Xuất khẩu lao động - quả ngọt thành trái đắng - Bài 3:

Chỉ tiêu XKLĐ năm 2010 khó đạt

Chỉ tiêu XKLĐ năm 2010 khó đạt
TP - Trong 2010, chỉ tiêu được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đề ra là đưa được 85.000 lao động đi lao động xuất khẩu (XKLĐ). Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ tiêu này khó đạt vì hầu hết các thị trường tiềm năng đều không còn hấp dẫn.

>> Dân cần, 'quan' chưa vội

Chỉ tiêu XKLĐ năm 2010 khó đạt ảnh 1
Vì thiếu việc nên nhiều lao động phải về nước trước thời hạn (Lao động nhận hành lý tại sân bay Nội Bài). Ảnh: Phong Cầm

Thực tế dưới đất

Trong năm 2009, Bộ LĐ-TB&XH chỉ đưa được gần 75.000 người/90.000 người đi XKLĐ. Theo các chuyên gia, con số 75.000 chưa hẳn đã là thực tế.  Bởi vì, một số thị trường được cho là tiếp nhận lượng lớn lao động Việt Nam, trong năm 2009 đều sụt giảm.

Từ con số của năm 2009 cho thấy, thị trường Malaysia rất khó thu hút lao động tham gia vì cho thu nhập thấp. Hơn nữa, một loạt lao động vừa hết hạn hợp đồng từ Malaysia trở về trong tình trạng chán nản sẽ khiến cho các lao động đang muốn đi XKLĐ tẩy chay thị trường này.

Với thị trường Đài Loan, nhiều lao động vừa trở về cũng cho biết, trong hai năm làm việc tại Đài Loan, họ luôn đối mặt với tình trạng thiếu việc làm. Vì không có việc làm nên đa số lao động sau 2 năm làm việc đều quyết định về nước mà không gia hạn thêm hợp đồng.

Anh Nguyễn Văn Phúc (Kỳ Tân, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và một số lao động vừa trở về từ Đài Loan cho biết, lao động Việt Nam khi sang Đài Loan chủ yếu làm việc cho các Cty tư nhân, ít có lao động làm việc cho các doanh nghiệp nhà nước.

Theo anh Phúc, làm việc cho Cty tư nhân công việc và thu nhập rất bấp bênh. Sau hai năm làm việc tại Đài Loan, anh chỉ kiếm đủ tiền trả nợ ngân hàng.

Trung Đông được cho là thị trường mới, thu hút nhiều lao động Việt Nam. Tuy nhiên, giám đốc một doanh nghiệp vào loại top tại Trung Đông cho biết, những tháng cuối năm 2009, đối tác đã không sang Việt Nam để tuyển lao động.

Lý do họ đưa ra là vì lao động Việt Nam đang làm việc ở các nước Trung Đông để xảy ra quá nhiều việc khiến các chủ sử dụng bất an. Chuyện lao động Việt Nam đánh nhau, nấu rượu lậu, cờ bạc, trộm cắp... xảy ra thường xuyên.

Thị trường cho thu nhập cao (Hàn Quốc, Nhật Bản) lại không phải là thị trường có thể tiếp nhận lượng lớn lao động Việt Nam vì thực hiện theo chế độ hạn ngạch và tu nghiệp sinh. Trong khi đó, các thị trường mới, triển vọng (Canada, Australia...) lại quá xa vời với lao động Việt Nam vì tay nghề chưa thể đáp ứng.

Chỉ tiêu trên trời

Thực trạng là thế, nhưng theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, để hoàn thành chỉ tiêu đưa 85.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cần chú trọng thực hiện chính sách hỗ trợ thanh niên, người nghèo vay vốn học nghề, làm thủ tục XKLĐ; thực hiện đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ.

Ông P.A - Giám đốc một Cty XKLĐ cho rằng, không hiểu Bộ LĐ-TB&XH căn cứ vào đâu để đưa ra chỉ tiêu cao và thiếu thực tế như thế. Theo ông P.A, từ trước đến nay, chưa có tổ chức nào hậu kiểm độ chính xác của các con số về XKLĐ do Bộ LĐ-TB&XH công bố.

Trong khi đó, việc triển khai Đề án hỗ trợ 62 huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ hiện cũng gặp nhiều trở ngại. Đến thời điểm này, mới chỉ triển khai được ở 11 tỉnh, với gần 3.000 lao động được sơ tuyển, 2.300 lao động đang được đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức.

Dù nhà nước đã rót khoản ngân sách lớn, việc tổ chức thực hiện được bộ, cục làm rất rầm rộ nhưng đến hết năm 2009 cũng mới chỉ đưa được gần 1.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Một thực tế đáng buồn nữa là, nhiều doanh nghiệp XKLĐ (kể cả những doanh nghiệp được cho là lớn) hiện đang chậm lương hoặc nợ lương cán bộ công nhân viên từ 1 đến 3 tháng. Nhiều nhân viên vì không chịu được đã phải nộp đơn xin nghỉ việc, tìm lĩnh vực khác để đầu quân.

Cũng chính vì XKLĐ gặp khó nên nhiều ông lớn trong lĩnh vực XKLĐ (Cty AIC, Airseco, Emico...) đang chuyển hướng kinh doanh sang nhiều lĩnh vực khác. 

MỚI - NÓNG