Choáng với giá vàng

Choáng với giá vàng
Ít ai ngờ giá vàng 22,32 triệu đồng/lượng như trong ngày 16/9. Cuối ngày, giá vàng còn 22,31 triệu đồng/lượng (Hà Nội) và 22,29 triệu đồng/lượng (TP.HCM). Dù có giảm đôi chút nhưng mức giá đó vẫn làm không ít người phải... choáng!

Tuy nhiên, mức giá này không phản ánh cung - cầu của thị trường vì chẳng mấy người mua vàng, ngược lại cũng ít người bán vàng.

Choáng với giá vàng ảnh 1

Giá vàng được niêm yết tại một cửa hàng kinh doanh vàng trên đường Phan Đình Phùng, Q Phú Nhuận, TP.HCM tối 16-9 - Ảnh: Minh Đức - Tuổi Trẻ

Giá cao vẫn khó mua

Giá vàng trong nước có kỷ lục mới do giá vàng thế giới trong ngày 16-9 tăng cao nhất lên 1.017 USD/ounce. Mức giá này còn kém gần 20 USD so với kỷ lục của giá vàng thế giới đã lập trong tháng 3/2008 (khi đó trên 1.033 USD/ounce) nhưng cũng đủ để đẩy giá vàng trong nước tăng lên mức chưa từng có. Nguyên nhân là do tỉ giá VND/USD để quy đổi giá vàng ở thời điểm này cao hơn so với đầu năm 2008.

Giá vàng thế giới đã nhảy dựng trở lại sau phát biểu của chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) là kinh tế Mỹ dường như đã thoát khỏi suy thoái nhưng chưa đủ mạnh để giảm nhanh tỉ lệ thất nghiệp. Từ đó, giới đầu cơ đã suy đoán FED sẽ duy trì bơm tiền để vực dậy nền kinh tế, việc chưa thu bớt tiền về sẽ là nguy cơ cho lạm phát trong tương lai và như vậy có lý do để mua vàng.

Các công ty vàng cho biết dù niêm yết giá cao nhưng mua 1.000-2.000 lượng/ngày cũng khó. Lý do là người dân gần đây không còn mua vàng để cất giữ nên lúc này cũng chẳng có vàng để bán.

Trái ngược với thị trường vàng miếng, hoạt động lướt sóng trên sàn vàng sôi động trong ngày 16/9. Tổng giám đốc một công ty vàng cho biết giao dịch vàng trên sàn sôi động ở cả hai chiều. Phía đoán giá lên đã bán ra chốt lời, số khác đoán sai xu hướng buộc phải mua vàng để trả nợ, cắt lỗ. Khối lượng giao dịch tính đến chiều 16/9 đã tăng gấp đôi so với những ngày trước.

Giá vàng biến động khiến hoạt động cho vay vàng để kinh doanh trên sàn tăng. Dư nợ cho vay vàng qua sàn tại một số ngân hàng lớn trong hai tuần đầu tháng 9 tăng 15-20% so với cuối tháng 8.

Làm quen với giá vàng cao

Choáng với giá vàng ảnh 2

Diễn biến giá vàng trong ngày 16 của bốn tháng gần đây - Đồ họa: Ngọc Thành - Tuổi Trẻ

Lần thứ tư giá vàng thế giới đã vượt ngưỡng 1.000 USD/ounce. Hơn một năm rưỡi trước, vào tháng 3/2008, giá vàng thế giới đã lập kỷ lục với 1.033 USD/ounce. Nhưng gần đây, với các chương trình chống suy thoái kinh tế, chưa bao giờ sức ép duy trì giá vàng ở mức cao lại lớn như lúc này. Sức ép này đã được nhân lên bội phần từ các hoạt động của giới đầu cơ trên thị trường tài chính thế giới.

Tới đây, kể cả khi các chính phủ dừng bơm tiền kích thích kinh tế thì “bóng ma” lạm phát vẫn có thể đẩy giá vàng vì việc bơm tiền hay nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ luôn có độ trễ đối với lạm phát.

Để đưa nền kinh tế ra khỏi suy thoái, chính phủ nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, đã bơm hàng trăm tỉ USD cho các chương trình kích thích kinh tế.

Giới đầu cơ đã liên tục diễn giải và cảnh báo việc này đồng nghĩa với nguy cơ lạm phát cao trong tương lai, từ đó phải tìm nơi trú ẩn cho tài sản, trong đó có vàng.

Họ nói Chính phủ Mỹ liên tục vay tiền, bơm tiền để kích thích kinh tế, như vậy USD sẽ yếu đi vì thế chuyển sang mua vàng là tốt nhất.

Trên thực tế, phần lớn các hoạt động mua vàng không phải để bảo toàn vốn mà là đầu cơ chờ giá lên nhằm hưởng chênh lệch. Đã nhiều lần do hoạt động đầu cơ, giá vàng hướng về ngưỡng 1.000 USD/ounce, nhưng sau đó rớt trở lại vì hoạt động bán để thu lời song ít khi giảm lại dưới 900 USD/ounce.

Vì vậy, khi các chương trình kích thích kinh tế vẫn còn được triển khai thì giá vàng khó giảm trở lại. Có thể tới đây, giá vàng thế giới sẽ còn nóng hơn khi lạm phát có xu hướng quay trở lại.

Ở thời điểm này, giá vàng thế giới rất nhạy cảm với những thông tin về lạm phát. Ngay cả thông tin mới đây là người tiêu dùng Mỹ thôi thắt lưng buộc bụng, chịu mua sắm trở lại cũng được giới đầu tư nhìn nhận ở đó có nguy cơ lạm phát và phản ứng tức thì là giá vàng tăng...

Với thị trường trong nước, người dân cũng đã quen việc giá vàng cao. Chính giá vàng cao đã dẫn đến sự phân hóa trong ứng xử trước các diễn biến của giá vàng. Với những người có thói quen cất giữ vàng thì án binh bất động vì giá vàng quá cao. Trước đây, 10 triệu đồng có thể mua 2 lượng vàng thì nay chưa được 5 chỉ. Đặc biệt, diễn biến của giá vàng trong năm 2008 đã khiến nhiều người xa lánh vàng.

Trong năm 2008, nhiều người mua vàng số lượng lớn để cất giữ với giá gần 20 triệu đồng/lượng nhưng sau đó vàng trở về 16-17 triệu đồng/lượng và phải đến đầu năm 2009 những người này mới gỡ được vốn khi giá vàng tăng lại.

Còn một bộ phận khá đông người dân đã tận dụng cơ hội giá vàng biến động để kinh doanh. Những người này cũng chia hai nhóm: mua/bán vàng vật chất và mua bán vàng trên tài khoản ở các sàn giao dịch vàng nhưng cùng có chung mục đích mua/bán liền tay để kiếm lời.

Nếu tính từ mốc 5 triệu đồng/lượng (năm 2001), đến nay biến động giá vàng đã kéo dài liên tục qua tám năm, quãng thời gian khá dài để người dân làm quen với giá vàng cao cũng như tính toán để không bị thiệt hại do vàng tăng giá.

Nhìn chung, các hoạt động kinh tế đã không còn bị chi phối bởi giá vàng. Kể cả bất động sản, một thời gắn chặt với “cây, lượng” thì gần đây cũng đã dần chuyển sang định giá bằng VND hay USD. Hoạt động vay vàng để sản xuất kinh doanh cũng giảm hẳn kể từ khi giá vàng tăng trên 10 triệu đồng/lượng. Trừ một số ít người vay vàng để mua nhà thì nay vẫn phải “đánh vật” với những đợt nóng sốt của giá vàng.

Nếu giá vàng tăng thêm, xu hướng trên vẫn được duy trì, ít người mua vàng cất giữ, đông người mua/bán vàng kiếm lời.

Theo A. Hồng-T.Tu
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG