Chủ tịch Eximbank chủ động xin thôi nhiệm

Chủ tịch Eximbank Lê Hùng Dũng (trái) tự nhận mình là người làm thuê, chấp nhận bị mắng nhiếc khi làm không giỏi. Ảnh: Lệ Chi/VnExpress
Chủ tịch Eximbank Lê Hùng Dũng (trái) tự nhận mình là người làm thuê, chấp nhận bị mắng nhiếc khi làm không giỏi. Ảnh: Lệ Chi/VnExpress
Chủ tịch Eximbank Lê Hùng Dũng chia sẻ, bản thân mình là người đi làm thuê nên luôn chấp nhận cuộc chơi khắc nghiệt "làm giỏi thì được khen còn chưa giỏi thì bị chê, thậm chí bị mắng nhiếc". Với kết quả hoạt động kinh doanh trong năm qua chưa khả quan, ông cho biết bản thân ông đã xin thôi nhiệm chứ không cần chờ cổ đông yêu cầu từ chức.

Những người làm ngân hàng hôm qua dành sự chú ý đặc biệt tới đại hội cổ đông muộn của Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Cả hai cùng diễn ra vào buổi sáng, trễ ba tháng so với các đại hội thường niên thông lệ. Và cả hai cùng đối mặt với áp lực của cổ đông khi các số liệu kinh doanh công bố rất bết bát.

Là nhà băng thuộc top 5 ngân hàng cổ phần hàng đầu với vốn điều lệ hơn 12.000 tỷ đồng, vậy mà Eximbank công bố lợi nhuận trước thuế của năm 2014 chưa tới 69 tỷ đồng và không chia cổ tức cho cổ đông. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng lên 2,46% từ mức 1,98% cuối năm 2013.

Còn DongA Bank, năm qua đạt 35 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, bằng 7% kế hoạch năm và cũng không chia cổ tức cho cổ đông. Nợ xấu của DongA Bank trên 3,7%, tương ứng số tiền gần 2.000 tỷ đồng.

Với những kết quả kinh doanh kém khả quan trên, đại hội cổ đông của hai ngân hàng "nóng như chảo lửa" khi nhiều cổ đông đề nghị Hội đồng quản trị từ chức.

Một cổ đông của DongA Bank chỉ ra rằng một ngân hàng lớn mạnh trong nhiều năm qua nay không thể cạnh tranh tốt trên thị trường, không phát triển được như trước, phần lớn là do nợ xấu. Kết quả kinh doanh vì thế cũng thấp và cổ đông không được nhận cổ tức. Bà cho rằng Hội đồng quản trị cũ là những người giỏi nhưng có thể do yếu tố tuổi tác nên không còn linh hoạt, nhạy bén vì vậy đề nghị nên nhường lại cho những người trẻ, năng động điều hành để vực dậy ngân hàng.

Với dàn lãnh đạo của Eximbank, áp lực nặng nề hơn gấp bội. Vài cổ đông thay nhau chất vấn với hàng chục câu hỏi, mà câu nào cũng như xát muối vào lòng những người ngồi bàn chủ tọa. Một số cổ đông không ngại buông lời chì chiết như "Hội đồng quản trị chỉ là người làm thuê, không tạo ra được lợi nhuận và chia cổ tức cho cổ đông nhưng nhận thù lao liệu có thấy xấu hổ". Số khác căn vặn chuyện lợi nhuận thấp mà thù lao lãnh đạo lại cao và thẳng thừng yêu cầu Hội đồng quản trị từ chức, đề nghị Ngân hàng Nhà nước cử Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc là người có chuyên môn, trình độ, có cổ phần nhiều, để họ có tâm huyết với ngân hàng, thúc đẩy ngân hàng phát triển hơn.

Thực ra kết quả kinh doanh trong năm qua của Eximbank không hề thấp, lợi nhuận làm ra đạt hơn 1.900 tỷ đồng, nhưng ngân hàng lại dành tới 1.800 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro (xuất toán lãi dự thu 675 tỷ, trích dự phòng cụ thể 630 tỷ, trích dự phòng nợ bán cho VAMC 184 tỷ và dự phòng cho đầu tư tài chính 80 tỷ, hủy việc chuyển nhượng hai tài sản là 285 tỷ) dẫn đến lợi nhuận sau trích lập dự phòng giảm mạnh. 

Nhũn nhặn một cách khó lý giải, các vị đứng đầu Hội đồng quản trị và Ban điều hành Eximbank không ai phản kháng, mà chỉ nhận trách nhiệm và xin lỗi. Tổng giám đốc Eximbank Phạm Hữu Phú xin nhận toàn bộ trách nhiệm với vai trò người đứng đầu ban điều hành và cho rằng, nếu cổ đông thấy ban lãnh đạo yếu kém và không hoàn thành trách nhiệm thì ông sẵn sàng xin từ chức để người có năng lực hơn điều hành.

