Chính sách tiền tệ bộn việc đang chờ

Chính sách tiền tệ bộn việc đang chờ
TP - “Tính đến đến cuối tháng 10/2013, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống đạt 6,8%, nếu tính cả dư nợ tín dụng đã được xử lý thông qua trích lập dự phòng rủi ro và mua bán nợ của công ty mua bán nợ thì thực tế tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tăng ở mức 7,89%; do đó dự kiến tăng trưởng tín dụng cả năm 2013 có thể đạt được mục tiêu 11- 12% để ra từ đầu năm. Dưới đây là bài viết của bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN. Tiền Phong xin giới thiệu.

> Chuyên gia: 'Chính sách tiền tệ vừa qua khá tốt'
>Bốn đột phá trong điều hành tỷ giá

Lãi suất giảm về bằng thời điểm 2006

Điểm nhấn đầu tiên đó là các công cụ CSTT đã được NHNN phối kết hợp hài hòa để chủ động đưa tiền ra và rút bớt tiền một cách linh hoạt qua các kênh để kiểm soát lượng tiền cung ứng, đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối đồng thời kiểm soát tổng phương tiện thanh toán ở mức hợp lý, phù hợp với định hướng tổng phương tiện thanh toán cả năm 2013 tăng khoảng 14-16% đề ra từ đầu năm, qua đó góp phần quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát ở mức thấp 5,14% trong 10 tháng đầu năm 2013 và dự kiến lạm phát cả năm 2013 được kiểm soát ở mức thấp hơn năm 2012 như mục tiêu đề ra của Quốc hội, Chính phủ.

Thứ hai, các giải pháp tín dụng được thực hiện theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hoạt động của TCTD, theo đó NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD đồng thời có sự điều chỉnh linh hoạt, thực hiện các giải pháp hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.

Bên cạnh đó, NHNN cũng chủ động triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức nhiều đoàn công tác, phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thành phố nắm bắt và xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và các TCTD trên địa bàn trong quan hệ vay vốn ngân hàng.

Chính sách tiền tệ bộn việc đang chờ ảnh 1

 “Từ cuối tháng 3/2013 đến nay, mặt bằng lãi suất đã giảm khoảng 2-5%/năm so với đầu năm, trong đó lãi suất cho vay giảm khoảng 3-5%/năm và đã trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006 là thời kỳ kinh tế phát triển ổn định, đường cong lãi suất đã dần hình thành” 

Nguyễn Thị Hồng nói

Thứ ba, từ cuối tháng 3/2013 đến nay, NHNN điều chỉnh giảm 2%/năm các mức lãi suất điều hành; điều chỉnh giảm 3%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên; điều chỉnh giảm 1%/năm lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi bằng VND dưới 6 tháng, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung cầu vốn thị trường, đề nghị các TCTD trên cơ sở khả năng tài chính, xem xét điều chỉnh giảm lãi suất của các khoản cho vay cũ về mức lãi suất cho vay hiện hành nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và hộ dân.

Đến nay, mặt bằng lãi suất đã giảm khoảng 2-5%/năm so với đầu năm, trong đó lãi suất cho vay giảm khoảng 3-5%/năm và đã trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006 là thời kỳ kinh tế phát triển ổn định, đường cong lãi suất đã dần hình thành.

Thứ tư, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng để ban hành các văn bản pháp lý thực hiện chủ trương cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ, theo đó NHNN dành khoảng 30.000 tỷ đồng thông qua tái cấp vốn hỗ trợ cho 5 NHTM nhà nước để cho vay hỗ trợ nhà ở với lãi suất ưu đãi tối đa 6%/năm.

Trong quá trình thực hiện, NHNN đã chủ động làm việc thường xuyên, theo định kỳ với các NHTMNN để đánh giá kết quả triển khai thực hiện cho vay nhà ở xã hội và kịp thời xử lý những kiến nghị nhằm tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc.

Về phía ngành ngân hàng, hiện không có vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách và quy trình triển khai thực hiện, các vướng mắc phát sinh liên quan đến đối tượng thụ hưởng như xác định đối tượng thu nhập thấp, xác nhận thực trạng nhà ở của các cấp... đã được Bộ Xây dựng hướng dẫn bằng văn bản.

Thứ năm, NHNN theo dõi sát tình hình thanh khoản của các TCTD đặc biệt là các TCDT thuộc diện tái cơ cấu để có sự hỗ trợ kịp thời, đảm bảo ổn định hệ thống, đến nay thanh khoản của hệ thống TCTD tiếp tục cải thiện tích cực; NHN đã xây dựng và báo cáo Chính phủ, Bộ Chính trị Đề án xử lý nợ xấu và Đề án thành lập công ty quản lý tài sản quốc gia (VAMC).

Ngày 26/7/2013, Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam đi vào hoạt động, đến ngày 18/10/2013, VAMC đã phát hành trái phiếu đặc biệt có tổng mệnh giá hơn 3.863 tỷ đồng cho 5 ngân hàng, dự kiến cả năm 2013 phát hành khoảng 35.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu, qua đó góp phần khơi thông dòng vốn tín dụng trong nền kinh tế.

Thứ sáu, về tỷ giá và thị trường ngoại hối, ngay từ đầu năm Thống đốc NHNN đề ra mục tiêu ổn định tỷ giá trong biên độ tăng không quá 2-3% trong năm 2013 nhằm kiểm soát kỳ vọng về sự mất giá của đồng Việt Nam, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động trong việc lập và thực hiện kế hoạch kinh doanh. Trên cơ sở theo dõi sát diễn biến cung-cầu ngoại tệ, NHNN đã điều chỉnh tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ thị trường ngoại hối và chủ động can thiệp để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Thị trường ngoại hối về cơ bản ổn định, thanh khoản ngoại tệ của hệ thống cải thiện, lòng tin của thị trường vào đồng Việt Nam được củng cố. Có thời điểm tỷ giá biến động nhưng chủ yếu do yếu tố tâm lý, tuy nhiên đã ổn định trở lại sau các biện pháp can thiệp kịp thời của NHNN.

Khó khăn vẫn còn dài

Dù còn nhiều dang dở và cần một lực cố gắng rất lớn để bánh xe ngân hàng vượt dốc khó khăn của nền kinh tế, vực dậy doanh nghiệp, tuy nhiên, qua 10 tháng thực hiện, việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng đã đạt được những kết quả nhất định.

Kết quả nêu trên cho thấy NHNN đã triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu chính sách tiền tệ, phù hợp với chủ trương chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ. Tuy nhiên, điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó tăng trưởng tín dụng đã có xu hướng cải thiện nhưng vẫn chưa thực sự thông suốt chủ yếu do sức cầu trong nước vẫn còn yếu, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn.

Để khơi thông dòng vốn tín dụng, bên cạnh các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, đặc biệt là tiếp tục triển khai các giải pháp về xử lý nợ xấu, cần có sự phối hợp đồng bộ các giải pháp chính sách kinh tế vĩ mô khác để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tiêu thụ hàng tồn kho, tạo môi trường kinh doanh tốt hơn, đẩy mạnh thực hiện cơ chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, xử lý tình trạng nợ đọng ngân sách...

Thời gian tới, NHNN chủ động điều hành linh hoạt lượng tiền cung ứng và các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo thanh khoản của hệ thống TCTD. Điều hành chủ động, linh hoạt các mức lãi suất của NHNN để kiểm soát và điều tiết lãi suất thị trường phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đặc biệt là diễn biến lạm phát.

Theo dõi sát tình hình hoạt động tín dụng của các TCTD, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho hệ thống TCTD mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hoạt động, tập trung vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ; Thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý ngoại hối, vàng và ổn định tỷ giá theo hướng chống đô la và vàng hóa trong nền kinh tế.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.