Chợ Nga trước giờ G : Các ông chủ nói gì ?

Chợ Nga trước giờ G : Các ông chủ nói gì ?
TPO - Từ 15/1/2007 bắt đầu có hiệu lực quyết định của chính phủ Nga về việc hạn chế dần và tiến tới cấm hẳn người nước ngoài kinh doanh tại các chợ bán lẻ. Không chỉ người Việt nói riêng, người nhập cư nói chung mà cả các chủ chợ Nga cũng hết sức lo lắng.

>> Nga : Xiết chặt quản lý chợ, người Việt đi về đâu ?

Thị trường hay phi thị trường?

Ông Vyacheslav Xavelev, giám đốc một khu chợ ở ngoại ô Mátxcơva, không tin là một quyết định hành chính có thể giải quyết được mối quan hệ kinh tế thị trường đã hình thành một cách tự nhiên. Ông cho rằng nếu chính quyền muốn giải quyết vấn đề ở các khu chợ thì thực sự không nên bắt đầu từ những người "đầu đen" (người Cápcadơ, Việt Nam, Trung Quốc…).

Họ bị "buộc tội" tăng gấp đôi giá các loại rau quả so với giá gốc ở các trang trại, thu "một vốn bốn lời bất chính" ở các chợ hàng vải, phạm nhiều tội hình sự. Không đúng như vậy. Không chỉ người vùng Cápcadơ mà cả người Nga cũng đi thu mua nông sản nên không có chuyện độc quyền về giá.

Lãi của việc buôn bán ở chợ hàng vải không nhiều như mọi người tưởng - phải chia cho công an, nhân viên kiểm tra các loại,  trả tiền thuê chỗ, tiền công cho người bán hàng, cửu vạn...

Chưa kể chi phí cho cuộc sống của người nhập cư ở Nga, đặc biệt tại Mátxcơva rất cao. Có người trong số họ phạm tội thật, nhưng tỷ lệ này là bao nhiêu? Tuyệt đại đa số sang Nga là để tìm nguồn thu nhập chính đáng.

Chính quyền nghĩ rằng đuổi người "đầu đen" đi là các "mugich" tóc hung và các bà nông dân Nga to béo sẽ kéo đến đứng sau các quầy hàng ở chợ. Theo ông Xavelev, lẽ ra trước khi quyết định như vậy thì cũng nên tham khảo ý kiến của những người "ở cơ sở" về các điều cơ bản - hỏi người sản xuất, chủ chợ, chủ kho.

Không phải chủ nông trại nào cũng tự mình mang hàng đi tiêu thụ được, không có thời gian, không biết cách, phải thuê người bán, kho bãi... Không nhiều người Nga muốn ra chợ bán hàng dù họ nghĩ rằng đây là công việc “béo bở” đi chăng nữa.

Người Nga thắc mắc về việc có nhiều người Cápcadơ, Việt Nam, Trung Quốc... ở chợ mà rất hiếm người bản địa. Câu trả lời của người trong cuộc, ông Xavelev, một chủ chợ, hóa ra rất đơn giản: Không một công dân Nga nào, đặc biệt là người Mátxcơva và ngoại ô Mátxcơva, lại chịu làm việc 12 tiếng mỗi ngày, không có ngày nghỉ, để có thu nhập sau khi trừ chi phí chỉ 9 - 12.000 rúp/tháng (tương đương 350 đến 450 USD).

Một ngày bình thường của "ông chủ sạp hàng Cápcadơ" cũng như của nhiều người Việt bắt đầu từ 4 giờ sáng, ra chợ bán buôn ở ngoài đường vành đai mua đủ số hàng cần bán trong ngày, làm gì có kho chứa hàng mà mua dự trữ.

8 giờ sáng bản thân ông chủ và những người bán hàng thuê bắt đầu kinh doanh. Mới 8 giờ tối đã đi ngủ. Ngày nào cũng giống ngày nào. Đó là chưa kể “mùa ế”. Khi "người bản địa" nghe kể thế họ ồ lên, nói thà đi lượm ve chai còn hơn.

