Chợ ế, giá thực phẩm giảm

Chợ ế, giá thực phẩm giảm
Người trông xe ở chợ trải bạt bán hoa quả kiếm thêm tiền, nhiều tiểu thương bỏ sạp vì sức mua quá kém, dù giá thực phẩm thiết yếu giảm mạnh.

Chợ ế, giá thực phẩm giảm

> Truy nguồn gốc nho Việt gắn cờ TQ ở BigC
> Độc chiêu sexy của hàng không châu Á
 

Người trông xe ở chợ trải bạt bán hoa quả kiếm thêm tiền, nhiều tiểu thương bỏ sạp vì sức mua quá kém, dù giá thực phẩm thiết yếu giảm mạnh.

Kinh doanh khó khăn, nhiều tiểu thương bỏ chợ ra đường bán, hoặc xoay sang nghề khác
Kinh doanh khó khăn, nhiều tiểu thương bỏ chợ ra đường bán, hoặc xoay sang nghề khác. Ảnh: AQ

Tại chợ Nghĩa Tân, Hà Nội, phần lớn tiểu thương than sức mua giảm hẳn so với cùng kỳ các năm trước. Chị Nguyễn Thị Lành, bán rau củ cho biết trước đây, mỗi ngày lấy 20 bắp cải, 20 củ su hào, rau củ các loại ê hề vẫn bán hết. Còn như hiện nay, mỗi ngày chỉ lấy 5 bắp cải mà có những hôm bán tháo mới hết. Bầu có lúc cao điểm lên tới 15.000 đồng mỗi kg, nhưng nay còn 10.000 đồng.

"Chợ nào cũng khó khăn, không chỉ riêng ở đây. Như con gái tôi, chịu khó thức đêm lấy hàng để 4h sáng ra chợ bán. Nhưng bây giờ cũng phải bỏ vì người mua ít quá", chị Lành cho biết.

Bác Hoạt, trông xe tại chợ Nghĩa Tân kể: "Đã chục năm trông xe ở cái chợ này, chưa khi nào thấy ít người lui tới như hiện nay".

Theo bác, khách hàng truyền thống là sinh viên các trường đại học xung quanh giảm hẳn. Ngoài lượng khách giảm, nhiều người tiết kiệm 5.000 đồng nên phi thẳng vào mua chứ không cần gửi xe như trước.

Khách giảm còn nửa, doanh thu mỗi ngày từ việc trông xe chỉ còn 700.000-800.000 đồng, không đủ để trang trải chi phí thuê chỗ hơn chục triệu mỗi tháng. Do đó, bác Hoạt kiếm thêm bằng cách trải bạt trong chính chỗ trông xe để bán hoa quả.

Chị Vinh, bán hải sản ở chợ Đồng Xa đinh ninh sau Tết mua bán sẽ nhanh chóng ổn định trở lại. Nhưng chỉ có mấy ngày trước rằm tháng Giêng tạm được, còn sau đó lại ế ẩm. Hiện tượng này không giống những năm trước. Do bán ế nên chị giảm nhập hàng tươi sống, tăng bán các loại đồ đông lạnh.

Tại TP HCM, giá rau củ nhiều ngày nay cũng đi xuống, giảm 10-20%, một phần do sức mua èo uột, trong khi nguồn cung dồi dào do thời tiết ấm. Hiện tại, su hào chỉ còn 15.000 đồng một kg, nhiều nơi bán rẻ "3 củ 10.000 đồng". Trứng gà 27.000 đồng một chục, thay vì 40.000 đồng như hơn một tháng trước.

Một xe bán rau củ lề đường cạnh tranh giá cả với các sạp hàng ở trong chợ. Thời buổi khó khăn, nhiều người tiết kiệm đến cả các khoản mua thực phẩm thiết yếu hàng ngày
Một xe bán rau củ lề đường cạnh tranh giá cả với các sạp hàng ở trong chợ. Thời buổi khó khăn, nhiều người tiết kiệm đến cả các khoản mua thực phẩm thiết yếu hàng ngày. Ảnh: Thi Hà

Chị Hạnh, tiểu thương tại chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh) cho hay, mấy ngày này còn có tình trạng giá hôm sau luôn rẻ hơn hôm trước. Lấy hàng tại chợ đầu mối giá thấp, cộng với tình hình buôn bán ế ẩm, nhiều tiểu thương ăn lãi ít để bán nhiều hàng. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của những xe bán rau rong "3 quả bầu 10.000 đồng, 3 củ su hào 10.000 đồng" ngày một nhiều làm giá càng giảm thêm.

Chị Lan, tiểu thương chuyên bán gà tại chợ tự phát Văn Thánh (Bình Thạnh) chia sẻ: "Dạo này bán ế quá nên thay vì ngồi một chỗ như mọi hôm, tôi chuyển chỗ bán 2 lần trong ngày. Buổi sáng bán ở cuối đường bên này chợ, buổi chiều di chuyển ra đầu đường để có thêm khách hàng mới".

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết, hiện nay lượng hàng về chợ luôn dồi dào, việc giá giảm là do bán ế, sức mua giảm, hàng tồn cao.

Tình hình kinh doanh không mấy thuận lợi, một số tiểu thương quyết định bỏ chợ để ra vỉa hè bán hàng. Bán rau gần 2 năm tại chợ Cầu Giấy, cách đây 4 tháng, chị Quỳnh quyết định trả kiot giá thuê hàng triệu đồng mỗi tháng và về bán rau ngay ven đường gần nhà. Chị cho biết, tại các chợ, sạp hàng đông nên kinh doanh rất cạnh tranh. Trong khi đó, ở gần nhà, tuy khách ít hơn nhưng lượng tiêu thụ ổn định.

Đại diện ban quản lý chợ Mỹ Đình cho biết, từ cuối năm 2012 đến nay đã có 2 sạp hàng kinh doanh thực phẩm đóng cửa. "Cả hai chủ quầy đều kêu chi phí làm đắt nên phải bán giá cao, ít khách mua. Giờ máy quay thịt vẫn gửi ở chợ", vị này cho biết.

Ban quản lý chợ Dịch Vọng, Phùng Khoang cho biết, nguồn cung thực phẩm không giảm. Trong khi đó, các tiểu thương có xu hướng nhập hàng ít hơn và đầu mối không dám tăng giá để giữ khách.

Nhiều bà nội trợ cho biết giảm cả ngân sách chi cho thực phẩm, chứ không chỉ các khoản xa xỉ khác. Chọn hải sản ở chợ Cầu Giấy, chị Phương cho hay các khoản chi tiêu trong gia đình gần đây bị cắt giảm chỉ bằng một nửa so với năm ngoái do thu nhập kém.

Trên một diễn đàn dành cho các bà mẹ, ngày càng có nhiều chủ đề liên quan đến cách chi tiêu tiết kiệm được mang ra thảo luận sôi nổi. Trong các chủ đề như "100.000 đồng - thực đơn ngon bổ rẻ mỗi ngày" hay "Bữa cơm nhà bạn thời bão giá", các bà mẹ đua nhau bàn mua đồ rẻ ở đâu để ăn vừa đủ no mà vẫn tiết kiệm nhất có thể.

Theo VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".