TS Vũ Thành Tự Anh:

Cho vay trần 12%/năm, ngân hàng sẽ lỗ

Cho vay trần 12%/năm, ngân hàng sẽ lỗ
TP - Theo TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại Việt Nam, với mức lãi suất huy động trần là 10,5%/năm hiện nay và nếu áp dụng lãi suất trần cho vay là 12%/năm thì tất cả ngân hàng đều lỗ.
Cho vay trần 12%/năm, ngân hàng sẽ lỗ ảnh 1
Làm thủ tục cho khách hàng vay vốn. Ảnh: Thùy Linh


Một trong những mục tiêu lớn được Chính phủ đặt ra trong năm 2010 là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô. Vậy chính sách tài khóa ở Việt Nam trong năm nay sẽ thế nào?

Ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên số một của Việt Nam trong năm 2010. Có hai lý do lớn: Nếu ổn định kinh tế vĩ mô thì các mục tiêu khác sẽ đạt được, còn ngược lại thì tất cả các mục tiêu cũng sẽ không đạt được.

Cho vay trần 12%/năm, ngân hàng sẽ lỗ ảnh 2
 TS Vũ Thành Tự Anh

Tôi nghĩ, trong bối cảnh này, chính sách tài khóa của chúng ta nên có những động thái tích cực để hỗ trợ cho sự tăng trưởng của nền kinh tế nhưng đồng thời phải theo dõi các biến số, cụ thể biến số về tiêu dùng tư nhân, đầu tư của tư nhân, nhập siêu…

Trong năm 2010, cũng cần rất thận trọng với các dự án đồ sộ và hoành tráng vì khả năng huy động, thu xếp về nguồn vốn chưa chắc chắn, nhất là trong điều kiện thị trường vốn như hiện nay. Nên tập trung hoàn thành nốt các dự án đã triển khai để đưa vào sử dụng, giúp ích cho sự phát triển kinh tế thay vì bắt đầu các dự án rất lớn.

Vậy theo ông có cần thắt chặt chính sách tiền tệ?

Tôi không nghĩ cần phải có động thái thắt chặt chính sách tiền tệ. Cái quan trọng là phải điều hành một cách linh hoạt hơn. Chẳng hạn chú ý đến tính thanh khoản của ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp để giảm căng thẳng về tính thanh khoản như giảm lãi suất và làm cho việc huy động vốn cũng như việc cho vay thuận tiện hơn.

Ông đánh giá thế nào về việc các doanh nghiệp phải vay vốn vượt trần 12% hiện nay?

Đây là thiệt thòi lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, bởi khi nền kinh tế thế giới bắt đầu hồi phục, tức là cơ hội cho doanh nghiệp Việt cũng tăng lên. Đây là lúc doanh nghiệp cần vay vốn, huy động nguồn lực để sản xuất, mở rộng thị trường.

Tuy nhiên, khi kinh tế thế giới ấm dần trở lại thì chúng ta lại dường như phải thắt chặt tiền tệ. Đây là động thái đáng tiếc vì nó đi ngược sự hồi phục của kinh tế thế giới. Điều đó có nghĩa hạn chế khả năng các doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt được cơ hội nhờ sự phục hồi chung của kinh tế thế giới.

Thế nhưng thực tế các ngân hàng và doanh nghiệp đều nhận thấy họ đang đi trái đường?

Khi mà có quá nhiều người vượt rào thì chúng ta phải xem cái rào đó có hợp lý hay không? Bản thân quy định hiện nay về lãi suất cơ bản và lãi suất trần 12%/năm không có mối tương quan và không có tính thị trường.

Điều quan trọng là cần thay đổi định nghĩa về lãi suất cơ bản của Việt Nam. Nên định nghĩa lãi suất cơ bản là lãi suất trung bình cho vay tốt nhất của các ngân hàng thương mại lớn ở Việt Nam. Khi đó, lãi suất cho vay tốt nhất có thể là 12%/năm, thì lãi suất trần có thể là 18%/năm. Như thế sẽ tạo ra một không gian để ngân hàng huy động được vốn.

Còn bây giờ lãi suất huy động trần là 10,5%/năm, nếu áp dụng lãi suất trần cho vay 12%/năm thì tất cả ngân hàng đều lỗ. Chẳng có lý do gì mà họ giữ ở mức trần cho vay là 12% cả. Do vậy, theo tôi cần có điều chỉnh đối với hàng rào, tức là thay đổi về định nghĩa lãi suất cơ bản, cũng như trần lãi suất.

Phạm Tuyên (thực hiện)

Giữ nguyên lãi suất cơ bản 8%/năm

Trái với tin đồn điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản, hôm qua, NHNN vừa công bố Quyết định số 134, theo đó, kể từ ngày 1- 2 tiếp tục áp dụng mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 8%/năm. Về các mức lãi suất khác, NHNN cũng thông báo cụ thể. 

MỚI - NÓNG