Chính sách tiền tệ 2014-2015: Mở tín dụng, sẽ phình nợ xấu

Chính sách tiền tệ 2014-2015: Mở tín dụng, sẽ phình nợ xấu
TP - Dù ghi nhận vai trò đáng kể của điều hành chính sách tiền tệ trong kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá và giảm lãi suất nhưng các chuyên gia vẫn lên tiếng cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra.

> Áp lực tỷ giá sẽ không lớn
> Chính sách tiền tệ bộn việc đang chờ

Các chuyên gia lưu ý không nên vội nới van tín dụng. ảnh: ngọc châu
Các chuyên gia lưu ý không nên vội nới van tín dụng. ảnh: ngọc châu.

Sức vóc kinh tế: gánh 40 kg thay vì 80 kg

Hội thảo Những khuyến nghị chính sách kinh tế và điều hành chính sách tiền tệ 2014-2015 do Ngân hàng Nhà nước và báo Lao động tổ chức sáng ngày 18/11, đã quy tụ khá đủ đầy các chuyên gia quen mặt với giới tài chính ngân hàng.

Mở màn, ông Sumit Dutta - Tổng Giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam (HSBC Việt Nam) đã đưa một dẫn chứng khá lý thú: “Cách đây 5 năm tôi đến Việt Nam, khi đó người Việt rất lạc quan về môi trường kinh tế nói chung. Buồn cười điều đó trái với tình hình kinh tế đang rất ảm đạm trên thế giới khi đó. Năm nay, tôi lại chứng kiến điều ngược lại, nhiều người đang nhìn kinh tế Việt Nam rất bi quan trong khi các quan điểm bên ngoài lại đánh giá rất tốt”- Ông Tổng giám đốc nói.

Kinh tế VN đang yếu hay đã chạm đáy? TS Lê Xuân Nghĩa dẫn ra số liệu cụ thể để minh chứng cho các chỉ số kinh tế đang tốt lên. Tuy nhiên ông Nghĩa bảo cần lưu tâm khi nhiều người quan ngại nhìn vào nợ xấu. “Tôi gặp người nhà của Ủy viên trung ương, họ bảo anh cứ nói thế nào chứ tình hình tệ lắm. Có bất động sản nào thì bán tháo đi. Tôi bảo, anh cậu chỉ là lang băm còn tôi là bác sỹ chuyên nghiệp, tôi bảo không xấu thế. Nói vậy nhưng phải thừa nhận sức vóc kinh tế đang yếu dần ngày xưa gánh được 70-80 kg giờ chỉ còn khoảng 40 kg”.

TS chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh lại đưa ra một quan điểm khác. Theo ông rất có thể kinh tế Việt Nam không rơi xuống nữa nhưng khả năng trì trệ thì có. Năm nay và các năm 2014-2015 sẽ không có gì khác nhau. “Tôi chưa nhìn thấy có gì cải thiện ít nhất từ hai góc độ tăng trưởng kinh tế vỹ mô và lạm phát”- Ông Ánh khẳng định. Theo ông, năm 2013 lạm phát sẽ dừng đâu đó ở mức 6,5% GDP từ 5,2-5,3% .

Cảnh báo: Lũng đoạn ngân hàng

Ông Lê Xuân Nghĩa lưu ý 3 yếu tố mà cơ quan NHNN rất cần cẩn trọng: “Nhiều người lo ngại nợ xấu. Kể cả nhân vật cao cấp cũng nghi ngờ bảo tôi, các ông bán nợ cho VAMC thực ra chỉ là chuyển nợ chứ gì?”. Nhận xét này đúng nhưng chưa đủ, thực ra nợ xấu có bán cho ai đi nữa cũng là chuyển nợ. Điều quan trọng là khơi thông được tín dụng, làm sạch bảng cân đối tài sản cho các ngân hàng. Nhưng nguy ngại hơn cả, vị chuyên gia “lõi đời” trong làng tài chính ngân hàng này chỉ ra chính là tình trạng lũng đoạn ngân hàng vẫn còn. “Nhiều ngân hàng bị bắt làm con tin của các tập đoàn tư nhân, không chỉ ngân hàng nhỏ mà cả ngân hàng tầm trung”- Ông Nghĩa lên tiếng cảnh báo.

