Gia nhập WTO, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng:

Chính phủ đặt niềm tin rất lớn vào đội ngũ doanh nghiệp

Chính phủ đặt niềm tin rất lớn vào đội ngũ doanh nghiệp
TP - Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã dự cảm về những vấn đề quan trọng sau khi nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khi ông trao đổi với báo giới trong phiên họp Quốc hội chiều qua, (18/10).
Chính phủ đặt niềm tin rất lớn vào đội ngũ doanh nghiệp ảnh 1
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng   ảnh: Hồng Vĩnh

Ông nói: Doanh nghiệp (DN) của chúng ta  hiện có 3 loại: doanh nghiệp nhà nước (DNNN), DN ngoài quốc doanh và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Đối với DNNN cần tiếp tục thực hiện cải cách, đổi mới theo hướng cổ phần hoá, đa sở hữu, không chỉ với những DN vừa và nhỏ mà cả với những DN lớn; và không chỉ cổ phần hoá các DN sản xuất, mà thực hiện với cả doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ như tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng…

Việc này hướng đến mục tiêu tăng thêm vốn và đổi mới quản trị kinh doanh. Chúng ta hội nhập, nhưng có lộ trình, sẽ còn bảo hộ một thời gian ngắn nữa để tạo điều kiện cho DN. Nhưng nếu DN không vươn lên nhanh, cải cách, đổi mới nhanh, nhất là DNNN  thì sẽ rất khó khăn. Hiện khu vực DNNN  vẫn đang làm ra khoảng trên 40% GDP.

Vậy với khu vực DN tư nhân và FDI thì sao, thưa ông?

Khi vào WTO,  các DN tư nhân được hỗ trợ gián tiếp của Nhà nước như đào tạo, khuyến mại, triển lãm, xúc tiến đầu tư, thương mại… Cùng với việc Nhà nước đẩy mạnh cải cách hành chính, doanh nghiệp tư nhân  rất nhanh nhạy, năng động nên không đáng lo ngại lắm.

Chúng ta chủ trương vừa tăng cả số lượng, vừa tăng cả chất lượng doanh nghiệp tư nhân. Còn với các doanh nghiệp FDI, đã đến lúc cần khuyến khích mạnh mẽ hơn với những lĩnh vực công nghệ cao. Với những DN này, tôi nghĩ, khi vào WTO sẽ tự đứng vững được ngay.

Với thực lực nền kinh tế nước ta hiện nay, ông có dự cảm gì khi nước ta chính thức là thành viên của WTO?

Mặc dù “đội quân” DN là lực lượng chủ lực để vào WTO, nhưng không có nghĩa là sẽ thắng hết. Trong cuộc cạnh tranh này, sẽ có một số DN, một số mặt hàng có khả năng thất bại.

Nhưng cần nhớ rằng, “thất bại là mẹ của thành công”, những DN còn lại sẽ phải tự sắp xếp, đổi mới để vươn lên. Khi Chính phủ ký kết các điều kiện gia nhập WTO là Chính phủ đã đặt một niềm tin rất lớn vào đội ngũ DN.

Như vậy là không có gì đáng lo ngại khi chúng ta gia nhập WTO, thưa ông?

Điều làm tôi lo lắng không phải là các DN, mà là những mặt hàng nông lâm sản, thủy sản… Đó là những mặt hàng liên quan đời sống của số đông người dân, mà Chính phủ thì sẽ không thể hỗ trợ trực tiếp được, mà phải hỗ trợ gián tiếp, chủ yếu là lo hạ tầng, thủy lợi, thị trường, công nghệ chế biến…

Nhiều người đánh giá, với những thoả thuận, cam kết khi vào WTO, nước ta sẽ có nhiều thuận lợi?

Chúng ta phải tranh thủ bằng được những thuận lợi để đưa được công nghệ của nước ngoài vào, đưa hàng hoá của ta xuất khẩu đi. Theo các cam kết đạt được, đối với nước ta thuế nhập khẩu sẽ giảm dần dần, còn với các nước họ sẽ giảm ngay cho hàng hoá xuất khẩu của nước ta. Đây là điều kiện rất thuận lợi.

Ví dụ như khi ký Hiệp định Thương mại với Hoa Kỳ (năm 2001), tổng kim ngạch hai chiều mới đạt 1 tỷ USD. Đến nay, con số này đã là gần 8 tỷ USD.

Với Trung Quốc cũng vậy, trước đây chỉ vài trăm triệu USD, nhưng sau khi họ ký kết thương mại với ASEAN, kim ngạch XNK của ta sang Trung Quốc đến nay đã tăng lên 3-4 tỷ USD.

Khi gia nhập WTO vấn đề quan trọng nhất là khả năng cạnh tranh, tức là chất lượng của nền kinh tế, nhưng Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội vừa nhận xét rằng,  chất lượng của nền kinh tế nước ta năm nay hầu như chưa có chuyển biến?

Khả năng cạnh tranh phải dựa vào hai yếu tố chính là công nghệ và quản trị. Chúng ta giải quyết theo hướng đối với công nghệ phải tiếp tục đổi mới. Muốn vậy, phải có vốn, nghĩa là đẩy mạnh cổ phần hoá, đưa ra thị trường chứng khoán để gọi vốn, gọi đầu tư nước ngoài. Hiện pháp luật đã cho phép Cty Việt Nam bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

Còn đổi mới quản trị cũng dựa trên yếu tố vốn, tạo thêm sức tham gia của những người có vốn, và đi theo đó là trình độ quản lý tốt hơn. Nếu làm tốt vấn đề quản trị, sẽ giảm được chi phí, tăng giá trị gia tăng, bảo đảm cạnh tranh. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng sẽ không chỉ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư mà còn  giúp DN khai thông thị trường.

MỚI - NÓNG