“Chiến dịch” đưa cầu treo về vùng khó

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng tại lễ khánh thành cầu treo Cò Pha – xã Xuân Lạc, Chợ Đồn, Bắc Kạn.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng tại lễ khánh thành cầu treo Cò Pha – xã Xuân Lạc, Chợ Đồn, Bắc Kạn.
TP - Cộng đồng bị chia cắt, điểm trường qua sông suối, bến đò hiểm trở đã, đang và sẽ được gắn kết bằng những nhịp cầu treo. Xây những cây cầu cũng là cách chia sẻ với người dân vùng khó, đồng bào dân tộc những thành quả phát triển chung của đất nước.

Thỏa mơ ước bao đời

Lần đầu tiên, trong lịch sử ngành GTVT, 186 cầu treo dân sinh được triển khai đồng loạt tại 28 tỉnh thành. Ban QLDA 3, cơ quan đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm Chủ đầu tư dự án này cho biết: Hiện nay, số cầu đang thi công là 120; trong đó, 86 cầu dự kiến sẽ hoàn thành để phục vụ bà con đón Tết Âm lịch. Các cầu còn lại sẽ hoàn thành trước tháng 7/2015 để người dân vùng cao kịp sử dụng trong mùa mưa lũ.

Cầu được thiết kế với hai loại kích thước, chiều rộng 1,5m và 2m (tùy theo lượng người và phương tiện qua lại) với tiêu chuẩn thống nhất. Sau khi cầu hoàn thành sẽ kèm theo việc chuyển giao quy trình kỹ thuật quản lý, bảo dưỡng cho địa phương. So với tuổi thọ của thế hệ cầu treo trước đây (đặc biệt là phần mặt cầu làm bằng gỗ chỉ duy trì được khoảng 3 năm), cầu treo trong dự án này được thiết kế hoàn toàn bằng sắt (nhiều chi tiết mạ chống gỉ), có tuổi thọ 25 năm; nếu duy tu, bảo dưỡng tốt có thể sử dụng trong 40-50 năm.

“Chiến dịch” đưa cầu treo về vùng khó ảnh 1

Đoàn cán bộ khảo sát xây dựng cầu treo tại Đồng Hỉ, Thái Nguyên.

Theo Ban QLDA 3, lần đầu tiên, các dự án cầu treo thu hút đến 35 nhà thầu xây dựng trong cả nước. Nhà thầu đông đảo nhưng đầu vào (thiết kế) và đầu ra (đơn vị thẩm tra) được kiểm soát chặt với sự tham gia của 10 đơn vị; trong đó có những đơn vị đầu ngành như Tổng Cty Tư vấn Thiết kế GTVT và Viện Khoa học Công nghệ GTVT.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Văn Huyện cho rằng, đời sống người dân miền núi, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiệt thòi. Việc làm ăn, tiếp cận trường học, trạm xá gặp khó khăn khi bị chia cắt bởi sông suối lớn. Vì vậy, ông Huyện cho rằng, xây dựng cầu treo là cách quan tâm thiết thực và thực tế với những người nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc.

“Đây cũng là cách để người dân nông thôn, miền núi được hưởng thành quả phát triển chung của đất nước, được đảm bảo quyền lợi sử dụng hệ thông giao thông như ở thành phố, đồng bằng. Khi dự án về địa phương, nhiều trưởng thôn, trưởng bản chia sẻ, đây là mơ ước bao đời”, ông Huyện nói.

“Chiến dịch” đưa cầu treo về vùng khó ảnh 2

Cầu treo Nam Công - xã Thanh Tân, Thanh Liêm, Hà Nam.

Khi “Bộ” xắn tay làm cầu dân sinh

Trong thư ngỏ kêu gọi các doanh nghiệp trong ngành tham gia ủng hộ chương trình xã hội từ thiện mang tên “Nhịp cầu yêu thương” do Bộ GTVT khởi xướng mới đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng viết: “Chứng kiến những hình ảnh các thầy, cô giáo, học sinh, người dân nhiều nơi phải bất chấp nguy hiểm vượt sông, suối trong mùa lũ bằng việc chui vào túi ni lông, đu dây hay đi trên những chiếc bè mảng tạm bợ..., chắc chắn không ai có thể yên lòng”.

Bằng cách kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp hàng trăm tỷ đồng và đề xuất với Chính phủ sớm bố trí vốn, ngoài số các cầu treo đã triển khai, Bộ GTVT sẽ tiếp tục chủ trì xây dựng hệ thống cầu ở nông thôn, miền núi. Ông Nguyễn Văn Huyện cho biết, theo kế hoạch trình Chính phủ, trong 3 năm tới, 4.145 cầu dân sinh (trong đó có 481 cầu treo) sẽ được xây mới với tổng mức đầu tư là 8.399 tỷ đồng.

Theo hệ thống phân cấp quản lý, cầu treo, cầu dân sinh ở nông thôn, miền núi thuộc hệ thống đường xã, liên xã do địa phương đầu tư, quản lý. Tuy nhiên, những địa phương phải xây cầu lại thường là những tỉnh khó khăn; phải nhận trợ cấp từ trung ương và nhiều khoản chi cần kíp hơn xây cầu. Thành ra, hệ thống cầu vượt sông suối quy mô nhỏ không được chú trọng.

Ông Huyện cho biết, với vai trò chủ trì, Bộ GTVT sẽ đóng vai trò điều phối cân bằng giữa các tỉnh, xác định các vị trí phải làm cầu chính xác và công bằng. Chất lượng thiết kế và thi công cũng đảm bảo đồng bộ, an toàn. “Đây là điều có ý nghĩa rất lớn, tuy muộn nhưng cũng rất kịp thời” – ông Huyện nói. 

Theo tiêu chí của dự án 186 cầu treo đang triển khai, cầu treo áp dụng cho đường giao thông liên xã, liên thôn; dùng để xóa bỏ chia cắt cộng đồng, các điểm học sinh đi học vượt suối bằng bè mảng, đò có nguy cơ mất an toàn giao thông về mùa lũ. Cầu cũng được xác định xây dựng ở những nơi có chiều rộng lòng suối lớn hơn 40m, địa hình hiểm trở, có nguy cơ có cây trôi lớn, chênh lệch mực nước giữa mùa lũ và mùa cạn.

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Đối tượng Thành tại cơ quan công an.
Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố
TPO - Ngày 19/4, Công an thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng cho biết, vừa ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Phạm Trung Thành (SN 2000, trú tại phường Hợp Giang, TP Cao Bằng) về hành vi “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.