Chủ tịch Tập đoàn Masan vui khi VinCommerce giảm lỗ, doanh thu tăng vọt

Chủ tịch Tập đoàn Masan vui khi VinCommerce giảm lỗ, doanh thu tăng vọt
Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (HOSE: MSN, “Masan” hoặc “Công ty”) công bố kết quả kinh doanh Quý 1 năm 2020 (“1Q2020”). Theo báo cáo tài chính, doanh thu thuần Quý 1/2020 đạt mức 4,625 tỷ đồng, tăng 22,4% so với Quý 1/2019.

Cụ thể hơn, báo cáo cho thấy doanh thu hợp nhất Masan Group tăng gấp đôi trong Quý 1/2020, mảng tiêu dùng bán lẻ tăng trưởng vượt bậc, VinCommerce hướng đến mục tiêu hòa vốn. Cũng trong Quý 1/2020, doanh thu hợp nhất Masan Group tăng trưởng 116,1%, mảng bán lẻ từ VinCommerce doanh thu tăng trưởng 40%

Chủ tịch Masan cảm ơn đội ngũ điều hành

Theo báo cáo tài chính, doanh thu thuần Quý 1/2020 đạt mức 4,625 tỷ đồng, tăng 22,4% so với Quý 1/2019. Doanh thu thuần của ngành hàng Thực phẩm tiện lợi tăng 59,7%, ngành hàng Thịt chế biến tăng gấp 3 do nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tại nhà gia tăng trong mùa dịch.

Danh mục các sản phẩm cao cấp và giá trị gia tăng tiếp tục tăng trưởng: đóng góp của các sản phẩm nước mắm cao cấp tăng từ mức 12% trong Quý 1/2019 lên 14% trong Quý 1/2020. Đóng góp của các sản phẩm thực phẩm tiện lợi cao cấp tăng từ mức 48% trong Quý 1/2019 lên 53% trong Quý 1/2020.

So với mức doanh thu 3.192 tỷ đồng vào Quý 1/2019, doanh thu Quý 1/2020 tăng 6,4% đạt 3.397 tỷ đồng.

Cụ thể hơn, trong quý 1 này,  VinCommerce (“VCM”) đạt tăng trưởng doanh thu thuần 40% trong Quý 1/2020. Lợi nhuận cải thiện đáng kể với biên EBITDA trong Quý 1/2020 đạt mức (5.1)%, tăng lên so với mức (9.1)% và (10.7)% lần lượt vào Quý 1/2019 và Quý 4/2019.

Đề cập đến kết quả kinh doanh của mảng dịch vụ thương mại bán lẻ này, Chủ tịch Tập đoàn Masan Group, ông Nguyễn Đăng Quang không ngần ngại bộc bạch: “Thật sự, tôi đã không nghĩ rằng VinCommerce có thể chuyển đổi nhanh như vậy” .

Chủ tịch Tập đoàn Masan vui khi VinCommerce giảm lỗ, doanh thu tăng vọt ảnh 1

Ông Nguyễn Đăng Quang

Theo ông Quang, mức lỗ của VinCommerce trong Quý 1/2020 đã giảm một nửa và doanh thu tăng trưởng 40% so với Quý 1/2019. “Nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là kết quả ngắn hạn do tác động của COVID-19, nhưng tôi tin rằng khó khăn và thách thức luôn là động lực để kích hoạt sự đổi mới”, ông Quang khẳng định.

Cũng theo người đứng đầu Tập đoàn Masan, COVID-19 khiến lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam chuyển đổi cấu trúc nhanh chóng hơn theo hướng bán lẻ hiện đại để phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới và tốc độ của quá trình này sẽ ngoài sức tưởng tượng của chúng ta.

