Chi phí cao làm doanh nghiệp giảm sức cạnh tranh

Việc thu phí cửa khẩu cảng biển ở Hải Phòng đang bị nhiều hiệp hội, doanh nghiệp phản ứng. Ảnh: B. Phương.
Việc thu phí cửa khẩu cảng biển ở Hải Phòng đang bị nhiều hiệp hội, doanh nghiệp phản ứng. Ảnh: B. Phương.
TP - Các loại phí, lệ phí cao đang tạo gánh nặng, làm “kiệt sức” cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) và hàng hóa, ảnh hưởng môi trường đầu tư, kinh doanh.

Phí kiểm dịch, xác nhận đồng loạt tăng

Nhiều loại phí và lệ phí trong lĩnh vực nông nghiệp, thú y, thủy sản và xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản đang tạo gánh nặng cho DN. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, mức phí thẩm định cấp giấy chứng nhận xuất khẩu tại thông tư 286/2016 của Bộ Tài chính làm gia tăng chi phí đáng kể cho DN, trong khi, trước đây DN không phải trả.

Theo đó, phí thẩm định cấp giấy chứng nhận thực phẩm xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu, với trường hợp phải kiểm tra, lấy mẫu tại DN là 350 nghìn đồng/lô, còn chỉ kiểm tra hồ sơ là 100 nghìn đồng/lô hàng. Nếu lấy quy mô sản xuất, xuất khẩu năm 2016, các DN phải chi trả thêm từ 100 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/năm/ DN, tùy quy mô nhà máy.

Lãnh đạo Vasep cũng cho biết, quy định phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thuỷ sản với 700 nghìn đồng/lần theo biểu phí tại Thông tư 230/2016 của Bộ Tài chính là quá cao, và thiếu cơ sở, cần rà soát, điều chỉnh xuống không quá 100 nghìn đồng/lần. Khảo sát của Vasep từ gần 30 DN hải sản trong năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017 (cả DN lớn và rất nhỏ) cho thấy, chi phí cấp giấy xác nhận nguồn gốc nguyên liệu hải sản đi EU ước tính trong 1 năm (theo quy mô năm 2016) là 31,6 triệu đồng/DN/năm (trước đây không thu).

Đặc biệt, đối với nhóm các DN chế biến xuất khẩu sản phẩm cá ngừ, số lượng giấy xác nhận nguồn gốc là khá lớn, từ vài trăm đến hàng nghìn giấy/năm, do đặc tính thu gom cá nguyên liệu từ nhiều tỉnh trong nhiều đợt. Ông Nam cho biết, theo quy mô sản xuất như 2016, chi phí phát sinh từ hạng mục này cho một DN chế biến hải sản xuất khẩu cũng từ 100 triệu đồng đến gần 1 tỷ đồng/năm.

Đại diện Vasep cũng kiến nghị mức phí kiểm dịch lô hàng nhập khẩu cũng bị đội lên tại Thông tư 285/2016 của Bộ Tài chính. Trước đây, chỉ thu lệ phí cấp giấy kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu, nhập khẩu là 40.000 đồng; đối với lô hàng nhập khẩu để kinh doanh còn thêm phí kiểm mẫu tính trung bình khoảng 1 triệu đồng/lô. Tuy nhiên, sau khi có thông tư 285, chi phí DN phải nộp thêm về phí, lệ phí cấp giấy kiểm dịch và kiểm mẫu đã tăng lên gấp hơn 4 lần đối với lô hàng chỉ gồm 1 container và chỉ 1 mặt hàng; trường hợp nếu lô hàng có nhiều mặt hàng, nhiều container thì chi phí sẽ tăng thêm nhiều hơn nữa.

“Oằn mình” với chi phí hạ tầng

Ông Đặng Thế Lưỡng, Tổng thư ký Hiệp hội DN Hải An (Hải Phòng) cho biết,thời gian qua, do mức thu phí BOT quá cao, khiến lượng lớn xe container lách vào đường tỉnh lộ, huyện lộ- nơi không mất phí, khiến đường xuống cấp rất nhanh.

Ông Lưỡng cũng cho biết, nhiều DN đang “kêu trời”, bị đảo lộn, đình trệ sản xuất, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản do tác động của việc phân luồng giao thông ở cầu vượt Ngã 3 Đình Vũ. Các DN cho biết, để phục vụ thi công cầu vượt tại Ngã 3 Đình Vũ, việc phân luồng giao thông (Ngã 3 Đình Vũ - Km104 + 635 QL.5/Hải Phòng) đoạn thuộc dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đường 356 đoạn 2A từ Ngã 3 Nguyễn Bỉnh Khiêm đến đập Đình Vũ, đã cấm toàn bộ các phương tiện vận tải trên 3,5 tấn và xe container. Việc này đã ảnh hưởng rất lớn, đảo lộn hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN.

Theo đại diện Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF), nghị quyết 148 của HĐND TP Hải Phòng (ban hành cuối tháng 12/2016, áp dụng từ đầu năm 2017) về thu phí cửa khẩu cảng biển, đẩy hàng nghìn DN vào thế khó khăn. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực cạnh tranh của hàng xuất nhập khẩu từ Việt Nam cũng như môi trường đầu tư của Hải phòng và Việt Nam.

Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) cho biết, hiện một container hàng từ Hà Nội qua cảng Hải Phòng sang Nhật Bản chịu rất nhiều chi phí, lên 990 USD, so với 170 USD từ Quảng Châu (Trung Quốc) và 550 USD từ Philippines về nước này. Theo tính toán của VPSF, khoảng cách từ cảng Hải Phòng đến đường cao tốc hay Quốc lộ 5 chỉ tầm 20km, nhưng mức phí 500 đồng/container 40 feet, tương đương với phí cầu đường của toàn bộ Đường 5 về Hà Nội và bằng 50% mức phí đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, trong khi khoảng cách chỉ bằng 1/5.

Ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội DN dịch vụ Logistic Việt Nam (VLA) cho biết, trong hoạt động logistic, chi phí vận tải chiếm tới 60%, trong đó, phí cầu đường BOT chiếm 10%; chi phí “lót tay”, nước nôi khoảng 5%, chi phí xăng dầu chiếm 35%. Để giảm chi phí logistic, ông Tương  cho rằng, giảm các khoản chi phí cầu đường, lót tay, các thủ tục kiểm tra chuyên ngành và các khoản phí không đáng có.

Ông Vũ  Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, loại chi phí như logistics, thuế xuất nhập khẩu, chi phí vay vốn, thuê mặt bằng kinh doanh, chi phí vốn vay, chi phí lao động, chi phí không chính thức…đang gây mối quan ngại lớn với các nhà đầu tư.

Chi phí nộp thuế của Việt Nam cao nhất so với ASEAN 4, ở mức 39,1% lợi nhuận, cao hơn 2 lần so với Singapore. Tương tự, chi phí tuân thủ chứng từ xuất khẩu cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philippines. 

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".