Dự thảo Nghị định về thanh toán bằng tiền mặt:

Chống tham nhũng bằng hạn chế dùng tiền mặt

Chống tham nhũng bằng hạn chế dùng tiền mặt
Hình thức thanh toán bằng tiền mặt thường không để lại dấu vết nên rất khó quản lý. Ngân hàng Nhà nước có động thái nào để cải thiện “hệ thống thanh toán” hiện nay?
Chống tham nhũng bằng hạn chế dùng tiền mặt ảnh 1
Thanh toán bằng tiền mặt không dễ kiểm soát. Ảnh : Nguyên Anh 

Cùng với Nghị định về chống rửa tiền, mới đây Nghị định về thanh toán tiền mặt đã được Ngân hàng Nhà nước hoàn tất dự thảo lần cuối trình Chính phủ. Nghị định về thanh toán tiền mặt điều chỉnh những hoạt động về thanh toán bằng tiền mặt như: hạn mức thanh toán, phạm vi được phép thanh toán, quy định tồn quỹ tiền mặt định mức...

PV Tiền Phong đã trao đổi với ông Ngô Hồng Nam - Vụ Chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước, thành viên Ban soạn thảo xung quanh dự thảo nghị định mới này.

Nhiều chuyên gia kinh tế nước ngoài nhận xét rằng  hiện nay Việt Nam là “nền kinh tế tiền mặt”. Đó có phải là lý do ra đời của dự thảo Nghị định không, thưa ông?

Đã có một thời chúng ta khan hiếm tiền mặt, phải đưa cả ngân phiếu vào lưu thông. Sau đó thì Quốc hội đã đồng ý cho Ngân hàng thực hiện cơ chế “Tiền thiếu bao nhiêu thì ngân hàng cứ việc...đưa vào lưu thông”. Lúc bấy giờ, gần như chúng ta đã “làm lơ” cho thanh toán tiền mặt.

Thế nhưng, đó chỉ là những sự điều chỉnh mang tính giai đoạn, đến bây giờ thì rõ ràng là chúng ta lại lạm dụng quá mức việc dùng tiền mặt, đến mức nảy sinh tiêu cực vì hình thức thanh toán bằng tiền mặt thường không...để lại dấu vết nên rất khó quản lý. Nếu để tình trạng đó diễn ra quá lâu sẽ dẫn đến không minh bạch trong các quan hệ kinh tế.

Thưa ông, Nghị định điều chỉnh ra sao đối với các thanh toán bằng tiền mặt?

Nói đến quản lý thanh toán bằng tiền mặt thì trước hết phải trả lời câu hỏi quản lý ai và quản lý như thế nào? Trước mắt Chính phủ chủ trương chỉ quản lý những doanh nghiệp có tài khoản còn chưa quản lý cá nhân có tài khoản.

Việc quản lý cũng có phân biệt giữa doanh nghiệp Nhà nước và các doanh nghiệp khác, đối với những “anh” hoàn toàn chi bằng ngân sách Nhà nước thì phải quản lý thật chặt chẽ, dành cho kho bạc chuyên trách việc quản  lý đó, còn với các doanh nghiệp khác thì tinh thần là “quản lý có mức độ”.

Dự thảo Nghị định có 3 điểm mấu chốt; thứ nhất là phạm vi thanh toán bằng tiền mặt, thì có 7 mục được phép thanh toán bằng tiền mặt như chi trả lương, chi thu mua, chi công tác phí, chi đền bù... Còn lại các khoản chi khác đều nghiêm cấm thanh toán bằng tiền mặt; thứ hai là hạn mức thanh toán bằng tiền mặt.

Các tổ chức có tài khoản khi thanh toán tiền mua hàng hoá, dịch vụ với nhau phải thanh toán bằng các phuơng thức thanh toán không dùng tiền mặt, những khoản thanh toán nhỏ có thể được thanh toán bằng tiền  mặt theo mức, đối với “khu vực nhà nước” là không quá 5 triệu đồng một khoản chi, còn các “khu vực” khác không quá 10 triệu đồng một khoản chi.