Theo ông, dù biết NHNN đã chuẩn bị rất ráo riết các vấn đề quản trị doanh nghiệp và rủi ro nhưng vấn đề giám sát minh bạch nội bộ của Ngân hàng TƯ rất cần xem xét. “Có thanh tra biết được sự thật về NHTM nhưng không dám báo cáo, đó là một bi kịch. Rồi đơn cử: thanh tra đã nhìn thấy tờ hóa đơn chuyển tiền của NHTM mà không dám báo cáo. Nếu không xử lý một cách căn bản, sẽ rơi vào tình trạng đi từ nợ xấu này sang nợ xấu khác”.

CSTT 2014-2015: Phải làm gì?

Theo TS Cao Sỹ Kiêm với việc quyết tâm đẩy mạnh tăng trưởng để phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh này chắc chắn 2 năm tới, sẽ vẫn cần dùng đến “vai” của NHNN. “Điều hành CSTT trong ứng xử với DN dứt khoát phải chia làm hai loại. Loại DN bức xúc vì có điều kiện, có thời cơ thì phải ưu tiên giải quyết cho vay cứu họ; DN không có khả năng thì không thể ưu ái nhiều”. TS Lê Xuân Nghĩa cũng dứt khoát phải xử lý cho gọn nợ xấu và tăng trưởng tín dụng có thể lên tới 14-15%, “Quan trọng chúng ta phải phá được tảng băng tín dụng” - Ông Nghĩa nhấn mạnh.

Trái với những hào hứng của chính hệ thống NHTM sau cuộc họp G 14 cuối tuần qua, TS Vũ Đình Ánh tỏ ra không mặn mà với giải pháp “ủn” tăng trưởng tín dụng lên mức 14-15% .

“Vừa rồi Quốc hội đã thông qua bội chi ngân sách từ 4,8% lên 5,3% GDP, quan trọng đó là con số đã chi rồi. Tôi chỉ khuyến cáo NHNN năm tới chính sách tài khóa sẽ nới lỏng, tăng mạnh đầu tư công. Với khả năng tăng phát hành trái phiếu chính phủ, tăng bội chi thì tăng trưởng và thực tế có thể xảy ra rủi ro. Năm 2014-2015 toàn bộ trách nhiệm sẽ rơi vào chính sách tài khóa, cho nên tốt nhất chỉ nên dừng tăng trưởng tín dụng ở mức 10%”-Ông Ánh nói.

Câu chuyện ngắn hạn là gì? Theo ông Ánh nếu mở van tín dụng, không nhìn đâu xa chỉ 3 tháng- 6 tháng nữa là nợ xấu sẽ phình lên, lúc đó sẽ xấu đủ mọi bề. “Phải đặt ổn định kinh tế vỹ mô lên hàng đầu” - Vị này khẳng định.

Lựa chọn nào sẽ thích hợp cho điều hành CSTT năm 2014-2015? Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước ví von ”Chủ đề kinh tế vỹ mô là hết sức hấp dẫn. Đúng là sức vóc chúng ta đang yếu đi nhưng quan trọng phải xem sản lượng tiềm năng của VN. Việc cảm nhận lạc quan của hàng xóm và HSBC là minh chứng đáng mừng cho thước đo lòng tin đang trở lại. Những cảnh báo về chính sách tài khóa với tiền tệ của anh Ánh là cần thiết. Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đúng là đang gặp bi kịch về quản trị rủi ro khi biết mà không nói. Tôi nghĩ thực trạng thế nào NHNN biết cả đấy, và chắc chắn họ đã hành động theo lộ trình”- Ông Phước nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.