Chủ tịch VCCI: Trước sức ép CPTPP, Việt Nam phải cải cách thực chất

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc
TPO - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, Hiệp định CPTPP sẽ tạo sức ép để Việt nam thúc đẩy cải cách cách thực chất, toàn diện và hiệu quả.

Ngày 22/5, VCCI phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội thảo Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP): Các cam kết cơ bản, những lưu ý cho doanh nghiệp.

Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, ngày 8/3/2018, Việt Nam cùng 10 đối tác khác ở hai bờ Thái Bình Dương đã ký Hiệp định CPTPP. Đây được xem như lựa chọn không thể tốt hơn cho khối các nước thành viên còn lại của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), sau khi Hoa Kỳ quyết định rút khỏi Hiệp định này.

Theo ông Lộc, với Việt Nam trong bối cảnh phải chờ đợi tương lai bất định của TPP, CPTPP cho phép chúng ta có thêm 3 FTA mới với Canada, Mexico, Peru và 7 FTA nâng cấp với các đối tác còn lại. 

Bằng bước đi CPTPP này, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tiến trình hội nhập sâu hơn với các thị trường ưu tiên, đặc biệt là mở ra cho chúng ta những cánh cửa quan trọng vào thị trường châu Mỹ đầy tiềm năng.

Tuy nhiên, ông Lộc cho hay, CPTPP không có Hoa Kỳ, bàn cờ lợi ích đã chuyển hướng. “Trong TPP, chúng ta nói nhiều tới cơ hội xuất khẩu của ngành dệt may, giày dép, nông sản ở thị trường lớn Hoa Kỳ. Trong CPTPP, những cái tên tiềm năng khác lại được nêu hàng đầu, như thực phẩm, đồ uống, thuốc lá… Trong các lĩnh vực khác như dịch vụ, đầu tư, mua sắm công…dù thay đổi có thể không lớn như với xuất khẩu, nhưng cũng đáng kể”- ông Lộc nói.

Chủ tịch VCCI cho rằng, chúng ta từng kỳ vọng TPP như một cú hích quan trọng để thu hút đầu tư từ Hoa Kỳ hoặc từ các đối tác khác phục vụ sản xuất xuất khẩu sang thị trường này. Với CPTPP không Hoa Kỳ, dòng chảy đầu tư, dịch chuyển dịch vụ cũng sẽ thay đổi.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, từ góc độ thể chế, việc CPTPP tạm hoãn một số nghĩa vụ phức tạp trong TPP (nhất là về khía cạnh sở hữu trí tuệ, tranh chấp Nhà nước-nhà đầu tư nước ngoài…). Điều này sẽ giúp Việt Nam và các nước có thêm thời gian điều chỉnh và thích ứng ở các lĩnh vực liên quan.

Chủ tịch VCCI: Trước sức ép CPTPP, Việt Nam phải cải cách thực chất ảnh 1 Chăn nuôi là một trong những ngành chịu sức sức ép lớn từ Hiệp định CPTPP

Tuy nhiên, CPTPP cũng tạo áp lực cho việc sửa đổi, cải cách thể chế kinh tế đối với Việt Nam. Theo ông Lộc, tin mừng là động lực của cải cách thể chế từ CPTPP có thể từ chính các lợi ích mà cải cách thể chế mang lại, nhóm lợi ích được đánh giá là lớn nhiều lợi ích thuế quan.

Dẫn nghiên một kết quả nghiên cứu từ Nhật Bản, Chủ tịch VCCI cho rằng, với trường hợp của Việt Nam, lợi ích từ thuế quan trong CPTPP chỉ giúp GDP tăng 1.1%, chưa bằng 1/6 lợi ích mà TPP hứa hẹn. Tuy nhiên, lợi ích từ cải cách thể chế (chỉ xét về các hàng rào phi thuế quan) mà CPTPP mang lại cho GDP Việt Nam gần như bằng với TPP, giúp GDP tăng khoảng 10%.

“Vấn đề đặt ra là làm sao cải cách thể chế kinh tế theo yêu cầu của CPTPP cộng hưởng với những cải cách môi trường kinh doanh mà Chính phủ đang thúc đẩy. Làm sao để cả các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp cùng vào cuộc, để cả hệ thống cải cách một cách thực chất, toàn diện và hiệu quả. CPTPP là cơ hội, cũng là sức ép, là tiêu chuẩn để chúng ta cải cách vì lợi ích và nhu cầu của chính mình”- ông Lộc phân tích.

Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI cho rằng, thách thức với doanh nghiệp chính là việc tận dụng cơ hội từ CPTPP. Theo ông, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan trung bình của các hiệp định thương mại tự do hiện chỉ xấp xỉ 30-40%, chưa kể thực tế là trong số tận dụng được đó, rất ít các doanh nghiệp nội địa…

“Những thách thức đó, trong chừng mực nhất định với các cơ quan Nhà nước liên quan, là phải có quyết tâm tổ chức thực thi thuận lợi và thông suốt, để doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa các cơ hội thị trường; phải minh bạch, tham vấn cùng doanh nghiệp trong quá trình rà soát pháp luật, nội luật hóa và thực thi các cam kết CPTPP một cách thích hợp”- ông Lộc nói.

Chủ tịch VCCI cũng cho biết, trong quá trình thực thi CPTPP, VCCI tiếp tục là đầu mối cho các nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu các cam kết và tận dụng hiệu quả các cơ hội từ CPTPP, chuẩn bị và xử lý thích hợp những thách thức từ Hiệp định này.

Thứ tưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán cho biết, với CPTPP lợi ích của Việt Nam không còn lớn so với TPP trước đây. Tuy nhiên, trong gần 1.000 nghĩa vụ của TPP trước đây, hiệp định CPTTP chỉ tạm hoãn 20 nghĩa vụ, nên về về cơ bản vẫn giữ nguyên, không phải là hiệp định mới hoàn toàn.

Với Việt Nam, dự kiến, Chính phủ sẽ hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua hiệp định vào kỳ họp tháng 10/2018. “Nếu cuối năm 2018, chỉ cần 6 nước phê duyệt, CPTPP sẽ có hiệu lực từ năm 2019, vì thế hiệp định này đang đến gần hơn bao giờ hết”- ông Khánh nói.

MỚI - NÓNG