Thứ ba là định mức tồn quỹ tiền mặt, Kho bạc Nhà nước quy định tồn quỹ tiền mặt cho các tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước. Tại các tổ chức không sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước, chủ tài khoản phải quy định mức tồn quỹ tiền mặt cho tổ chức mình và theo dõi thực hiện hàng ngày theo chế độ kế toán - tài chính. 

Hiện nay đa số các Ngân hàng thương mại đều không thu phí sử dụng tiền mặt, việc Nghị định đưa quy định về phí sử dụng tiền mặt vào dự thảo liệu có tạo ra tiền lệ xấu?

Bằng hình thức này hay hình thức khác thì các ngân hàng đều có thu phí, ví như phí “kiểm đếm”... Tuy nhiên, trong dự thảo đưa phí sử dụng tiền mặt vào chỉ mang tính hình thức. Mức thu và cách thu do Ngân hàng Nhà nước quy định.

Việc xử lý vi phạm về thanh toán tiền mặt được quy định như thế nào trong Dự thảo, thưa ông?

Vi phạm tồn quỹ tiền mặt định mức và vi phạm hạn mức thanh toán bằng tiền mặt, có thể lập hồ sơ truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hội đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Mức phạt vi phạm hành chính theo tỷ lệ % trên số tiền vi phạm.

Đặt ra vấn đề hạn chế thanh toán tiền mặt, về phía Ngân hàng Nhà nước có động thái nào để cải thiện “hệ thống thanh toán” hiện nay?

Đúng là “nói đi thì cũng phải có nói lại”. Tại sao mọi người lại “thích” dùng tiền mặt, vì nó không để lại dấu vết thì đã đành nhưng cũng phải công nhận là hệ thống thanh toán hiện nay của ngân hàng chưa phát triển đủ để đáp ứng nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt, hơn nữa là do “độc quyền” nên phí chuyển khoản hiện nay cũng đang bị các doanh nghiệp kêu là quá cao.

Dĩ nhiên là cùng với việc soạn thảo Nghị định về thanh toán tiền mặt, thời gian qua về phí ngân hàng cũng đã có nhiều hoạt động nhằm cải tiến mạnh mẽ hệ thống thanh toán theo hướng có lợi nhất cho khách hàng.

Ông bình luận gì về những ý kiến cho rằng Nghị định về thanh toán tiền mặt khi ra đời sẽ góp phần “đẩy lùi” tham nhũng, và bao giờ thì Nghị định sẽ được Chính phủ ban hành?

Tôi hoàn toàn đồng ý với những ý kiến trên, tuy nhiên mục đích của Nghị định chỉ là vấn đề thanh toán tiền mặt, dĩ nhiên là thông qua việc quản lý tốt việc thanh toán để minh bạch hoá các hoạt động kinh tế thì cũng sẽ góp phần chống tham nhũng.

Ngân hàng Nhà nước không có thẩm quyền trả lời thời gian ban hành Nghị định, hiện nay chúng tôi chỉ được thông báo là Chính phủ đã đồng ý về nội dung của dự thảo và sẽ lựa chọn thời điểm thích hợp để ban hành. Trong điều hành kinh tế vĩ mô, việc hạn chế thanh toán tiền mặt có liên quan đến vấn đề lạm phát cho nên dự kiến Nghị định về chống rửa tiền sẽ được ban hành trước để “thăm dò” sự tiếp nhận của nền kinh tế.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Nữ thủ khoa tốt nghiệp sớm loại xuất sắc
Nữ thủ khoa tốt nghiệp sớm loại xuất sắc
TPO - Cùng với điểm GPA 3.79/4.00, xếp loại tốt nghiệp Xuất sắc và nhiều thành tích nổi bật, Lê Thị Bích Đào, chuyên ngành Kinh tế đối ngoại đã trở thành tân thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn. Nữ thủ khoa còn gây ấn tượng khi hoàn thành chương trình học chỉ trong 3,5 năm, tốt nghiệp sớm hơn so với các bạn sinh viên cùng khóa.