Ông Xalavev kể: “Một số người Nga được cấp miễn phí một số quầy hàng nhưng chẳng ai nhận, nói "không phải chỗ đẹp". Miễn phí mà đòi chỗ đẹp, liệu có “giàu trí tưởng bở” quá không? Ở khu chợ của tôi có 183 ông chủ nhỏ thì 30 người là dân ngoại tỉnh. Họ gốc Adécbaigian, Đaghextan, Trêsnia nhưng đều là công dân Nga.

Trong đội ngũ bán hàng thì có cả dân nhập cư trái phép. Lỗi chẳng phải tại họ. Có một người châu Á suốt 6 tháng chạy vạy mà chưa nhận được giấy phép lao động. Mà đấy là giấy phép chỉ có thời hạn một năm, tốn những 8.000 rúp”.

 Lẽ ra nên làm theo cách khác

Chợ Nga trước giờ G : Các ông chủ nói gì ? ảnh 1

Những người nhập cư châu Á ở Nga.

Theo con số chính thức ở Nga hiện nay có 10 - 12 triệu người nhập cư trái phép. Để trục xuất hết bọn họ cần gần 5 tỷ USD. Nhưng lấy gì đảm bảo rằng mấy ngày sau họ không quay lại chợ?

Ông Xavalev “triết lý: “Còn nếu bằng cách nào đó mà những người nhập cư trái phép bị đuổi hết khỏi chợ thì họ đi đâu? Họ phải ăn chứ. Với lại, tìm được người bán hàng nhập cư có tất tần tật các loại giấy tờ rất khó. Cứ cho là có một chủ quầy trung thực, thậm chí không muốn nhắc đến người nhập cư trái phép.

Ông treo tấm biển: "Cần người bán hàng có đầy đủ giấy tờ". Rồi chờ, chờ mãi mà không ai đến. Hàng thì phải bán, tiền thuê chỗ phải trả. Thế rồi những người "đầu đen" tìm tới, đồng ý mọi điều kiện, chỉ có điều thiếu đăng ký hộ khẩu ở Mátxcơva. Thế là ông chủ trung thực bắt đầu xem lại nguyên tắc của mình, cốt để đẩy hàng đi mà trả nợ. Thành ra có tới 40% người bán hàng là dân nhập cư bị coi là trái phép”.

Tờ "Sự thật thanh niên" (Nga) đưa ra giải pháp hóa ra cũng rất đơn giản: Người ta nói rằng dân nhập cư trái phép mang đến bệnh truyền nhiễm, tiềm ẩn nguy cơ nhập vào các nhóm tội phạm, trốn thuế... Nhưng có thể khắc phục điều này.

Cần phải đơn giản hóa thủ tục hợp pháp hóa người nhập cư. Khi người nhập cư đến đăng ký ở đồn cảnh sát họ được cấp giấy phép kinh doanh ở một chợ cố định. Sau đó thì kiểm tra, buộc đi khám bệnh, trả thuế tạm thời, chẳng hạn mỗi người một nghìn rúp/tháng. Họ sẽ vui sướng thực hiện những điều kiện đó. Những người nước ngoài đến Nga để đổ mồ hôi kiếm tiền sẽ tuân thủ ngay lập tức, còn bọn tội phạm sẽ tránh xa.

Ông Xavalev kết luận: “Còn bây giờ mọi sự thật nhiễu nhương. Khi cảnh sát đi tuần tra, ai cũng trốn, kể cả những người có đầy đủ giấy tờ bởi tất tật sẽ bị triệu về đồn để hạ hồi phân giải. Chẳng ai muốn lôi thôi ở đồn để hàng hóa vô chủ nằm "tơ hơ" trên quầy . Tốt nhất là… lánh mặt!”.

Quyết định của chính phủ Nga về hạn chế người nhập cư bán hàng ở chợ đã ban hành. Vấn đề là nó sẽ được thực hiện như thế nào, triệt để hay mềm dẻo? Thời gian sẽ trả lời.

Trước mắt một bộ phận đáng kể lao động nhập cư sẽ rất khó khăn. Nhưng cũng giống như ông Xavalev, họ hy vọng sau một thời gian các khu chợ Nga “vắng như chùa” thì sẽ có sự điều chỉnh theo hướng kinh tế thị trường.

MỚI - NÓNG