Cho vay đầu tư CK: Ngân hàng Nhà nước 'cứng rắn'

Cho vay đầu tư CK: Ngân hàng Nhà nước 'cứng rắn'
Ngày 28.6, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tổ chức cuộc tọa đàm về 2 văn bản đang gây xôn xao dư luận: Chỉ thị 03 về cho vay đầu tư chứng khoán (ĐTCK), và Quyết định 1141 về tăng mạnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc (DTBB) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Phó tổng giám đốc (PTGĐ) Ngân hàng Công thương (Incombank) cho rằng, khi đưa ra quyết định tăng gấp đôi tỷ lệ DTBB, NHNN cũng nên có tín hiệu với 4 ngân hàng thương mại quốc doanh (NHTMQD) để họ có ý kiến vì họ là những người phải thực hiện các quy định này.

Ông Mạnh cũng cho biết, do tỷ lệ DTBB tăng 100%, Incombank phải bỏ thêm 3.000 tỉ đồng vào DTBB với lãi suất rất thấp. Ông Phạm Quang Dũng, PTGĐ Vietcombank nói thêm, tăng tỷ lệ DTBB làm Vietcombank tăng thêm 300 tỉ đồng chi phí.

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, PTGĐ Habubank cho biết, Habubank sẽ phải DTBB khoảng 500 - 600 tỉ đồng, điều này làm tăng đáng kể chi phí của ngân hàng. Bà Thủy cũng cho biết, sau khi NHNN quy định tăng gấp đôi tỷ lệ DTBB, tuần trước lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng có lúc đã vọt lên 8%/năm.

Còn bà Lưu Thị Ánh Xuân, PTGĐ Techcombank thì nói: "Chúng tôi ngồi trước bảng lãi suất mà không biết làm thế nào. Tôi rất lo lắng về việc tăng trưởng tín dụng, lợi nhuận... của ngân hàng".

Bà Xuân cho rằng, việc tăng tỷ lệ DTBB sẽ làm tăng mặt bằng lãi suất trên thị trường. Ông Phạm Anh Dũng, TGĐ Ngân hàng cổ phần Sài Gòn thì lo ngại việc tăng gấp đôi tỷ lệ DTBB sẽ làm cho tín dụng bị đóng băng.

Ông Huỳnh Quang Tuấn, PTGĐ ACB cũng cho rằng việc tăng DTBB sẽ tăng gánh nặng chi phí cho các ngân hàng nhưng rồi nó cũng được chuyển sang người gửi tiền và người vay. Tất cả các đại diện NHTM phát biểu đều đề nghị NHNN xem xét lại quyết định tăng gấp đôi tỷ lệ DTBB vừa mới được ban hành.

Vẫn băn khoăn về cho vay ĐTCK

Về chỉ thị 03 của Thống đốc NHNN về cho vay ĐTCK, đại diện các NHTMQD khá ủng hộ về chủ trương này. Ông Nguyễn Viết Mạnh - PTGĐ Incombank nhận xét, đây là lĩnh vực có lợi nhuận cao nhưng rủi ro lớn và chỉ cần một ngân hàng nhỏ gặp sự cố thì có thể gây mất an toàn cho cả hệ thống.

Incombank đã chủ động kiểm soát hoạt động cho vay này và tỷ lệ cho vay ĐTCK hiện chỉ chiếm khoảng 0,4% trên tổng dư nợ (trước là 0,65%). Tuy nhiên, ông Phạm Quang Dũng - PTGĐ Vietcombank bày tỏ băn khoăn về việc thực hiện chỉ thị này.

"Chỉ thị không phân biệt các loại chứng khoán (CK) cụ thể, vì độ rủi ro của việc cho vay chiết khấu trái phiếu chính phủ, trái phiếu công ty khác với cho vay cầm cố cổ phiếu", ông Dũng nói.

Ông Huỳnh Quang Tuấn, PTGĐ ACB đưa ra một nhận định khá lấp lửng về chỉ thị 03: "Khi ra quyết định này, nội bộ chúng tôi cũng tranh cãi với nhau về việc chỉ thị này là bắt buộc hay chỉ là khuyến cáo. Về sau thì chúng tôi hiểu là bắt buộc".

Ông Tuấn cũng tiếp nối băn khoăn của một đại diện ngân hàng phát biểu trước đó: "Ở đây tôi hiểu là việc hạn chế cho vay ĐTCK có liên quan chủ yếu tới cổ phiếu chứ không phải là CK nói chung. Nếu là CK nói chung thì khái niệm sẽ rất rộng và thực hiện đúng câu chữ sẽ có vấn đề rất lớn".

NHNN nói gì?

Đại diện của NHNN tham dự tọa đàm nêu quan điểm rất rõ ràng của NHNN: "Các cơ chế chính sách mà NHNN đưa ra là để thực hiện chức năng của mình: ổn định tiền tệ, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...".

Từ cuối năm 2006 cho đến nay, vốn khả dụng của các NHTM dư thừa khá lớn gây sức ép lên lạm phát nhưng các NHTM vẫn tiếp tục khuyến mại để huy động vốn. Đây là những lý do NHNN phải tính toán và đưa ra biện pháp phù hợp.

Vị đại diện của NHNN khẳng định là NHNN đã có cảnh báo và biện pháp không phải đột ngột, và dự báo: "Tác động của việc tăng tỷ lệ DTBB sẽ không đến ngay mà đến vào cuối năm và đầu năm sau".

Ông này cũng cho biết, trước khi đưa ra chỉ thị 03, NHNN cũng như các ngành khác đã lên tiếng cảnh báo về sự tăng trưởng quá nóng của TTCK. Vị đại diện NHNN tiết lộ:

"Một số ít ngân hàng cổ phần có tỷ lệ cho vay ĐTCK trên tổng dư nợ lên tới 40 - 50%. Đây là một điều hết sức nguy hiểm vì các ngân hàng này mới chuyển từ nông thôn lên đô thị và cũng là những ngân hàng đi sau nên tất nhiên không phải những khách hàng vay ĐTCK mà họ có được đều là những khách hàng tốt".

Ông này cũng cho biết, khi đưa ra tỷ lệ 3%, NHNN đã xin ý kiến của một số đơn vị ngoài ngành, trong đó có ý kiến của Bộ Tài chính. Vị quan chức NHNN khẳng định: "NHNN không khuyến khích việc cho vay ĐTCK, kể cả việc cho vay có cầm cố thế chấp".

Theo Hoàng Ly
Thanh Niên

MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.