Chỉ số giá cả năm khó thấp hơn 7,5%

Chỉ số giá cả năm khó thấp hơn 7,5%
Cho đến bây giờ thì gần như không còn ai có thể tin rằng tốc độ tăng giá tiêu dùng cả năm 2005 có thể đạt dưới 6,5% như mục tiêu đã đề ra!
Chỉ số giá cả năm khó thấp hơn 7,5% ảnh 1

Các chuyên gia đã lý giải tình hình này như thế nào?

Thứ nhất, giá tiêu dùng sau 8 tháng đã tăng 6%. Nếu theo mục tiêu thì 4 tháng cuối năm chỉ còn được tăng 0,4%, bình quân mỗi tháng tăng khoảng 0,1%. Đó là điều rất khó thực hiện!

Xem lại tốc độ tăng giá tiêu dùng trong 4 tháng cuối năm 2004 thì thấy tháng 9 tăng 0,3%, tháng 10 không tăng, tháng 11 tăng 0,2%, tháng 12 tăng 0,6%, tính chung 4 tháng tăng khoảng 1,1%. Nếu 4 tháng cuối năm 2005 chỉ tăng bằng với mức trên thì cả năm 2005 sẽ tăng trên 7,1%.

Cần nhớ rằng, 4 tháng cuối năm 2004 tốc độ tăng giá đã giảm nhiều so với 8 tháng đầu năm do Nhà nước đã áp dụng nhiều biện pháp kiềm chế giá.

Thứ hai, trong 4 tháng cuối năm 2005 sẽ có nhiều yếu tố tác động làm tăng giá tiêu dùng.

Trước hết, giá xăng dầu mới tăng cách đây mấy hôm hầu như chưa được tính vào tốc độ tăng giá của tháng 8. Chỉ với 2 đợt tăng giá trước đã làm cho giá phương tiện đi lại, bưu điện tháng 8 tăng 0,9%, 8 tháng tăng 5,8%, nhưng nếu không kể giá bưu điện giảm (tháng 8 giảm 0,7%, 8 tháng giảm 5,9%) thì giá phương tiện đi lại còn tăng cao hơn, nếu tính riêng về xăng dầu thì giá còn tăng cao hơn nữa.

Giá xăng dầu tăng sẽ làm cho chi phí đầu vào của nhiều ngành tăng lên theo, đó là chưa kể tình trạng "té nước theo mưa" của nhiều hoạt động ít liên quan đến xăng dầu. Chi phí đầu vào tăng sẽ đẩy giá bán sản phẩm đầu ra tăng lên là không tránh khỏi.

Thứ ba, lãi suất ngân hàng tăng lên. Khi giá tiêu dùng tăng, các tổ chức tín dụng buộc phải tăng lãi suất huy động, nếu không sẽ trái với nguyên tắc "lãi suất thực dương" trong cơ chế thị trường.

Trên thực tế 8 tháng qua, giá tiêu dùng tăng 6%, có nghĩa là bình quân 1 tháng đã tăng 0,75%, cao hơn lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng tính theo năm, hay nói cách khác, lãi suất thực đã bị "âm". Bắt đầu từ tháng 7, các ngân hàng thương mại ngoài quốc doanh đã tăng, tiếp đến là một số ngân hàng thương mại quốc doanh cũng đã tăng lãi suất huy động.

Khi lãi suất huy động tăng tất yếu trước sau sẽ dẫn đến tăng lãi suất cho vay. Trong khi đó, lãi suất đồng Đôla ở Mỹ đã lần thứ 10 liên tục trong 10 tháng tăng từ 1% lên 3,5%/năm và chưa có dấu hiệu dừng lại cũng kéo lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng trong nước tăng lên theo.

Cần nhớ rằng, lãi suất cho vay của ngân hàng đã cao hơn mặt bằng sinh lời của các doanh nghiệp, nay tăng lên sẽ làm cho hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp bị sút giảm.

Thứ tư, cung hàng hoá của nhiều loại nông sản không nhiều, trong khi nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu lại cao, nhất là gạo, cà phê, rau quả, hạt tiêu, hạt điều, chè...

Thực phẩm nông sản tươi sống cũng rất "phập phù", bởi giá thức ăn cao, dịch cúm gia cầm có nguy cơ tái xuất hiện.

Thứ năm, vào cuối năm, giá tiêu dùng thường tăng cao do nhu cầu đầu tư, tiêu dùng. Ngoài ra còn phải kể đến các yếu tố thời tiết. Lũ ở ĐBSCL về sớm và dự báo có thể lớn hơn mọi năm, trong khi lúa hè thu muộn ở đây mới đang làm đòng, trổ bông.

Với diễn biến trong 8 tháng đầu năm và tác động của các yếu tố làm tăng trong 4 tháng cuối năm, một số chuyên gia đã dự đoán tốc độ tăng giá tiêu dùng năm nay sẽ không thấp hơn 7,5%.

Nếu như vậy, tốc độ tăng giá tiêu dùng sẽ thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế và điều đó là có thể chấp nhận được, trong điều kiện giá cả thế giới, nhất là giá xăng dầu tăng cao, trong điều kiện cần ưu tiên cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, trong điều kiện giá cả của một số mặt hàng đã bị kiềm chế trong thời gian tương đối dài, trong điều kiện ngân sách đã phải dành một khoản tiền khá lớn để tăng lương...

Tuy nhiên việc kiềm chế tốc độ tăng giá theo dự đoán trên thực hiện được không phải dễ dàng do trong cơ chế thị trường các cân đối kinh tế vĩ mô đặc biệt về giá cả - tiền tệ - tiền lương - tăng trưởng kinh tế hoạt động gần như "bình thông nhau".

Một điểm cần chú ý về giá tiêu dùng trong 8 tháng đầu năm là, nếu tính theo thông lệ quốc tế tính theo năm, tức là so với cùng kỳ năm trước, thì tháng 1 tăng 9,7%, tháng 2 tăng 9,1%, tháng 3 tăng 8,4%, tháng 4 tăng 8,5%, tháng 5 tăng 8,1%, tháng 6 tăng 7,6%, tháng 7 tăng 7,5%, tháng 8 tăng 7,3% tính chung bình quân 8 tháng 2005 so với 8 tháng 2004 đã tăng 8,3%, cao hơn chỉ số 6,7% tương ứng của năm 2004.

Mặt bằng giá cao lên, mặt bằng lãi suất cao hơn... đang là vấn đề cần được các nhà hoạch định chính sách và quản lý kinh tế vĩ mô quan tâm xử lý.

MỚI - NÓNG