Cho vay đánh bắt thủy sản xa bờ: Xây lại chiến lược

Cho vay đánh bắt thủy sản xa bờ: Xây lại chiến lược
TP - Dự án cho vay đóng mới tàu đánh bắt thủy sản xa bờ (ĐBTSXB) vừa phải tạm dừng để giải quyết những bất cập kéo dài: Hàng nghìn tàu nằm bờ, thua lỗ; ngư dân trốn nợ, trây ỳ.
Cho vay đánh bắt thủy sản xa bờ: Xây lại chiến lược ảnh 1

Tàu đánh bắt xa bờ ở Thanh Hóa thua lỗ nằm… bờ. ảnh: L.V.Thành

Bộ Thủy sản vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược ĐBTSXB mới, với xuất phát điểm lần này là khoản nợ lên đến gần nghìn tỷ đồng.

72% số tàu làm ăn thua lỗ

Sau khi tái thẩm định tài sản của các tổ chức vay vốn đóng tàu ĐBTSXB, Quỹ hỗ trợ phát triển cùng các bộ, ngành đã kết luận có 72% số tàu làm ăn thua lỗ.

Nguyên nhân của tình trạng thua lỗ kéo dài là: Ngư dân có tay nghề nhưng thiếu vốn, tàu cá gặp rủi ro, hoạt động cầm chừng… Thực tế này đã dẫn đến các khoản nợ đọng kéo dài (gần nghìn tỷ đồng) dù Nhà nước đã phải bán đấu giá hơn 400 tàu để thu hồi vốn.

Theo Bộ Thủy sản, bên cạnh số tàu phải bán đấu giá thu hồi nợ, Bộ Tài chính cũng sẽ đề nghị Chính phủ xoá nợ cho gần 70 tàu ĐBTSXB gặp rủi ro trong các đợt thiên tai đã bị hư hỏng nặng, góp phần giảm gánh nặng của khoản nợ…

Tuy nhiên, số nợ quá hạn, nợ treo từ chương trình ĐBTSXB chiếm đến gần 20% tổng nợ quá hạn của toàn hệ thống Quỹ hỗ trợ phát triển. 

Dự án ĐBTSXB được đầu tư từ năm 1997 với tổng vốn đầu tư từ Quỹ hỗ trợ phát triển là 1.297 tỷ đồng. Sau gần 10 năm thực hiện, Quỹ hỗ trợ phát triển mới thu được 329 tỷ đồng vốn gốc và 70 tỷ đồng lãi suất. Theo dự án ĐBTSXB được phê duyệt thì đến năm 2008 phải thu hồi toàn bộ vốn đầu tư và lãi suất hằng năm. Tuy nhiên, trong 2 năm tới, mục tiêu này rất khó thực hiện.

lMới đây, Chính phủ đã chỉ đạo, UBND các tỉnh và Quỹ hỗ trợ phát triển là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong chủ động thu nợ, vì đây là 2 đơn vị trực tiếp quyết định đầu tư và cho vay thực hiện dự án ĐBTSXB.

lNgư dân, các tổ chức thực hiện ĐBTSXB cố tình không trả nợ sẽ bị cưỡng chế, thậm chí xử lý theo quy định của pháp luật.

Ông Vũ Văn Đài - Phó Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ Thủy sản) cho biết, tàu ĐBTSXB luôn phải đối mặt khó khăn, vì rủi ro quá lớn.

Trong 6 nghìn tàu ĐBTSXB đang hoạt động thì có tới hơn 2 nghìn tàu nằm tê liệt, kéo theo 20 nghìn ngư dân ngồi chơi trong bờ. Các tác động của giá xăng dầu tăng khiến khai thác được 1 tấn cá thì có đến 60% chi phí là xăng dầu.

Thu nhập của ngư dân trong nhiều năm đã giảm 30-40%, họ không những không thể tái đầu tư mà còn lâm vào tình trạng đói nghèo… Gần như toàn bộ các tàu ĐBTSXB ở các tỉnh dọc miền Trung, miền Bắc đều làm ăn thua lỗ.

Chiến lược mới - có gì mới?

Phải tổ chức lại sản xuất cho các tàu ĐBTSXB hiện có và xây dựng lại dự án ĐBTSXB mới có những căn cứ khoa học, yêu cầu cụ thể…là yêu cầu mà ngành thủy sản phải thực hiện trong năm 2006. Việc xây dựng lại chiến lược dự án đang gặp rất nhiều cản trở, dù chủ trương thực hiện là đúng.

Ông Vũ Văn Đài cho biết:  Việc xây dựng chương trình ĐBTSXB cho năm nay bước đầu đã xác định được cơ sở để thực hiện một chiến lược mới.

Với sự hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài, Bộ Thủy sản đã thẩm định được cơ bản sản lượng thủy sản và khoanh vùng ngư trường có nhiều tôm, cá; dự báo sản lượng khai thác bền vững không quá 1,5-1,7 triệu tấn/năm; chỉ giữ đội tàu không quá 5 nghìn chiếc…

Quan trọng hơn cả là dự án ĐBTSXB mới sẽ không đầu tư ồ ạt, có tính chất bao cấp như trước, do đó ngư dân phải làm chủ thực sự các tàu cá, chịu trách nhiệm với các kế hoạch khai thác kinh doanh của mình.  

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.