Chống đô la 'chợ đen', phải xây thị trường hợp pháp

Chống đô la 'chợ đen', phải xây thị trường hợp pháp
TP - Đó là ý kiến của hai Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Trần Du Lịch và Đinh Xuân Thảo khi được hỏi về việc thị trường ngoại tệ chợ đen đóng cửa, trong khi người dân khó tiếp cận USD ở ngân hàng.

> Mua bán đô ở đâu?

Tiến sĩ Trần Du Lịch
Tiến sĩ Trần Du Lịch.

Chống nhưng phải xây

TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho biết, ông đã có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, phải sớm ban hành quy định để người dân có nhu cầu ngoại tệ chính đáng được đáp ứng.

“Quan điểm của tôi là vừa chống nhưng phải vừa xây. Làm sao thuận lợi cho người dân có nhu cầu được mua ngoại tệ hợp pháp” - Ông Lịch nói. Bởi, người dân đi học hành, du lịch, chữa bệnh tại nước ngoài rất cần ngoại tệ.

Lâu nay thị trường chợ đen hoạt động nên yêu cầu này không đặt ra cấp thiết. Giờ chúng ta xóa thị trường chợ đen thì phải có nơi để người dân tiếp cận dễ dàng ngoại tệ như ở các nước, chứ ngân hàng không thể trả lời là “tôi không có nguồn”.

Các ngân hàng thương mại phải giải quyết nhu cầu của người dân theo đúng quy định. Muốn vậy, Ngân hàng Nhà nước phải có văn bản hướng dẫn, mở rộng điều kiện cho người dân tiếp cận ngoại tệ khi có nhu cầu chính đáng.

TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng, mục tiêu là nhà nước quản lý được thị trường. Do vậy, quy định cụ thể về trách nhiệm của ngân hàng trong việc cung cấp một lượng ngoại tệ nhất định khi người dân có nhu cầu là cần thiết.

“Khi nhà nước kiểm soát tốt thị trường, lượng ngoại tệ vào ngân hàng sẽ tăng lên thì khả năng đáp ứng của ngân hàng sẽ dễ dàng hơn. Người dân bán ngoại tệ cho ngân hàng thì ngược lại, ngân hàng cũng phải có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của người dân”- Ông Thảo nói.

Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo
Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo.

Khơi thông luồng USD

TS Đinh Xuân Thảo nhận định, lâu nay chúng ta không kiểm soát được nên để một lượng tiền ngoại tệ lớn trôi nổi bên ngoài. Biện pháp siết chặt là cần thiết, với mục đích đưa ngoại tệ vào đúng luồng nhà nước quản lý.

Chúng ta thừa nhận quyền sử dụng ngoại tệ của người dân nhưng khi giao dịch trong nước là không dùng ngoại tệ mà phải quy đổi ra tiền Việt Nam đồng.

TS Đinh Xuân Thảo cho biết, trong hội thảo “Kinh tế Việt Nam: Những vấn đề đặt ra trong trung và dài hạn” ngày 11- 3, một số ý kiến đã đề cập đến việc phải có một giải pháp đồng bộ, tổng thể.

“Luồng tiền đang như mạch máu lưu thông trong cơ thể, anh không thể chặn lại được. Hay như một dòng sông, vấn đề cấp thiết là phải chỉnh luồng để dòng chảy theo đúng luồng chứ không phải ngăn lại. Nếu cấm chỗ này, chỗ kia mà không tạo ra lối thoát thì không giải quyết được tình hình”- Ông Thảo nói.

Hiện nay lượng ngoại tệ trong dân rất lớn. Cộng với lượng kiều hối gửi về thì đây là một nguồn lực trong dân. Do vậy, phải tạo điều kiện để nguồn lực này được lưu thông đúng luồng.

TS Trần Du Lịch cho rằng, khi chưa có văn bản mới thì phải tuân thủ theo Pháp lệnh Quản lý ngoại hối hiện hành và Nghị định hướng dẫn của Chính phủ. Người dân có những quyền cụ thể là được cất giữ, vận chuyển... nhưng không được bán tự do bên ngoài mà phải bán ngoại tệ cho các cơ sở thu đổi có giấy phép.

Đề xuất tăng mức xử phạt hành chính

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 202/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Trong đó, nâng mức xử phạt tối đa bằng tiền từ 70 triệu đồng lên 500 triệu đồng, tăng 714% (trên 7 lần).

Dự thảo mới quy định, phạt từ 50 đến 100 triệu đồng đối với hành vi “không bán ngoại tệ thu được cho tổ chức tín dụng”; phạt tiền từ 100 đến 200 triệu đồng đối với hành vi “bán ngoại tệ cho cá nhân lấy tiền đồng Việt Nam không đúng quy định của pháp luật”;

Mức phạt tiền từ 300 đến 500 triệu đồng đối với “hoạt động không đúng nội dung ghi trong giấy phép; tiếp tục hoạt động khi đã bị đình chỉ, hoạt động không có giấy phép”... 

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG