Chính sách thuế bất cập, doanh nghiệp kêu trời

Chính sách thuế bất cập, doanh nghiệp kêu trời
TP - Ngày 20/11, tại cuộc đối thoại với UBND tỉnh Bình Dương, nhiều doanh nghiệp (DN) đang hoạt động tại một số khu công nghiệp bức xúc phản ánh nhiều bất cập về chính sách thuế.

> Đừng để doanh nghiệp như 'cá nằm trên thớt'
> Khi doanh nghiệp không sợ trù dập, mạnh dạn lên tiếng

Đại diện Cty TNHH điện tử Foster VN, chuyên sản xuất các loại tai nghe cho điện thoại di động, cho rằng DN lớn như họ phải đợi đến 1/1/2014 mới được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 22%, và đến 1/1/2016 mới được áp dụng mức thuế 20%. Trong khi đó, các DN nhỏ hơn có doanh thu năm 2012 dưới 20 tỷ đồng được áp mức thuế 20% ngay từ tháng 7/2013 là chưa hợp lý.

Theo ông Lê Văn Trang, Cục trưởng Cục thuế Bình Dương, quy định của Luật thuế TNDN khuyến khích DN nhỏ và vừa. Vì vậy, ngành Thuế mong các DN lớn như Foster VN chia sẻ.

Về vấn đề thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế giá trị gia tăng (GTGT) khi người nước ngoài thuê nhà, ông Lê Tấn Thiên Vũ, đại diện Cty TNHH Bất động sản GuocoLand Bình Dương cho rằng, đang có nhiều bất hợp lý. Ông Vũ dẫn chứng: người nước ngoài làm việc cho DN có nhu cầu phải thuê nhà tại Việt Nam thì chi phí thuê nhà được tính vào chi phí để khấu trừ thuế TNCN. Nếu cơ quan thuế đã chấp nhận chi phí thuê nhà là chi phí hợp lý khi tính thuế TNCN thì phải chấp nhận cả giá trị hợp đồng bao gồm cả GTGT.

Ông Trang thừa nhận đề nghị của doanh nghiệp là hợp lý, Cục thuế Bình Dương sẽ báo cáo UBND tỉnh, và xin ý kiến từ Tổng cục thuế.

Nhiều DN trong các khu công nghiệp kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương có chính sách ưu đãi và giảm thuế cho phần đầu tư mở rộng, bổ sung vốn đầu tư. Cùng quan điểm này, ông Đặng Duy Thọ, giám đốc kỹ thuật Nhà máy sữa bột Vinamilk tại khu công nghiệp VSIP 1 cho biết Vinamilk muốn mở rộng đầu tư thêm 1 ha ra ngoài khu công nghiệp nhưng đến nay, dự án chưa được phê duyệt và chưa được hưởng các chính sách ưu đãi.

Tại buổi đối thoại, một số DN phàn nàn chính sách thay đổi liên tục khiến DN không cập nhật kịp, thủ tục hành chính rườm rà gây phiền hà, chính quyền địa phương không tôn trọng điều khoản trên giấy chứng nhận đầu tư (tăng thuế thu nhập DN mặc dù đã được quy định mức thuế và thời gian); độ pH trong nước được cấp từ KCN vượt quá chuẩn cho phép; thường xuyên gặp sự cố về điện, mạng internet gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh …

Theo ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND Bình Dương, lãnh đạo tỉnh sẵn sàng tạo điều kiện để DN đầu tư mở rộng. Tuy nhiên, dự án của Vinamilk có những vướng mắc về mặt khách quan vì đất có sở hữu khác nhau, nên UBND tỉnh đang tiếp tục xem xét để đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất mà tỉnh đã phê duyệt.

Ông Cung cũng cho rằng tiến độ giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng của Chính phủ cho thị trường bất động sản quá chậm, mức lãi suất 6% là còn quá cao. Đến nay, Bình Dương mới có 57 hợp đồng vay vốn được ký với khoảng 6,5 tỷ đồng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG