Chợ Nga những ngày xáo động

Chợ Nga những ngày xáo động
TPO - Gần 1 tháng sau khi Luật về chợ bán lẻ ở Nga có hiệu lực cộng đồng người Việt đã thấy rõ hơn lộ trình của nó. Số người còn mơ hồ đã giảm mạnh, trong khi nhiều người hoang mang, nao núng thì vẫn có những người chưa muốn “bỏ cuộc chơi”.
Chợ Nga những ngày xáo động ảnh 1
Siết chặt kiểm tra giấy tờ của lao động nhập cư.

Nghị định của Chính phủ Nga số 683 về chợ bán lẻ (đã trở thành luật) không bắt nguồn từ không khí. Nó ra đời từ tâm trạng chủ đạo trong xã hội là thái độ không hài lòng của dân chúng trước số lượng đông đảo người nhập cư, đặc biệt là ở các chợ thực phẩm và chợ hàng hóa.

Nó cũng nhằm bảo đảm lợi ích của “người địa phương” trên thị trường lao động trong nước. Chúng ta hãy vào trang web của báo “Sự thật thanh niên” để hiểu một bộ phận người Nga quan niệm ra sao về “chợ đầu đen” (chỉ người Cápcadơ và châu Á).

Trang web này ngay sau ngày 15/1 đã nhận được 77 ý kiến.

Loại thứ nhất chiếm số đông áp đảo và có thái độ hết sức tiêu cực đối với người nhập cư. Chúng ta hãy tham khảo vài ý kiến trong đó: “Chúng tôi có tràn vào nước các vị đâu (sau đó là hàng chục dấu hỏi). Hãy biến đi, biến nhanh đi. Làm sao để tất cả (dân nhập cư) “lượn” hết đi. Các vị như những con gián tỏa đi khắp thế giới".

“Hãy để những kẻ nhập cư đó bắt tay vào việc gây dựng nền kinh tế ở nước họ. Bọn họ chỉ biết mỗi chuyện buôn bán… Còn nếu ở chợ không còn ai nữa thì có nghĩa chúng ta không cần bọn họ. Bản thân tôi không nhớ lần cuối ra chợ khi nào… và chẳng cần… bởi đại siêu thị cạnh nhà”.

Loại ý kiến thứ hai, rất ít, bênh vực những người nhập cư nhưng tiếng nói của họ yếu ớt: “Để ở Nga không còn sự khủng hoảng dân số thì chẳng những cần trả tiền cho lần sinh con thứ hai mà cả việc khuyến khích nhập cư từ nước ngoài, và không riêng người Nga, tất cả những tầng lớp dân cư có sinh lực giống như Mỹ, Áchentina và Ôxtrâylia đã và đang làm”. “Không phải người nhập cư chèn ép các vị (người Nga) mà các vị bị chèn ép bởi rượu và sự lười nhác của các vị”.

“Các ông, các bà có đại siêu thị và máy tính còn những người thu nhập thấp thì chẳng có cái nọ lẫn cái kia nên họ không thể viết (ý kiến gửi lên mạng) rằng ngoài chợ thì họ chẳng biết đi đâu (mua hàng), chỉ có đến bãi rác mà thôi. Tôi là nữ sinh viên sống bằng học bổng và ngoài chợ ra thì tôi chẳng đi đâu cả”.

Người nhập cư có lợi hay hại ?

Chợ Nga những ngày xáo động ảnh 2
Ngân hàng thế giới đánh giá cao vai trò của dân nhập cư vào nền kinh tế của đất nước Bạch dương

Khác với quan niệm của một số người Nga, Ngân hàng thế giới đánh giá cao vai trò của dân nhập cư vào nền kinh tế của đất nước Bạch dương.

Không hiểu vô tình hay hữu ý báo cáo của Ngân hàng thế giới được tung ra đúng thời điểm Luật về khai báo di trú, Luật sửa đổi về tình trạng pháp lý của người nước ngoài và Luật về các chợ bán lẻ bắt đầu có hiệu lực. Báo cáo nêu rõ rằng nước Nga sẽ có một sự phát triển kinh tế như vũ bão nhờ người nhập cư rót cho một nguồn nhân công rẻ tiền dồi dào. Nhờ lao động nước ngoài mà Nga có thể lặp lại thành công của các nước Ailen, Nam Âu, trong đó có Italia ở nửa sau thế kỷ 20.

Nga hiện tại đứng thứ hai sau Mỹ về số lượng người nhập cư. Có tới 13 triệu người (khoảng 9% dân số) hiện đang sống ở Nga vốn được sinh ra ở ngoài lãnh thổ nước này. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, nguồn nhân công ngoại nhập của Nga ngày càng tăng và chính phủ nước này tốt hơn hết là chỉ đạo tiến trình này và cố mà khai thác lợi ích tối đa từ lao động nhập cư.

