Chính quyền phải phục vụ doanh nghiệp

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc trao đổi với các chuyên gia và doanh nghiệp.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc trao đổi với các chuyên gia và doanh nghiệp.
TP - “Tôi suy nghĩ mãi câu hỏi, sao doanh nghiệp (DN) đi nộp thuế mà vất vả thế, sao DN tạo công ăn việc làm cho người dân mà phải nhọc nhằn với các thủ tục hành chính đến thế. Ở đây, DN phải là ân nhân của chính quyền chứ” - Chia sẻ của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc với Tiền Phong, nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 năm 2016.

“Thần tốc, táo bạo” hơn nữa!

Cuộc gặp đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 29/4 vừa qua thực sự đem lại một luồng gió mới cho cộng đồng DN. Có phải cuộc gặp này xuất phát từ công thư đề nghị của VCCI gửi Thủ tướng sau khi nhậm chức?

Ðúng là VCCI đã đề nghị Thủ tướng gặp DN ngay sau lễ nhậm chức, để chuyển tải nguyện vọng của cộng đồng DN, doanh nhân Việt Nam. Thực tế, cuộc gặp Thủ tướng với giới DN bắt đầu từ khá lâu, do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khởi xướng.

Tới thời Thủ tướng Phan Văn Khải, với Hội nghị Thủ tướng gặp DN năm 2004, hoạt động này trở thành thường niên. Và lần này, cộng đồng DN rất mong muốn trực tiếp nghe thông điệp từ người đứng đầu Chính phủ mới.

“Chỉ khi nào cam kết Chính phủ hành động, Chính phủ phục vụ của Thủ tướng thực sự thấm nhuần trong từng công chức, thì mọi việc mới có thể thay đổi. Chính công chức đang nắm trong tay chìa khóa của cải cách mà Thủ tướng đang dấy lên”. 

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

Năm 2016 và cả nhiệm kỳ này sẽ có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít thách thức, cam go đối với quá trình phát triển của nước ta. Cộng đồng DN Việt Nam tin tưởng, Chính phủ mới, dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng, sẽ là một Chính phủ gần dân, hành động và quyết tâm đổi mới. Cộng đồng DN rất mong muốn trực tiếp nghe thông điệp này từ người đứng đầu Chính phủ mới.

Thưa ông, không phải ngẫu nhiên mà cuộc gặp này được chọn đúng dịp 30/4 để tổ chức, và địa điểm là Hội trường Thống Nhất- TPHCM?

Ðây cũng là một thông điệp mà tôi tin Chính phủ và cộng đồng DN đều cảm nhận được. 41 năm trước, những cánh quân kéo về giải phóng Sài Gòn, làm nên Mùa Xuân Ðại thắng. Nay DN từ 63 tỉnh thành, như những binh đoàn kinh tế cùng tiến về Sài Gòn, bàn chuyện làm ăn, phát triển đất nước.

Cách đây 41 năm, Hội trường Thống Nhất là nơi chúng ta cắm cờ để kết thúc chiến tranh, thống nhất non sông. Thì nay, cũng tại đó, Thủ tướng, DN cũng sẽ tạo sự thống nhất, đồng thuận trong việc thúc đẩy cải cách giai đoạn sau Ðại hội Ðảng.

Cũng thời điểm đó, chúng tôi đã nhắc tới công điện của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp gửi cho toàn quân tham gia giải phóng miền Nam: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa…”. Tôi nghĩ rằng, công cuộc đổi mới trong giai đoạn hiện nay cũng phải trên tinh thần thần tốc, táo bạo hơn nữa.

Chính quyền phải phục vụ doanh nghiệp ảnh 1

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc.

Chỉ sau hai tuần diễn ra cuộc đối thoại của Thủ tướng với DN,  Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển DN đã ra đời, phải chăng cũng được làm theo tinh thần thần tốc, táo bạo đó, thưa ông?

Ðúng vậy! Tôi nhớ là chiều 29/4, Chính phủ họp và bàn về nội dung của Nghị quyết, thì ngày 16/5, sau hơn 2 tuần Chính phủ ra Nghị quyết 35.

Trong quá trình xây dựng nghị quyết có nhiều ý kiến băn khoăn, rằng cần có thời gian suy nghĩ kỹ lưỡng để xây dựng một cách bài bản. Tuy nhiên, Thủ tướng đã quyết định với tinh thần không cầu toàn, phải làm ngay.

Ðặc biệt, tinh thần xuyên suốt của Nghị quyết 35 là xây dựng một Chính phủ kiến tạo, khẳng định rõ DN là đối tượng phục vụ và đây là điều cộng đồng DN rất kỳ vọng.

Thậm chí, cộng đồng DN còn mong muốn nhiều hơn, như quan điểm của Bác Hồ trong bức thư gửi giới Công Thương sau khi lập nước, đó là Chính phủ phải tận tâm giúp đỡ doanh nhân trong phát triển, không phải chỉ phục vụ, hỗ trợ, tạo điều kiện mà phải tận tâm…

Trong bộ máy hành chính hiện nay, có người làm việc rất có trách nhiệm, có tâm nhưng cũng không ít người gây khó khăn, nhũng nhiễu DN. Bác Hồ yêu cầu phải phục vụ tận tâm và tôi nghĩ, đó là tinh thần của Chính phủ mới phục vụ DN.

Tránh “một người mắc bệnh, cả làng uống thuốc”

Mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu DN. So với 500 nghìn DN hiện tại, đây có phải là một mục tiêu quá lớn, thưa ông?

Hiện cả nước có khoảng trên 500 nghìn DN và mục tiêu Nghị quyết 35 đặt ra là phải nâng gấp đôi. Nhiều người nghi ngại mục tiêu đó, vì đa phần, nửa triệu DN hiện nay là DN nhỏ, siêu nhỏ, năng lực cạnh tranh hạn chế.

Nhưng Thủ tướng quyết định phải đạt được mục tiêu này trên cơ sở phân tích khoa học và thực tiễn, không phải quyết tâm chính trị suông.

Ðiều này có nghĩa Chính phủ sẽ làm tất cả để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, xây dựng một hệ sinh thái thuận lợi cho khởi nghiệp và một chương trình quốc gia phát triển DN. Nghĩa là, sức nóng, sự thôi thúc của yêu cầu cải cách phải ra khỏi các phòng họp Chính phủ, ra khỏi khuôn viên của Văn phòng Chính phủ.

Cả nước hiện có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó khoảng 1,8 triệu hộ có đăng ký. Nếu chính sách thúc đẩy tốt, các hộ kinh doanh này có thể đăng ký lập DN và như vậy, mục tiêu 1 triệu DN là dễ dàng, chưa kể, chúng ta còn kỳ vọng cao hơn.

Tất nhiên, việc lập DN là công việc của thị trường, nhưng chính quyền phải tạo điều kiện thuận lợi, các kế hoạch khởi nghiệp sẽ được thúc đẩy nhanh hơn, kế hoạch tái cơ cấu của DN, mong muốn lớn lên của DN tư nhân sẽ được thực hiện thuận lợi hơn.

Mục tiêu đã rõ, vậy chính quyền phải hành động thế nào để đồng hành với DN?

Một điều nữa, tôi muốn nhấn mạnh là thông điệp của Thủ tướng về xây dựng Chính phủ liêm chính. Hơi tiếc là trong Nghị quyết 35 không có từ này. Nếu làm phiên bản mới, tôi đề nghị bổ sung thông điệp này vào.

Các cơ quan quản lý nhà nước đang được yêu cầu phải chuyển quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Xưa nay, chúng ta làm theo kiểu đề phòng, một người mắc bệnh mà bắt cả làng uống thuốc. Hiện tại, cách Chính phủ đang cam kết thực hiện là đặt niềm tin vào người dân và DN, để có thể chuyển từ kiểm soát sang phục vụ, không được thanh tra, kiểm tra chồng chéo.

Tuy nhiên, thay đổi điều này không dễ, vì buộc phải thay đổi hành vi ứng xử của từng công chức, đòi hỏi cơ chế liên thông minh bạch, rõ ràng trong các cơ quan quản lý nhà nước. Dư địa cho quyền anh, quyền tôi không có chỗ trong cơ chế mới này…

Nhưng nếu làm được, thì đó là cơ sở để DN tin tưởng vào sự cải thiện của môi trường kinh doanh, tin vào sự an toàn trong kinh doanh, đầu tư, điều mà Thủ tướng đã nhiều lần cam kết. Khi DN, nhà đầu tư có niềm tin vào môi trường kinh doanh, thì đương nhiên không có gì cản trở họ tận khai các cơ hội kinh doanh.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG