Philip Kotler - “cha đẻ” của marketing hiện đại:

Chính phủ cũng phải làm tiếp thị

Chính phủ cũng phải làm tiếp thị
"VN nên học mô hình của Ireland để làm đất nước mình hiện lên trên bản đồ của những người mà mình muốn nhắm tới" - ông Philip Kotler, "cha đẻ" của marketing hiện đại, nói.
Chính phủ cũng phải làm tiếp thị ảnh 1

Ông Philip Kotler vui vẻ giới thiệu mẫu vải may áo veste cho phó tổng giám đốc Công ty dệt may Thái Tuấn Tô Quốc Tuấn (ảnh chụp tại buổi gặp 20 doanh nhân hàng đầu VN tối 16-8) - Ảnh: Tuổi trẻ

Giáo sư Philip Kotler, tác giả của rất nhiều cuốn sách kinh điển về marketing, trong bài nói chuyện kéo dài sáu giờ với 700 doanh nghiệp đến từ VN và các nước trong khu vực tổ chức ngày 17-8 đã nhấn mạnh: “Bản thân các DN nỗ lực không đủ, Chính phủ cũng phải làm tiếp thị”.

Made in Vietnam có nghĩa gì nhỉ?

Mỗi quốc gia đều được biết đến nhờ những đặc điểm riêng có. Xét dưới góc độ thương mại, khi một người Mỹ cầm một sản phẩm ghi dòng chữ “made in Vietnam” trên đất Mỹ, họ sẽ nghĩ gì? “Cần xây dựng thông điệp cho cụm từ này. Nếu nó có nghĩa là “chất lượng xoàng” thì việc xuất khẩu của các DN có thể gặp trở ngại. Không một DN nào tự bản thân họ có thể làm thay đổi điều này, vì thế họ đang chờ đợi Chính phủ và các cơ quan hữu quan hành động” - ông Kotler nhấn mạnh.

Theo ông Philip Kotler, một trong những cách làm marketing hiệu quả nhất là thúc đẩy quảng cáo truyền miệng thay vì quảng cáo nhãn hiệu. Theo ông, hai ví dụ “sáng chói” đối với phương thức này là Google và Starbucks không hề quảng cáo mà vẫn nổi tiếng. Hãy biến khách hàng thành những sứ giả quảng cáo cho hàng hóa của bạn.

Ông Kotler đặt câu hỏi: Có bao nhiêu người trên thế giới này biết Intel và Canon đang đầu tư xây dựng những nhà máy hoành tráng tại VN thay vì Trung Quốc?

“VN hãy viết lên câu chuyện của đất nước mình vì tôi tin chắc rằng giới đầu tư sẽ cảm thấy hưng phấn hơn sau khi đọc những câu chuyện này. Hãy để những nhà đầu tư đang hoạt động thành công ở VN đi tiếp thị cho chính đất nước các bạn. Vấn đề là cần khơi dòng cho thông tin chảy đúng mục tiêu. Hơn ai hết, VN cần hiểu rõ những ai đang cần biết về VN và làm gì để đem thông tin đến những đối tượng ấy một cách hiệu quả nhất” - ông phân tích.

“VN có bộ trưởng tiếp thị không nhỉ?”, Ông Kotler chợt hỏi. “Chưa có!” - các đại biểu gần như đồng thanh trả lời. Và ông kể: Ireland chỉ là một hòn đảo, chẳng mấy ai nghĩ đem nhà máy đến đây vì hàng hóa sản xuất xong lại phải vận chuyển theo đường biển rất phức tạp. Thế nhưng 500 công ty Mỹ đã chọn Ireland làm địa điểm đặt nhà máy. Đơn giản vì ở đó có ông bộ trưởng tiếp thị.

Ông này “điều khiển” ba bộ trưởng khác thuộc các bộ Du lịch, Đầu tư và Ngoại thương”. Họ cùng cất lên một tiếng nói chung về không gian sống kỳ diệu ở Ireland, về chất lượng của nguồn nhân lực, về môi trường đầu tư hấp dẫn, thủ tục xuất khẩu thông thoáng... “Đây là một mô hình tốt mà VN cần học hỏi để làm đất nước của mình hiện lên trên bản đồ của những người mà mình muốn nhắm tới” - ông nói.

Tạo ra sự khác biệt

Một trong những khó khăn đối với nhiều DN VN là chưa thể tập hợp được những người làm marketing giỏi. Theo ông Kotler, vấn đề là các DN phải biết cách đào tạo, bởi không phải cứ tuyển một người học marketing ra là tự nhiên người đó có thể làm tốt công việc của mình.

Ông Kotler lấy ví dụ một tập đoàn sản xuất xe hơi lừng danh của Nhật Bản đến một trường đại học để tuyển dụng những sinh viên hàng đầu về làm tại bộ phận marketing. Nhưng những người này lại được đưa xuống nhà máy, vì tập đoàn này cho rằng nếu họ không hiểu sản phẩm, không yêu sản phẩm thì làm sao đi tiếp thị. Sau đó những nhân viên mới tuyển lại được đưa sang bộ phận thu mua.

Tiếp nữa, họ được đưa về bộ phận dịch vụ khách hàng để học cách lắng nghe và giải quyết những lời phàn nàn, khiếu nại của khách hàng. Cuối cùng, họ được đưa về phòng bán hàng để hiểu công việc bán hàng là khó khăn như thế nào trước khi quay về bộ phận marketing để chính thức bắt tay vào công việc.

Chính đội ngũ marketing được đào tạo bài bản như thế này sẽ xây dựng được qui trình định vị, tạo sự khác biệt và xây dựng thương hiệu với khả năng thành công cao hơn. “Đừng nghĩ rằng marketing chỉ là quảng cáo và bán hàng. Hãy sử dụng các nghiên cứu thị trường để định hướng chiến lược. Tập trung vào một khu vực thị trường mà bạn có thể cung cấp một giá trị cao hơn thông qua sự khác biệt và thích hợp với nhu cầu” - ông Kotler nhấn mạnh.

Theo ông, hai thách thức mà một DN VN phải đối mặt là liệu DN có thể bảo vệ thị trường của mình trước sự thâm nhập của các nhãn hiệu nước ngoài hay không, và liệu DN có thể phát triển được một nhãn hiệu mạnh ở trong nước và vươn ra tầm khu vực và toàn cầu? “Các nhãn hiệu nước ngoài đều phủ lên mình sự hào nhoáng, người tiêu dùng thích cũng là lẽ đương nhiên. Nhưng nên nhớ rằng các đối thủ cạnh tranh nước ngoài sẽ không chỉ theo đuổi thị trường cao cấp mà sẽ quan tâm đến cả thị trường cấp trung và thứ cấp.

Biện pháp để bảo vệ chủ yếu cho công ty bạn chính là cải tiến chất lượng liên tục, tạo ra sự khác biệt trong nhãn hiệu và dịch vụ. Nói một cách ngắn gọn là làm marketing. Nhưng đừng làm marketing đại trà vì phương pháp này tốn tiền mà ít hiệu quả. Xài tiền cho marketing phải giống như là bắn phi tiêu vậy, bắn trúng đích, trúng những khách hàng mà mình cần nhắm đến và quan tâm đến những người sẽ là khách hàng tiềm năng” - ông Kotler kết luận.

Theo Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG