Chính sách tỷ giá của Việt Nam ngày càng linh hoạt

Chính sách tỷ giá của Việt Nam ngày càng linh hoạt
Mới đây cơ quan nghiên cứu kinh tế quốc tế Hoa Kỳ nhận định rằng đồng euro sẽ có thể trở thành đồng tiền thay thế cho đôla Mỹ, trở thành loại mạnh nhất thế giới. Vậy đồng euro có vị trí thế nào trong nền kinh tế Việt Nam?
Chính sách tỷ giá của Việt Nam ngày càng linh hoạt ảnh 1
Đồng đô la Mỹ (trái) và euro

Nước ta sẽ có những quyết sách, phương hướng nào để giảm dần sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ trong các giao dịch ngoại hối.

Tiền Phong có cuộc phỏng vấn ông Trương Văn Phước, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN Việt Nam về vấn đề này.

Đồng euro đã ra đời được 6 năm. Xin cho biết đánh giá của ông về vai trò của nó trong nền kinh tế Việt Nam?

Thực tế là việc sử dụng đồng euro ở Việt Nam còn chịu sự tác động của một số yếu tố khiến cho quy mô việc giao dịch bằng đồng euro còn nhỏ. Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đó.

Nguyên nhân thứ nhất là đồng đô la Mỹ vẫn là đồng ngoại tệ phổ biến không chỉ ở nước ta mà cả trên thế giới. Nó còn đóng vai trò rất quan trọng trong các giao dịch ở Việt Nam. Nguyên nhân thứ hai là đồng euro còn chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro.

Vào tháng Giêng năm 1999, khi đồng euro ra đời, 1 euro bằng 1,16 USD. Đến cuối năm 2000 đầu năm 2001, 1 euro chỉ còn ăn 0,82 USD. Rồi đến năm 2004, 2005 này, đồng euro có lúc lên cao đến mức 1 euro = 1,36 USD. Như vậy là trong vòng vài ba năm thôi, sự biến động tỷ giá là tới 65%,  rất nhiều rủi ro. Đó cũng là lý do vì sao thị trường ít chuộng sử dụng đồng euro.

Lý do thứ ba là trong các hợp đồng thương mại, trong các giao dịch về vay vốn cũng như đầu tư ở nước ta, đồng USD chiếm một tỷ trọng rất lớn. Đó là chưa kể tuy tỷ giá hối đoái của nước ta hiện nay có gắn liền với một số ngoại tệ, nhưng trong việc công bố tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng, chúng ta lại lựa chọn đồng USD để công bố so với đồng Việt Nam.

Chính sách tỷ giá của Việt Nam ngày càng linh hoạt ảnh 2
Ông Trương Văn Phước

Điều đó làm cho thị trường nghiêng về việc sử dụng đồng đô la Mỹ, làm cho đồng euro không chiếm một vị trí quan trọng trong các giao dịch ở Việt Nam hiện nay.

Chính sách ngoại hối của nước ta sẽ có những thay đổi gì để tỷ giá không gắn chặt vào đồng đô la và tạo điều kiện cho thị trường được sử dụng các ngoại tệ khác nhiều hơn?

Trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam đang có nhiều thay đổi về mặt chính sách. Riêng đối với chính sách quản lý ngoại hối hiện nay, Việt Nam đang xây dựng Pháp lệnh về ngoại hối trên nguyên tắc là tự do hóa trao đổi các giao dịch vãng lai, từng bước nới lỏng quản lý ngoại hối đối với các giao dịch vốn, tạo điều kiện cho thị trường ngoại hối của chúng ta hoạt động phong phú, đa dạng hơn.

Đó là định hướng chính sách quản lý ngoại hối. Điều đó có nghĩa là chính sách tỷ giá của chúng ta sẽ theo hướng ngày càng trở nên linh hoạt. Đương nhiên, đồng đô la Mỹ vẫn chiếm một tỷ trọng lớn trong các giao dịch về thương mại và các giao dịch vốn của nền kinh tế Việt Nam.

Chính sách tỷ giá của Việt Nam cũng sẽ theo hướng tách rời sự neo buộc vào đồng đô la Mỹ để gắn kết vào một số ngoại tệ khác. Chúng ta sẽ lựa chọn nhiều ngoại tệ, qua đó tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại cung ứng bảo hiểm rủi ro về lãi suất, tỷ giá hối đoái, cho phép các ngoại tệ mạnh trên lãnh thổ Việt Nam được tự do chuyển đổi.

Như vậy vai trò của đồng đô la Mỹ sẽ dần hạn chế hơn và thị trường có thể sử dụng rất nhiều đồng tiền trên nền tảng là các đồng tiền đó đã được bảo hiểm bằng các dịch vụ hối đoái do các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại cung ứng trên thị trường.

MỚI - NÓNG