Đối phó vụ kiện chống bán phá giá xe đạp vào Canada:

Chờ nước đến chân mới... nhảy?

Chờ nước đến chân mới... nhảy?
Tháng 3/2005, các DN sản xuất xe đạp Việt Nam phải bước vào cuộc điều trần trước Toà án thương mại quốc tế Canada (CITT) trong khuôn khổ vụ kiện chống bán phá giá mặt hàng xe đạp vào nước này.
Chờ nước đến chân mới... nhảy? ảnh 1
Bị kiện bán phá giá, xe đạp Việt Nam liệu có “lâm nguy”?

Tuy thế, sự chuẩn bị cho “cuộc chiến” này trong nội bộ các DN xem ra đang gặp nhiều trắc trở, chậm trễ…

Lại “tai bay vạ gió”!

Giữa tháng 2/2005, Toà CITT đã quyết định điều tra các sản phẩm xe đạp nhập khẩu vào Canada (trong đó có xe đạp nhập khẩu từ Việt Nam), sau khi CITT xem xét đơn của Hiệp hội các nhà sản xuất xe đạp Canada (CBMA) đệ trình.

Mục đích của cuộc điều tra là xem xét xác định các DN nước ngoài có bán phá giá ở thị trường Canada không để áp dụng các biện pháp tự vệ, bảo vệ DN sản xuất xe đạp trong nước. Các sản phẩm bị điều tra là những sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam được coi là đe doạ hoặc có khả năng đe doạ gây thiệt hại cho ngành sản xuất xe đạp của Canada.

Theo Bộ Thương mại, trong vụ kiện này, có rất nhiều bị đơn phải ra toà, chủ yếu là DN của các nước như: Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Hoa Kỳ, Thái Lan, Philippin, Indonesia... Đại diện Cục quản lý cạnh tranh (Bộ TM) cho biết, ngành công nghiệp xe đạp Việt Nam mới thực sự trưởng thành chưa được 5 năm đã phải đối mặt với 2 vụ kiện chống bán phá giá (vào EU và Canada).

Do đó, các DN sản xuất xe đạp của Việt Nam lại phải đối mặt với nhiều thách thức mới khi xâm nhập thị trường Canada. Theo thống kê, đến năm 2003, Việt Nam mới có 19 DN xuất khẩu xe đạp vào Canada. Số lượng và giá trị xuất khẩu đạt rất thấp, cụ thể: Năm 2003 xuất 188.489 chiếc, đạt giá trị 11.842.709,9 USD; năm 2004, xuất 328.149 chiếc, đạt giá trị 18.393.049 USD.

Đây là số lượng chưa thể đạt ngưỡng 5% giá trị xe đạp xuất vào Canada để bị kiện chống bán phá giá theo quy định của nước này. Do đó, khi CITT khởi kiện, kể như các DN xe đạp của Việt Nam bị “tai bay vạ gió”.

Nước đã đến chân...

Bộ Thương mại khuyến cáo: các DN xuất khẩu xe đạp của Việt Nam nên chủ động đối phó và chuẩn bị chu đáo các số liệu cũng như lập luận để chứng minh cho CITT thấy xe đạp của Việt Nam nhập khẩu vào Canada chiếm thị phần rất nhỏ, không gây thiệt hại cho ngành sản xuất của nước này.

Đồng thời các DN Việt Nam cần đoàn kết, thống nhất dưới sự hướng dẫn của Hiệp hội xe đạp xe máy Việt Nam để đối phó với vụ kiện hiệu quả. Về tinh thần, Hiệp hội đã sẵn sàng tham gia hầu kiện, nhưng thực tế đang gặp nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên là hầu hết các DN bị kiện không nằm trong Hiệp hội, nên liên kết rời rạc, sức mạnh tập thể để chống lại vụ kiện rất yếu ớt.

Ông Lê Quốc Tạo - thường trực Hiệp hội, thừa nhận: “Trong vụ kiện này chúng tôi không làm ầm ỹ như nhiều vụ kiện cá tra, cá ba sa, vì Hiệp hội không thể đại diện hoàn toàn cho DN. Trong 19 DN xuất khẩu sang Canada bị kiện thì chỉ có 2 doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội là Cty TNHH xe đạp Dragon và Cty Asam. Yuh fiemuntl netnam co.Ldt...Các DN còn lại là DN đầu tư trực tiếp nước ngoài nên càng khó khăn để đoàn kết”.

Thực tế này khiến việc chuẩn bị đối phó vụ kiện theo yêu cầu của nguyên đơn bị chậm trễ. Theo lịch trình vụ kiện, đến 1/3/2005, các bên liên quan phải thông báo việc tham gia vụ kiện để điều tra, thông báo người đại diện cho CITT; ngày 17/3 các bên phải nộp bản trả lời các câu hỏi cho CITT. Nhưng đến nay, các câu hỏi của nguyên đơn gửi sang Việt Nam mới chỉ hoàn thành việc dịch sang tiếng Việt.

Ông Tạo cho biết, việc trả lời cũng chỉ có doanh nghiệp mới thực hiện được, đơn giản vì DN nằm ngoài Hiệp hội và những chiến lược, con số của DN có vốn đầu tư nước ngoài thuộc bí mật của DN đó.

Kinh nghiệm từ các vụ kiện cá tra, ba sa, tôm cho thấy, các DN phải thống nhất trong hiệp hội, cùng chí hướng và cùng... bỏ kinh phí cho vụ kiện thì mới có khả năng thành công. Còn với vụ kiện chống bán phá giá xe đạp thì đến thời điểm vụ kiện đã đi được 1/3 quãng đường (nếu tính từ khi CBMA đệ đơn), nhưng nội bộ các DN bị kiện dường như vẫn chưa thể đoàn kết, trái lại nhiều quan điểm lại vênh nhau.

Nước đã đến chân rồi mà ngay việc lựa chọn công ty luật làm đại diện cho mình cũng chưa xong. Hiệp hội đề nghị các DN thuê cty luật quốc tế Gide loyrette Nouel (Pháp) có đại diện ở Việt Nam và Canada để tiện cho việc theo dõi thông tin và phối hợp chống lại vụ kiện, song các DN có vốn đầu tư nước ngoài lại bác bỏ và đi tìm cty luật của Đài Loan...

Đối phó với vụ kiện thế nào để xe đạp Việt Nam không bị áp thuế cao khi mà sợi dây xâu chuỗi các DN; DN và Hiệp hội còn hết sức lỏng lẻo là câu hỏi phải trả lời sớm. Nếu không, ngành công nghiệp non trẻ này sẽ tiếp tục phải đối mặt với khó khăn nhiều hơn.

MỚI - NÓNG
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
TPO - Tại Kỳ họp thứ hai mươi (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV thông qua 13 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh có Nghị quyết phê duyệt bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2024.