Chủ tịch FLC nói gì về các hãng hàng không hiện nay?

Chủ tịch FLC nói gì về các hãng hàng không hiện nay?
TPO - Chiều 26/7, tại Hội thảo “Phát triển hàng không - Chắp cánh du lịch Việt Nam”, Chủ tịch Tập đoàn FLC đã đưa ra những phân tích về các hãng hàng không hiện nay, và tự tin hãng hàng không Bamboo Airways sẽ thành công.

Nên cưỡng chế bay tới các sân bay nhỏ

Theo ông Trịnh Văn Quyết, các hãng hàng không hiện nay của Việt Nam chỉ lựa chọn bay các “đường bay vàng”, với siêu lợi nhuận, như đường bay Hà Nội – TPHCM.

Chủ tịch FLC đưa ra tính toán, với một máy bay Airbus như của hãng Bamboo Airways sắp thuê, giá thuê từ 400.000 – 500.000 USD/tháng (tương đương 10 tỷ đồng/tháng), 10 máy bay là 100 tỷ đồng/tháng. Mỗi máy bay chi phí xăng dầu hết 23 tỷ đồng/tháng, chi phí khác khoảng 6 tỷ đồng/tháng. Tổng chi phí cho 1 máy bay khoảng 40 tỷ đồng/tháng.

Mỗi máy bay khai thác khoảng 6 chuyến/ngày (đi và về), mỗi bay bay sức chứa khoảng 200 chỗ ngồi. Với giá vé khứ hồi bình quân khoảng 5,4 triệu đồng/người, mỗi chuyến hãng hàng không thu về 1,1 tỷ đồng, 1 ngày bay 6 chuyến sẽ thu về 3,3 tỷ đồng/máy bay, 1 tháng sẽ thu về 99 tỷ đồng (nếu lấp đầy chỗ).

Trường hợp, mỗi chuyến bay chỉ lấp đầy 30-40%, vẫn còn khoảng 60 tỷ đồng doanh thu. Như vậy, mỗi máy bay vẫn có lãi từ 1-1,5 triệu USD, 10 máy bay lãi trên 10 triệu USD. Trong khi đó, mỗi hãng hiện khai thác từ 20-40 máy bay cho đường bay vàng. Sau khi trừ chi phí, bù lỗ các đường bay không hiệu quả, hãng hàng không vẫn có lợi nhuận. “Lợi nhuận vậy nên hãng nào cũng khai thác đường bay Hà Nội – TPHCM, dẫn tới các sân bay lớn bị quá tải”, ông Quyết kết luận.

Với các đường bay khác, như Hà Nội – Đà Nẵng/Quy Nhơn, giá vé khứ hồi bình quân 6 triệu đồng/người, cao hơn cả đường bay Hà Nội – TPHCM dù gần hơn.

Theo ông Quyết, từng có lần cả UBND tỉnh Thanh Hoá, Bình Định và FLC đề nghị các hãng hàng không mở đường bay Thanh Hoá – Quy Nhơn, nếu lỗ các địa phương sẽ bù, hoặc FLC bù, nhưng không hãng nào bay.

Do đó, theo ông Quyết, cơ quan quản lý nhà nước (Bộ GTVT) cần có giải pháp cưỡng chế các hãng hàng không phải bay tới các sân bay phụ cận, thay vì chỉ bay Hà Nội – TPHCM, sẽ giảm tải được các sân bay lớn. Qua đó cũng tạo thuận lợi cho người dân các địa phương khác đi lại thuận lợi, thay vì phải dồn về Hà Nội và TPHCM để đi hàng không.

Làm lớn để không thất bại

Nói về thời điểm cất cánh của Bamboo Airways, Chủ tịch FLC cho biết, thời gian xin cấp phép sẽ mất vài tháng, sớm phải ngày 10/10 tới mới bay chính thức (trước đó sẽ có bay thử). Bamboo ra đời với mục tiêu kết nối khách hàng tới các khu nghỉ dưỡng của FLC trên cả nước, cả 2 cùng kết hợp.

“Chúng tôi chuẩn bị rất cẩn thận thì không có lý do gì không thành công. Nếu hãng hãng không của chúng tôi không thành công, các hãng khác cũng không thành công”, ông Quyết quả quyết.

Theo ông Quyết, các hãng hàng không trước đây ra đời chỉ khai thác 1-3 máy bay, còn FLC ngay lập tức khai thác 20 chiếc trong năm 2018. “Hiện chúng tôi đã ký hợp đồng thuê máy bay, đợi cấp phép là đưa về bay. Phải có nhiều máy bay để hành khách đặt vé là được ngay, không phải chuyển hãng khác. Nếu chúng tôi chỉ bay vài chuyến cũng sẽ chết yểu như các hãng trước đây”, Chủ tịch FLC nêu quan điểm.

Ông Quyết cũng không ngần ngại tiết lộ một số đường bay Bamboo Airways sẽ khai thác, như Hà Nội/TPHCM/Vân Đồn, Thanh Hoá/Quảng Bình - Quy Nhơn; Thanh Hoá – Cần Thơ… Đây đều là những đường bay các hãng hàng không hiện nay chưa hoặc ít khai thác, kết nối các điểm nghỉ dưỡng của FLC. Xa hơn là bay tới các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ…

MỚI - NÓNG