Chia sẻ khó khăn với ngành điện

Chia sẻ khó khăn với ngành điện
TP - Nhiều chuyên gia cho rằng, với khó khăn chồng chất của ngành điện hiện nay, các hộ tiêu thụ điện lớn như thép và xi măng cần sự chia sẻ, cảm thông với ngành điện.

> Tăng cường minh bạch thị trường điện
> EVN sửa điện miễn phí cho người nghèo

Thép, xi măng tốn nhiều điện

Mới đây, tại buổi tọa đàm để ngành thép và xi măng phát triển ổn định, bền vững, ông Bùi Quang Chuyện - Phó Vụ trưởng Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết, ngành thép hiện đang bộc lộ một số tồn tại. Đó là chưa cân đối nhu cầu sản phẩm. Trong khi một số sản phẩm cung vượt xa cầu, nhiều sản phẩm lại phải nhập khẩu.

Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất thép hiện nay có quy mô công suất nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu, chưa thân thiện với môi trường, nhất là chỉ số tiêu hao than cốc (đối với Lò cao), điện năng và điện cực (đối với Lò điện hồ quang).

Với ngành xi măng, nhiều dự án chưa có thiết bị tận dụng nhiệt khí thải, nhà máy xi măng sẽ tự sản xuất khoảng 15% lượng điện tiêu thụ cũng như chưa thực sự tiết kiệm tối đa năng lượng.

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, trong tổng sản lượng điện sử dụng trong ngành công nghiệp Việt Nam chiếm 70%, ngành thép và xi măng chiếm tới 11-12%.

“Tuy nhiên, đây mới chỉ là báo cáo ban đầu, còn con số thực tế có thể còn cao hơn. Ngành thép và xi măng hiện nay vẫn là ngành tiêu hao năng lượng tương đối lớn”, ông Ngãi nói.

Tiêu thụ điện của ngành thép và xi măng năm 2011 là 5,7 tỷ kWh; năm 2012, là 5,6 tỷ kWh; 6 tháng đầu năm 2013, tiêu thụ 2,6 tỷ kWh, chiếm 4,8% sản lượng điện.

Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, hiện nay, giá điện bình quân là 1.600 đồng/kWh và ngành điện đang lỗ rất lớn, không đủ tiền để chi trả nguyên liệu cho các ngành khác như than, khí. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, điện nợ than và khí gần 10.000 tỷ đồng.

Vì giá bán điện đang được ấn định thấp nên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rất khó cân đối tài chính và cũng không đủ vốn để tái đầu tư, phát triển. “Giá điện mỗi lần tăng 1 - 5% thì cũng chẳng thấm vào đâu so với số lỗ do bán điện dưới giá thành. Ngành thép và xi măng cần phải thông cảm cho ngành điện vì ngành điện đang chịu lỗ rất lớn và chịu sức ép từ đầu tư” - ông Ngãi nói.

Ông Bùi Quang Chuyện cũng cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất thép cần chia sẻ khó khăn với EVN. Giá điện hiện nay chưa theo giá thị trường và rẻ hơn các nước trong khu vực nên việc khuyến khích hạn chế sử dụng điện, sử dụng điện vào giờ thấp điểm, không khuyến khích sử dụng công nghệ tiêu hao điện năng là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Đầu tư công nghệ để tiết kiệm điện

Theo ông Trần Viết Ngãi, ngành xi măng, ngành thép cần phải có cái tầm nhìn dài hơi, có quy hoạch đồng bộ để vừa phát triển vừa cân đối cung cầu. Đồng thời, phải có chính sách tìm kiếm năng lượng. Chẳng hạn, xử lý chất thải tạo ra tuốc-bin nhỏ để phục vụ cho khoảng 25% nhu cầu điện cho ngành xi măng. Ngành thép nên cơ cấu lại, cần đầu tư công suất cỡ 1 triệu tấn/năm trở lên chứ không đầu tư nhỏ lẻ. Công suất cao, công nghệ mới sẽ giảm tiêu hao năng lượng.

Còn theo ông Bùi Quang Chuyện, thời gian tới, cần tăng cường các dự án thép hiện đại thay thế dần những nhà máy gang, thép manh mún, sử dụng công nghệ lạc hậu. “Từ năm 2013 trở đi không cấp phép cho các dự án mới với công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng”- ông Chuyện khẳng định.

Ông Chuyện cũng cho rằng, giá điện tăng là điều không tránh khỏi. Đối với ngành thép và xi măng, đặt ra hai vấn đề. Đó là, có nên tăng giá điện với hai ngành này; thứ hai là hai ngành này phải đổi mới công nghệ.

“Việc tăng giá điện để đủ lượng vốn ngoài chi phí cho ngành điện tái đầu tư phát triển. Nếu tăng thêm từ 2 - 16% cần cân nhắc kỹ. Đồng thời ngành thép và xi măng cần báo cáo chính xác mỗi một năm tiêu thụ bao nhiêu kWh điện để có hướng điều chỉnh”- ông Ngãi kiến nghị.

Được biết, hiện nay, chi phí giá thành điện năng trong giá thành sản phẩm thép khá cao. Đối với sản xuất phôi thép từ thép phế sử dụng lò điện hồ quang là 550-600 kWh/tấn, chi phí điện năng chiếm khoảng 5-6% chi phí giá thành. Với dự án lớn sử dụng lò điện hồ quang, giá thành sẽ dưới 5%. Với thép cán nguội, thép cán ống chi phí điện năng chỉ chiếm 0,6-1,8%.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.