“Với quy mô hoạt động và mối quan hệ hợp tác mật thiết với hàng trăm ngàn điểm bán lẻ truyền thống trên cả nước, Masan cùng các đối tác sẽ thúc đẩy xu hướng bán lẻ hiện đại nhằm mang đến những lợi ích tốt nhất và trải nghiệm vượt trội cho người tiêu dùng. Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến đội ngũ lãnh đạo và toàn thể nhân viên Masan, đặc biệt là đội ngũ VinCommerce – những người đã tạo nên kỳ tích này”, chủ tịch Nguyễn Đăng Quang chia sẻ.

Phân tích thêm các kết quả kinh doanh có thể thấy, Masan Consumer Holdings (“MCH”): Doanh thu thuần tăng trưởng 22,4% và EBITDA tăng trưởng 5,3% vào Quý 1/2020.

Ngành thịt và chăn nuôi của Masan MEATLife (“MML”) tiếp tục mở rộng quy mô, đạt doanh thu thuần 453 tỷ đồng vào Quý 1/2020, tăng trưởng 85% so với Quý 4/2019 và đạt EBITDA hòa vốn vào Quý 1/2020.

Tuy nhiên, riêng kết quả kinh doanh của Masan Resources (“MSR”) chịu nhiều ảnh hưởng do tác động của COVID-19 đối với nền kinh tế toàn cầu. Doanh thu thuần của MSR giảm 10,4%, tuy nhiên, lợi nhuận và nguồn tiền mặt kỳ vọng sẽ khởi sắc từ Quý 2/2020 nhờ việc giải phóng tồn kho đồng và hiệp lực với nền tảng kinh doanh vonfram của H.C.Starck sau khi hoàn tất giao dịch.

Ngoài ra, Ban điều hành kỳ vọng Lợi nhuận thuần phân bổ cho Cổ đông của Công ty (NPAT Post – MI) sẽ tăng tốc từ Quý 2/2020 trở đi khi VinCommerce cải thiện lợi nhuận hơn nữa và đầu tư chiến lược vào MCH trong Quý 1/2020 sẽ phát huy kết quả.

Chủ tịch Tập đoàn Masan vui khi VinCommerce giảm lỗ, doanh thu tăng vọt ảnh 2
 

Kết quả tài chính hợp nhất  nói lên điều gì?

Doanh thu thuần hợp nhất Quý 1/2020 đạt mức 17.632 tỷ đồng, tăng trưởng 116,1% so với mức 8.160 tỷ đồng vào Quý 1/2019.

Cụ thể, doanh thu thuần của MCH đạt mức tăng trưởng 22,4% vào Quý 1/2020, được thúc đẩy bởi tăng trưởng 59,7% của ngành hàng thực phẩm tiện lợi và tăng trưởng gấp 3 lần của ngành hàng thịt chế biến. Chiến lược cao cấp hóa và đô thị hóa của MCH tăng tốc với doanh số tăng trưởng 75% tại kênh bán lẻ hiện đại (MT).

Doanh thu Quý 1/2020 của VCM lần lượt tăng trưởng 40,3% so với Quý 1/2019 và 17,0% so với Quý 4/2019. Theo phân tích, tăng trưởng được thúc đẩy bởi các yếu tố:  Tăng trưởng doanh số bán hàng cùng cửa hàng (SSSG) đạt mức hai chữ số tại Hà Nội, các thành phố cấp 1 và cấp 2; Đóng góp doanh thu của 27 siêu thị VinMart (VM) và 1.192 siêu thị mini VinMart+ (VMP) mới mở cửa trong năm 2019; và Tăng trưởng doanh số mạnh mẽ bù đắp cho tốc độ mở rộng điểm bán chậm lại trong Quý 1/2020 nhằm tối ưu hóa mạng lưới điểm bán của VCM.

Mảng kinh doanh thịt của Masan MEATLife tiếp tục mở rộng quy mô, đạt doanh thu thuần 453 tỷ đồng vào Quý 1/2020, tăng trưởng 85% so với Quý 4/2019.

Tuy nhiên, doanh thu thuần của Masan Resources sụt giảm 10,4% do giá khoáng sản tiếp tục ở mức thấp vì tác động của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, MSR kỳ vọng có thể bán đồng tồn kho từ Quý 2/2020 trở đi để thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và tạo ra dòng tiền mặt tốt hơn.

Dự báo Kết quả tài chính 2020, đội ngũ phân tích tài chính của MSSN lưu ý: Triển vọng tương lai của Masan được thể hiện theo bối cảnh kinh doanh hiện nay và có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố rủi ro.

Cụ thể MCH dự kiến tăng trưởng doanh thu thuần hơn 15% và tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số: Trong đó, ngành hàng Gia vị: tiếp tục tập trung vào chiến lược cao cấp hóa sản phẩm và cải thiện biên lợi nhuận của mảng hạt nêm.

Ngành hàng Thực phẩm tiện lợi và Thịt chế biến: tập trung vào chiến lược cao cấp hóa danh mục hiện có, đồng thời chú trọng xây dựng các giải pháp bữa ăn hoàn chỉnh. Ban điều hành dự đoán người tiêu dùng sẽ ngày càng chuyển sang sử dụng thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn thay vì ăn tại hàng quán sau dịch COVID-19.

Ngành hàng Đồ uống: tập trung củng cố danh mục nước tăng lực trên cơ sở các phát kiến mới và sản phẩm đột phá.

Sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình (HPC): tích hợp thành công Công ty Cổ phần Bột giặt Net (NETCO), tận dụng hệ thống điểm bán của MCH để đưa thương hiệu và sản phẩm của NETCO đến gần hơn với người tiêu dùng trên toàn quốc. Bước tiếp theo trong nửa cuối năm 2020 là tung ra các sản phẩm tiềm năng khác trong ngành hàng sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình

Thức ăn chăn nuôi dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ vừa phải và có tiềm năng tăng mạnh nếu việc tái đàn heo được đẩy nhanh nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Hiện nay, nguồn cung chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.

MSR: tập trung hoàn thành việc tích hợp nền tảng kinh doanh vonfram của H.C. Starck (“HCS”) để trở thành nhà chế biến sản phẩm vonfram cận sâu (midstream) giá trị gia tăng trên toàn cầu, qua đó giảm bớt rủi ro biến động giá cả hàng hóa theo chu kỳ.

COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến triển vọng vonfram ngắn hạn

 Doanh thu thuần của MSR trong Quý 1/2020 đạt 1.064 tỷ đồng, giảm 11% so với mức 1.190 tỷ đồng trong Quý 1/2019. Sản lượng APT giảm 17% do vonfram tồn kho và giá bán thực tế thấp hơn, thêm vào đó đồng tiếp tục tồn kho. Doanh thu florit giảm do sản lượng bán ra thấp hơn, tuy nhiên giá bán thực tế cao hơn bù đắp một phần cho các sản phẩm còn lại.

Vào Quý 3/2019, MSR công bố thỏa thuận mua lại nền tảng kinh doanh Vonfram của H.C.Starck. Đây là bước đi chiến lược trong tầm nhìn trở thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao dựa trên nền tảng chuỗi giá trị tích hợp xuyên suốt hàng đầu thế giới của MSR. Thỏa thuận này đã được chính phủ Đức chấp thuận và đang trong quá trình phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Việt Nam. Giao dịch mang đến cho MSR lợi thế cạnh tranh trên toàn cầu, tạo ra dòng tiền ổn định qua các chu kỳ thị trường, đồng thời mở rộng quy mô thị trường đầu ra lên 3.5 lần, từ 1,3 tỷ USD lên 4,6 tỷ USD. Trong bối cảnh hiện tại, việc hoàn tất thương vụ này sẽ tăng khả năng linh hoạt của MSR trong việc tiếp cận thị trường đầu ra cho các sản phẩm hiện có và cải thiện biên lợi nhuận khi trở thành nhà chế biến sâu vonfram tích hợp và khép kín chuỗi giá trị. Thương vụ dự kiến sẽ được hoàn tất trong Quý 2/2020.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.