Chủ khách sạn sáng chế điện gió

Ông Nguyễn Đức Tuấn bên hệ thống điện gió tự chế tạo - Ảnh: Nguyễn Chung
Ông Nguyễn Đức Tuấn bên hệ thống điện gió tự chế tạo - Ảnh: Nguyễn Chung
Ông Nguyễn Đức Tuấn (55 tuổi, ngụ đường Dã Tượng, P.Vĩnh Nguyên, TP.Nha Trang), một chủ khách sạn, đã chế tạo thành công máy phát điện từ sức gió, phục vụ sinh hoạt gia đình, đồng thời mở ra khả năng "phổ cập điện gió" cho nhiều vùng heo hút.

Năm 2013, xem ti vi thấy chương trình nói về các nguồn năng lượng sạch, trong đó có năng lượng từ gió, ông Tuấn trăn trở: “Tại sao mình không thử làm máy phát điện từ sức gió?”. Quyết tâm làm, ông Tuấn lên mạng tìm hiểu về điện, hàn, khoan, cắt; sau đó mua mô tơ, sắt thép, máy khoan, máy hàn… một mình vác lên sân thượng hì hục chế tạo. Đầu tiên, ông dựng hai tháp sắt, mỗi tháp cao hơn 3 m, bốn trụ gắn vào nền sân thượng. Tiếp đó, ông cắt cánh quạt, gầu đón gió, đấu nối dây điện, lắp đặt trục quay, ắc quy… lên tháp. Có những bộ phận làm xong, ông phải phá bỏ, làm lại cả chục lần mới đạt.

Tại mỗi tháp sắt, ông Tuấn thiết kế hệ thống đón gió khác nhau: trục ngang và trục đứng. Hệ thống trục ngang gồm 8 cánh quạt nhôm, mỗi cánh dài 1,5 m; hệ thống trục đứng ông cắt nhôm, uốn cong, tạo thành các gầu gió. “Cánh quạt và gầu nhờ sức gió kéo mô tơ phát ra điện. Nguồn điện được đưa vào bình ắc quy trữ lại và đưa qua bộ biến điện thành dòng điện 220 V. Từ đó, gia đình có thể sử dụng nguồn điện này để phát sáng đèn và chạy quạt”, ông Tuấn cho biết.

Theo ông Tuấn, cả hai hệ thống trục đứng và trục ngang đều có ưu điểm và hạn chế. Trục ngang có thể đón gió đồng đều ở mọi cánh, tốc độ vòng quay nhanh để mô tơ đủ sạc vào bình ắc quy; nhưng có nhược điểm là khi gió trở chiều, vòng quay không ổn định. Hệ thống trục đứng đón được tất cả các hướng gió, nhưng tốc độ vòng quay chậm. Để khắc phục, ở hệ thống trục ngang, ông Tuấn thiết kế một bánh lái lớn ở đuôi cánh quạt nhằm lái cánh quạt luôn đón được hướng gió; với hệ thống trục đứng, ông tăng vòng tua lớn hơn.

Ông Tuấn tính toán, với điện gió ông chế tạo, mỗi hộ gia đình chỉ cần lắp đặt một máy, chi phí khoảng 15 triệu đồng, là sử dụng được đèn và quạt. “Mới đây có sư trụ trì của một ngôi chùa ở xã Vĩnh Lương, TP.Nha Trang, đến đặt làm một máy phát điện từ sức gió cho chùa. Tôi nhận lời giúp. Mình chưa nghĩ đến lợi nhuận, chỉ nghĩ đây là niềm vui, được thỏa đam mê”, ông Tuấn hồ hởi.

“Máy phát điện của tôi mới chủ yếu sử dụng để phát sáng, chạy quạt. Tôi còn phải hoàn thiện hơn, cải tiến sản phẩm của mình để dùng được nhiều thiết bị khác”, ông Tuấn chia sẻ.

Post by Báo Tiền Phong.

Theo Theo Thanh Niên
MỚI - NÓNG