Quan niệm của Ngân hàng thế giới rõ ràng là trái ngược với thái độ của chính phủ Nga đang muốn hạn chế lao động nhập cư. Ông Evgeni Yasin, Giám đốc khoa học Trường cao cấp kinh tế, phân tích:

 “Cần tính đến việc Nga có thể coi là quốc gia khá giàu có rồi. Chúng ta giống như các nước lớn ở châu Âu khác. Pháp, Anh cũng thu hút người nhập cư như thế. Tất cả những cái đó làm nảy sinh một số vấn đề nhất định như chủ nghĩa dân tộc, tư tưởng bài ngoại.

Trong 10 năm qua chính phủ của chúng ta có tính đến tâm trạng đó (của người dân). Nhưng từ quan điểm lợi ích của nền kinh tế quốc gia và của người dân bình thường thì điều này có tác động tiêu cực ngay từ bây giờ. Tính đến việc dân số chúng ta đang giảm, giảm cả số người có sức lao động, thì tôi cho rằng điều này (hạn chế người nhập cư) là sai lầm chiến lược”.

Theo ông Yasin, thời kỳ bùng nổ dòng người nhập cư đã qua vào những năm 90. Nga cần phải khuyến khích người nhập cư nhưng cũng khó mà có đủ nhân công ngoại nhập để bù vào khoản thiếu hụt dân số.

Ông Yasin có lý. Chính sách hạn chế nhập cư và cả tư tưởng bài ngoại trong một bộ phận dân chúng khiến cho dòng người nhập cư vào Nga sẽ chững lại trong thời gian tới. Những người nước ngoài ở Nga lo ngại trước việc mới đây  một người châu Á làm nghề dọn tuyết đã bị giết ngay ở trung tâm Mátxcơva trong khi đang khoác trên người chiếc áo dành riêng cho công nhân của công ty vệ sinh môi trường.

Những người Việt quyết bám trụ

Không giống nhiều người đồng hương đang chuẩn bị “hạ cánh” trước ngày 1/4, anh Văn Mạnh (quê Hải Dương), một chủ hàng “tầm cỡ” ở chợ Vòm (Mátxcơva), quả quyết: “Tôi sẽ bám trụ đến ngày cuối cùng. Nói thật, tôi chẳng ưa gì những người hay nao núng. Muốn về thì cứ về, việc gì lại bô bô làm cho người khác hoảng lây”.

Anh Mạnh chưa có ý định về nước. Quyết tâm làm giàu của người đàn ông gần 50 tuổi này với mái tóc bạc sớm này rất cao.

Anh tâm sự: “Tôi sẽ hồi hương khi có trong tay một số vốn đủ để mở một doanh nghiệp nho nhỏ ở quê. Nếu không thì vì sao vợ chồng tôi lại bỏ cơ ngơi đàng hoàng tại Việt Nam để sang đây chịu cảnh sống thế này”.

Anh chỉ vào cảnh bừa bộn của căn phòng nằm ngày khu chung cư sát chợ. 18 mét vuông thôi mà có 10 người ở. Hai chiếc giường tầng và một chiếc giường đơn. Mỗi chiếc giường chật hẹp che riđô là “buồn hạnh phúc” của một cặp vợ chồng. Các phòng khác nhỏ hơn và mật độ người cao hơn. Giá thuê không rẻ và để được thuê ở đây họ đã phải nộp “tiền vào” rất cao. Số tiền này không trả lại nếu họ chuyển đi nơi khác hay khu chung cư không được cho người nước ngoài thuê nữa.

Những người như anh Mạnh có nhiều lý do để ở lại. Vợ chồng anh vẫn còn một cái “công” ở dãy đẹp. Hàng đang nhập tử Trung Quốc sang. Anh phải bán nốt 20 kiện hàng, đó gần như toàn bộ vốn liếng đã dành dụm được bấy lâu. Rồi sau đó tùy cơ mà ứng biến. Vẫn “đánh” hàng nếu như còn làm được điều đó. Thuê người Nga bán hàng nếu không có cách gì khác hoặc lập công ty.

Anh Mạnh và những người có cùng quan điểm với anh vẫn nuôi hy vọng rằng sau một thời gian chính quyền Nga sẽ nới lỏng dần quy định cấm người nước ngoài bán hàng ở chợ. Anh Chiến Vũ, người Hà Nội, cho biết: “Em sẽ đến cơ quan đại diện của TTXVN để lấy thêm thông tin và tham khảo ý kiến rồi sau đó sẽ quyết định. Em chưa muốn bỏ cuộc sớm”.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.