Chờ nhiều hơn nữa doanh nghiệp phân phối

Rau xanh Quảng Thành bắt đầu tạo dựng được thương hiệu, chen chân vào siêu thị Big C Huế
Rau xanh Quảng Thành bắt đầu tạo dựng được thương hiệu, chen chân vào siêu thị Big C Huế
TP - Tỉnh Thừa Thiên - Huế có nhiều làng nghề nông sản đặc trưng đủ khả năng làm "vệ tinh" cung ứng thực phẩm, hoa cho thành phố Huế và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, do hạn chế chủng loại, thương hiệu, sức cạnh tranh, nên phần lớn nông sản các vùng quê vẫn còn chờ doanh nghiệp tiêu thụ.
Rau xanh Quảng Thành bắt đầu tạo dựng được thương hiệu, chen chân vào siêu thị Big C Huế
Rau xanh Quảng Thành bắt đầu tạo dựng được thương hiệu, chen chân vào siêu thị Big C Huế . Ảnh: Ngọc Văn

Tìm đường ra phố

Sản xuất hơn 1,5 triệu tấn rau xanh mỗi năm, xã Quảng Thành (huyện Quảng Điền) là vùng chuyên canh rau thương phẩm lớn nhất tỉnh. Nhờ sức tiêu thụ ngày càng tăng từ hệ thống các nhà hàng, khách sạn, siêu thị tại Huế, rau xanh Quảng Thành đứng trước cơ hội rộng đường vươn xa ra phố.

Từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tiêu thụ nội bộ, cách đây 3 năm, lần đầu tiên, những nông dân quanh năm chân lấm tay bùn ở Quảng Thành mạnh dạn tổ chức sản xuất, tiêu thụ rau theo mô hình doanh nghiệp, mở rộng thị trường, chất lượng sản phẩm được công bố bài bản.

Với sự ra đời của Doanh nghiệp thu mua & sơ chế rau an toàn Hóa Châu (Quảng Thành), những chủng loại rau xanh bảo đảm chất lượng được tiêu thụ ngay tại ruộng, nông dân không còn lo bí đầu ra. Từ khi có Doanh nghiệp Hóa Châu và hàng rau địa phương ngày càng có tiếng tăm, mỗi ngày Quảng Thành xuất hơn 5 tấn rau ra thị trường.

Là nông dân đầu tiên tại Thừa Thiên - Huế biến rau làng thành "hàng hiệu", ông Nguyễn Đình Định (chủ DN rau an toàn Hóa Châu) nói: "Để bảo đảm chữ tín cho hàng hóa, chúng tôi luôn khuyến cáo nông dân về đạo đức nghề nghiệp, không phun xịt hoá chất, thuốc kích thích rau vì mối lợi trước mắt". Hiện tại DN Hóa Châu đã ký được hợp đồng cung cấp rau sạch với nhiều nhà hàng và hệ thống siêu thị tại Huế.

"Nhu cầu tiêu thụ rau của Big C Huế là rất lớn, vài tấn mỗi ngày, trong khi chủng loại rau của chúng tôi còn nghèo nàn. Rau làng lên phố còn lắm hạn chế, chúng tôi chỉ mới thành công ở góc độ quảng bá sản phẩm, còn vấn đề hiệu quả, ổn định giá, mở rộng thị trường vẫn là mục tiêu cần hướng tới", ông Định phân tích.

Cũng theo ông Định, sắp tới siêu thị Big C Huế sẽ tạo điều kiện bố trí một gian hàng giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm cho rau Quảng Thành; đồng thời, làm cầu nối đưa một số loại rau ra ngoại tỉnh.

Đưa nấm ra thị trường ngoại tỉnh

"Nấm ở Phú Lương vài năm lại đây là cây xóa đói giảm nghèo của hơn 630 hộ dân. Tuy nhiên, để cây nấm phát triển bền vững, đầu ra ổn định, Phú Lương phải xây dựng cho được làng nghề nấm đặc trưng, sản phẩm tiêu thụ rộng rãi và thông qua bao tiêu của doanh nghiệp", ông Đỗ Ngọc Lô, Bí thư Đảng ủy xã Phú Lương (huyện Phú Vang) bắt đầu câu chuyện về nghề nấm bằng những trăn trở.

Phú Lương hiện là xã dẫn đầu cả tỉnh về sản lượng nấm, với hơn 6.000 tấn mỗi năm (phần lớn là nấm rơm). Thương hiệu nấm linh chi và nấm các loại do HTX Nông nghiệp Phú Lương 1 đăng ký đã được công nhận. Ngoài 630 hộ chuyên nghề nấm, hằng năm, tại HTX Phú Lương 1 có khoảng 30 lao động tại chỗ được giải quyết việc làm thông qua nghề này, mức lương từ 1 - 1,2 triệu đồng/tháng.

Doanh thu từ sản xuất nấm của toàn xã hiện đạt hơn 6 tỷ đồng mỗi năm. Hiện nay, sản phẩm nấm Phú Lương (đặc biệt là nấm linh chi) đã tiêu thụ ra thị trường Huế, Đà Nẵng, Hà Nội; tuy nhiên, quy mô vẫn còn nhỏ lẻ, bị động và thiếu ổn định.

"Lúc sản phẩm làm ra quá nhiều, nông dân bị tư thương ép giá tơi tả. Giá mà có doanh nghiệp thu mua, chế biến sản phẩm ngay tại huyện, nông dân sẽ hưởng lợi nhiều mặt”, nông dân Nguyễn Chức bộc bạch.

Theo ông Đỗ Ngọc Lô, đầu ra ổn định cho nấm Phú Lương đang còn nan giải. Để phát triển và tìm hướng tiêu thụ ổn định, xã Phú Lương đang xây dựng đề án làng nghề trồng nấm, đầu tư máy móc, nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa nấm ra thị trường ngoại tỉnh.

MỚI - NÓNG