Chống tham nhũng, lãng phí bằng thẻ mua bán Chính phủ

Chống tham nhũng, lãng phí bằng thẻ mua bán Chính phủ
TP - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ trở thành cơ quan thí điểm sử dụng thẻ mua bán Chính phủ vào năm 2007, trước khi chương trình được triển khai rộng rãi tại các cơ quan Chính phủ trong năm 2008.

Thẻ mua bán Chính phủ sẽ là công cụ hữu hiệu trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí khi mua sắm tài sản công.

Trao đổi với Tiền phong, Trưởng Ban thanh toán NHNN - Bùi Quang Tiên cho biết: Trong Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt do NHNN soạn thảo dự kiến trình Chính phủ vào tháng 8/2006; trong đó NHNN sẽ đề xuất lộ trình từ năm 2007-2008 triển khai áp dụng thẻ mua bán Chính phủ.

Nếu đề án được duyệt, NHNN có thể sẽ tiên phong thực hiện thí điểm tại ngành mình. Có thể NHNN sẽ đề xuất với Chính phủ chọn 1 bộ, ngành; địa bàn tỉnh thành phố nào đó có công nghệ viễn thông, điều kiện tự nhiên tốt để áp dụng thí điểm.

Theo ông Tiên, phương án sử dụng thẻ mua bán Chính phủ nếu được thông qua sẽ được dùng trong tất cả các chi tiêu của ngành có liên quan đến lĩnh vực mua sắm tài sản công thay vì dùng tiền mặt như hiện nay (áp dụng hình thức thanh toán bằng thẻ hoặc các công cụ như: séc, chuyển khoản, ủy nhiệm chi...).

Ông Tiên cho hay: “Về cơ bản thì mọi khoản chi của đơn vị có sử dụng ngân sách Nhà nước khi giao dịch qua kho bạc đều phải mở tài khoản tại KBNN. Đó cũng là hình thức kiểm soát thu chi”.

“Chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm sẽ hiệu quả hơn nếu ngoài những quy định về định mức chi tiêu, mua sắm chúng ta có thể hạn chế dùng tiền mặt ở những nơi sử dụng tiền công, tiền dự án”- Tiến sĩ Nguyễn Đại Lai - Phó Vụ trưởng Vụ phát triển chiến lược NHNN Việt Nam nhận định.

Theo ông sở dĩ nạn chạy chức quyền, mua sắm lãng phí tài sản công xảy ra như hiện nay một phần do việc dùng tiền mặt chi tiêu lớn. Nếu mọi giao dịch mua bán của một cán bộ nhà nước hay một quan chức Chính phủ đều qua hệ thống ngân hàng thanh toán thì trong trường hợp có bất cứ dấu hiệu nghi ngờ, người ta có thể kiểm tra, kiểm soát ngay các luồng thanh toán đó một cách dễ dàng.

Theo ông Bùi Quang Tiên, hiện NHNN đã hoàn thiện dự thảo Nghị định Quy định về thanh toán bằng tiền mặt để trình Chính phủ. Điểm nhấn cơ bản là các đơn vị sử dụng NSNN, DNNN, Ban quản lý dự án khi chi trả tiền cho bên thụ hưởng phải sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt để chi trả, trừ trường hợp bên thụ hưởng không có tài khoản tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, Kho bạc Nhà nước.  

* TS Nguyễn Đại Lai, Phó vụ trưởng Vụ Phát triển chiến lược NHNN cho biết: Hiện tỷ lệ sử dụng tiền mặt thanh toán  ở Việt Nam xấp xỉ 21,5%. Trong khi đó Malaysia, Nhật, Singapore chỉ khoảng trên dưới 10%; Thụy Điển (2%); Na Uy 1%.

* Theo tập đoàn Visa, bản báo cáo về “Mức tiêu dùng thương mại” dự đoán chi tiêu kinh doanh và chi tiêu Chính phủ trong khu vực châu Á Thái Bình Dương năm nay sẽ vượt 16 ngàn tỷ USD. Các nước  và vùng lãnh thổ Úc, Hồng Kông, Niu -di -lân, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan đã thực hiện các chương trình dành cho Chính phủ làm tăng tính minh bạch trong giao dịch tài chính.

Chính phủ Hàn Quốc đã áp dụng việc sử dụng thẻ thanh toán trong các chương trình  du lịch, giải trí mua bán và chi tiêu tại 54 cơ quan của mình. Hàng tháng, nhờ việc sử dụng Thẻ mua bán Chính phủ, Chính phủ Anh đã tiết kiệm được 14,6 triệu USD.

MỚI - NÓNG