kiểm tra khu vực này. Đợt trước đã vào Kiên Giang rồi. Bến Tre, Tiền Giang chưa vào vì nguồn lợi khai thác cũng chỉ tương đối”, ông Tiến nói.

 Thứ trưởng Tiến cho rằng, hiện văn bản hệ thống pháp luật điều hành đã có đầy đủ. Luật Thủy sản 2017, có hiệu lực từ 1/1/2019 gồm 2 nghị định, 1 quyết định và 8 thông tư đã có hướng dẫn rõ ràng.

 “Riêng khung pháp luật đã có tham vấn châu Âu phù hợp cả trong nước lẫn quốc tế. Cũng giống như ta đang muốn chuyển nghề cá nhân dân sang nghề cá trách nhiệm, phù hợp luật quốc tế”, ông Tiến nói.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng, thể gỡ được “thẻ vàng”, không chỉ bộ mà cả địa phương cũng phải có trách nhiệm. "Chỉ còn một tàu vi phạm cũng khó gỡ được thẻ vàng. Do vậy cần phải quản lý đội tàu chặt chẽ hơn nữa, nhất là gắn các thiết bị giám sát đầy đủ", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói, đồng thời lưu ý về vấn đề ghi sổ nhật ký khai thác để truy xuất nguồn gốc. Theo đó, các chủ tàu cần ghi chép sản lượng, ngày khai thác, địa điểm… luôn, không nên để về mới ghi lại theo kiểu “hồi ký” sẽ không chính xác.

Ông Tiến cũng nhấn mạnh về khâu thực thi pháp luật, khi cả nước đã xử phạt 40 tỷ đồng với các vi phạm liên quan đến IUU. “Chúng ta không phải chống chế ai cả, chúng ta phải thay đổi để đưa ngành thủy sản lên một tầm cao mới để hội nhập khu vực và quốc tế”, Thứ trưởng Tiến nói.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.