Chủ tịch Eximbank Lê Hùng Dũng bên cạnh việc giãi bày thời gian qua không thể lường trước được việc bất động sản đóng băng, thị trường khó khăn. Ông cũng chia sẻ, bản thân mình là người đi làm thuê nên luôn chấp nhận cuộc chơi khắc nghiệt "làm giỏi thì được khen còn chưa giỏi thì bị chê, thậm chí bị mắng nhiếc". Với kết quả hoạt động kinh doanh trong năm qua chưa khả quan, ông thay mặt Hội đồng quản trị xin lỗi cổ đông và cho biết bản thân ông đã xin thôi nhiệm chứ không cần chờ cổ đông yêu cầu từ chức. Do đó, ông không tiếp tục ứng cử vào hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới.

Ông Trần Phương Bình, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á cũng mở đầu đại hội bằng việc xin lỗi cổ đông vì ngân hàng đã không đạt các chỉ tiêu kinh doanh đề ra. Ông cho biết đây không phải lời nhận lỗi suông và hứa sẽ tích cực xử lý nợ xấu trong thời gian tới. Đồng thời ông thông tin thêm, việc chưa trình danh sách Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới là muốn có  thời gian để lựa chọn những người trẻ, tài năng nhằm thay thế và vực dậy ngân hàng.

Trước đó, một số cuộc họp đại hội cổ đông của Techcombank, NamA Bank, HDBank... cũng "dậy sóng" với những chất vấn của cổ đông về vấn đề cổ tức. Cổ đông Ngân hàng Phát triển TP HCM - HDBank được chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 5% vẫn không thấy thỏa đáng và đồng loạt kiến nghị chuyển sang chi trả tiền mặt. Và lần đầu tiên trong lịch sử đại hội ngân hàng, các cổ đông nhỏ lẻ đã giành phần thắng trong việc "mặc cả" chuyển cổ tức bằng cổ phiếu sang tiền mặt.

Năm 2014, nhiều ngân hàng đã không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận như chỉ tiêu đề ra, đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng do bối cảnh kinh tế năm có nhiều khó khăn. Chính vì vậy, ban lãnh đạo nhiều ngân hàng khá đau đầu trước việc phải giải thích cho các cổ đông thông cảm. "Cổ đông thì đa dạng, người hiểu tình hình thì có thể thông cảm. Nhưng nhiều người không nắm rõ việc kinh doanh trong ngành sẽ rất khó để giải thích cho họ", lãnh đạo một ngân hàng có kết quả kinh doanh kém khả quan tâm sự.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục 2 Cơ quan giám sát Ngân hàng Nhà nước cho rằng, trong bối cảnh tái cơ cấu, một số ngân hàng phải trích lập dự phòng, quy mô có thể chưa tương xứng với kết quả thu về nhưng phải đặt mục tiêu an toàn hoạt động lên hàng đầu. Trong số các ngân hàng tại TP HCM, có 6 ngân hàng được chia cổ tức, 7 ngân hàng không được chia cổ tức năm 2014.

Ông nói thêm, trước đây nhiều ngân hàng vì quyền lợi trước mắt cho cổ đông đã công bố lợi nhuận cao và mạnh tay chia cổ tức bằng tiền mặt mà không coi trọng yếu tố an toàn hoạt động hệ thống, dẫn đến những hệ quả đáng tiếc ở một số ngân hàng, cổ đông thậm chí mất luôn cả vốn. Do đó, ông hy vọng cổ đông sẽ cân nhắc kỹ lưỡng, dựa trên lợi ích tổng thể hài hòa giữa ngân hàng và cá nhân cổ đông.

Một chuyên gia kinh tế tại TP HCM cho rằng, ông rất chia sẻ với cổ đông vì một khi đã bỏ tiền đầu tư thì cuối năm chỉ mong có cổ tức. Tuy nhiên, trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, theo ông vấn đề quan trọng nhất mà các cổ đông nên chất vấn ban điều hành ngân hàng chính là những giải pháp để đối phó với những bất ổn của nền kinh tế; sẽ làm gì để giảm thiểu rủi ro tác động đến hoạt động kinh doanh trong thời gian tới, chứ không nên quá xoáy sâu vào chuyện quá khứ.

Cũng theo ông, việc thua lỗ trong năm qua chưa phải là tất cả nên các cổ đông không nên quá bi quan. Chẳng hạn như Eximbank, mặc dù trong năm 2014 lợi nhuận trước thuế chỉ còn 69 tỷ đồng nhưng trong 6 tháng đầu năm 2015, ngân hàng này đã đạt lợi nhuận 570 tỷ đồng, tương đương 57% kế hoạch năm, cuối năm 2015 sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra.

"Đây là một minh chứng cho thấy ngân hàng hoạt động chưa tốt trong năm trước hoàn toàn có cơ hội tìm lợi nhuận khả quan trong năm nay nếu có một kế hoạch kinh doanh tốt", ông nói.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.