Chủ đầu tư BOT cần công khai tổng doanh thu trên internet

TPO - Cơ quan quản lý cần giám sát thu phí bằng việc lắp đặt hệ thống đếm xe tự động, công khai doanh thu trên internet để cơ quan quản lý nhà nước và người dân giám sát rõ ràng.

Đó là ý kiến được chuyên gia của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương đưa ra trong Hội thảo “Cắt giảm chi phí doanh nghiệp – thực trạng và đề xuất” tổ chức chiều ngày 24/8.

Theo đó, nguyên nhân gây ra tình trạng chi phí vận tải đường bộ, đặc biệt đường BOT ngày càng tăng do Thông tư 159/2013/TT BTC cho phép phí đường BOT tăng nhanh. Một số  dự án (DA) BOT giao thông khai báo doanh thu thấp hơn thực tế. Hơn nữa, Nghị định 15/2015 NĐ CP cho phép DN dự án BOT vay vốn quá nhiều, lên tới 90% và không bắt buộc đấu thầu chọn nhà thầu thi công. Bộ GTVT hoặc Bộ Tài chính cho phép DN BOT lãi 11% trên tổng dự toán đầu tư khi chưa có kết quả quyết toán và kiểm toán công trình.

Để giải quyết thực trạng trên, CIEM kiến nghị nhiều giải pháp để giảm chi phí vận tải, nhất là chi phí BOT cho DN như kiến nghị Ban chỉ đạo nhà nước về PPP tăng cường giám sát các DA BOT giao thông; Sửa nghị định 15/2015 theo hướng bắt buộc đấu thầu xây dựng dự án BOT, chỉ chấp nhận vốn vay 70% vốn sở hữu phải có nguồn gốc rõ ràng. Cơ quan quản lý không cho nhà đầu tư thu phí trước để tạo nguồn vốn cho các giai đoạn tiếp theo. Các quỹ dài hạn như quỹ bảo hiểm xã hội để cho vay đầu tư vào DA BOT với mức lãi suất thấp hơn lãi suất thương mại.

“Cơ quan quản lý cần giám sát thu phí bằng việc lắp đặt hệ thống đếm xe tự động, công khai doanh thu trên internet để cơ quan quản lý nhà nước và người dân giám sát rõ ràng. Như đoạn đường BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, từ khi có giám sát nguồn thu từ 2016 đến nay, doanh thu tăng nhiều hơn so với trước”, đại diện CIEM cho biết.

Đại diện CIEM chỉ ra ví dụ phí BOT ngày càng tăng. “Nhiều DN xuất khẩu phàn nàn, phí vận chuyển hàng hoá từ  TP HCM ra cảng Hải Phòng bằng phí chuyển hàng từ TP HCM đi Nhật Bản”, đại diện nhóm nghiên cứu của CIEM nói.

MỚI - NÓNG