Chủ tịch Quốc hội cảnh báo về TPP

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị thúc đẩy sản xuất trong nước để hạn chế nhập khẩu khi TPP chính thức có hiệu lực. Ảnh: Dũng Nguyễn
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị thúc đẩy sản xuất trong nước để hạn chế nhập khẩu khi TPP chính thức có hiệu lực. Ảnh: Dũng Nguyễn
TPO - Phải quyết liệt, nếu không các nước sẽ lợi dụng TPP để hưởng lợi. Đó là cảnh báo và cũng là đề nghị của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch trong năm 2016 vào chiều 12/10.

Đề cập đến các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị phải đặc biệt quan tâm tới vấn đề hội nhập trong thời gian tới. 

Theo Chủ tịch Quốc hội, sau khi  Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc đàm phán, dự kiến đến tháng 11 hoặc tháng 12 này có thể ký kết được. Đến tháng 3, hoặc tháng 4 năm sau, Quốc hội có thể phê chuẩn thông qua, chậm nhất là đến cuối năm 2016. Mặc dù thời gian vẫn còn, song Chủ tịch Quốc hội đề nghị “phải có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ”.

Gia nhập TPP tình hình nhập siêu có khả năng lớn lên. Báo cáo kinh tế xã hội nói dưới 5% nhưng theo Chủ tịch Quốc hội thì rất khó để có được con số này, vì tăng trưởng sẽ kéo theo phải nhập khẩu vật tư nguyên liệu, thiết bị, phụ tùng… Nhập siêu tăng dẫn tới thiếu ngoại tệ khiến việc ổn định tỷ giá sẽ khó khăn.

Muốn hạn chế nhập siêu, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, phải tập trung vào chính những ngành nghề mà khả năng nhập siêu lớn. Thực tế, nhiều ngành nghề từ thức ăn gia súc, thuốc trừ sâu, thiết bị, phụ tùng, mặt hàng thuốc, rồi đến một thế mạnh rất lớn là dệt may, giày dép cũng phải nhập vật tư lớn.

“Muốn hạn chế nhập siêu phải đẩy mạnh sản xuất trong nước. Muốn vậy phải sản xuất cho được vật tư, phụ tùng, máy móc, nguyên liệu. Giảm nhập siêu đồng thời cũng cạnh tranh được, nếu không các nước sẽ lợi dụng TPP của mình để xuất hàng vào, người ta dựa vào sản xuất của mình để hưởng lợi. Trước tình hình như vậy cần phải có các giải pháp hết sức quyết liệt”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đề nghị kế hoạch 5 năm và mục tiêu nhiệm vụ 5 năm tới sẽ phải cố gắng ban hành Nghị quyết vào kỳ họp thứ 11. Cái yếu nhất và đáng lo nhất theo Chủ tịch Quốc hội là kinh tế vĩ mô, nhưng nhất thiết phải giữ được ổn định như chỉ tiêu đề ra.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị Chính phủ cần đánh giá tác động hội nhập với đời sống của nông dân, bởi ngay trong năm nay đã có vấn đề với sản phẩm mà nông dân làm ra. 

Ngoài ra, theo bà Mai, cung cầu thị trường lao động là quy luật quan trọng, lao động phổ thông dịch chuyển giữa các khu công nghiệp nhanh, gây khó khăn cho tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 

Bà Mai dự báo, cơ cấu lao động tới đây sẽ tiếp tục chuyển dịch từ khu vực phi chính thức chuyển sang chính thức. Theo dự kiến, tới đây sẽ có 8 ngành nghề được dịch chuyển tự do đối với các nước ASEAN.

Bên cạnh đề nghị tới đây mức lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu, bà Mai cũng lưu ý đến việc đảm bảo an sinh xã hội, trong đó tập trung vào hai yếu tố: mở rộng đối tượng và nâng cao chất lượng an sinh.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.