Chưa có trường hợp thâu tóm để thống lĩnh thị trường

Chưa có trường hợp thâu tóm để thống lĩnh thị trường
TPO - Đây là thông tin được bà Bùi Thanh Ngà, Phó trưởng ban Pháp chế UBCKNN đưa ra bên lề hội thảo "Kiểm soát tập trung kinh tế thông qua các giao dịch trên thị trường chứng khoán" do Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương tổ chức sáng nay.
Chưa có trường hợp thâu tóm để thống lĩnh thị trường ảnh 1
Bà Bùi Thanh Ngà, Phó trưởng ban Pháp chế UBCKNN

Bà Ngà cho biết thực tế thời gian qua Cục Quản lý cạnh tranh và UBCKNN vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế trên thị trường chứng khoán. Chúng tôi mới chỉ có biện pháp giám sát thông qua 2 luật là Luật Cạnh tranh và Luật Chứng khoán.

Hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp hiện nay ở nước ta như thế nào, thưa bà?

Hoạt động tập trung kinh tế, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) ở nước ta đã có và có xu hướng tăng thời gian gần đây dù chưa phải là nhiều so với các nước trên thế giới. Ở Việt Nam cũng chưa có trường hợp thâu tóm để thống lĩnh thị trường như ở các nước.

Thực tế việc kiểm soát hoạt động M&A trên thị trường chứng khoán ở nước ta chưa thực mạnh mẽ, chúng ta mới chỉ đưa ra để chuẩn bị về vấn đề này.

Vừa rồi, chúng tôi cũng mới chỉ có kiểm soát về vấn đề giao dịch nội bộ, giao dịch của cổ đông lớn. Chánh Thanh tra UBCKNN cũng đã có công bố tên tuổi của một số cổ đông lớn vi phạm giao dịch nội bộ của cổ đông lớn mà không báo cáo theo Thông tư 38 của Bộ Tài chính.

Theo quy định của Luật Cạnh tranh, M&A từ 30- 50% thị phần của doanh nghiệp trở lên thì phải báo cáo Cục Quản lý cạnh tranh, UBCKNN có thông tin gì về vấn đề này và đã phát hiện trường hợp không báo cáo để liên kết độc quyền chưa?

Chưa có trường hợp báo nào cả.  Hiện nay, chúng tôi cũng chưa phát hiện sai phạm liên quan đến vấn đề này. Chúng tôi mới chỉ phát hiện sai phạm giao dịch nội bộ của cổ đông lớn mà không công bố cho UBCK.

Nhiều DN nước ngoài rất quan tâm đến Việt Nam, làm thế nào để kiểm soát được doanh nghiệp nước ngoài để họ không thâu tóm được doanh nghiệp nội?

Để kiểm soát việc các doanh nghiệp nước ngoài mua bán và thâu tóm doanh nghiệp nội, UBCK cũng đã đưa ra  có quy định trong Luật Chứng khoán trên cơ sở tham khảo Luật Chứng khoán của các nước và từ các tổ chức tư vấn của nước ngoài ở Việt Nam.

Điều 32 của Luật Chứng khoán cũng đã quy định cụ thể về vấn đề này. Bên cạnh đó, Nghị định 14 cũng có quy định về niêm yết chéo để kiểm soát hoạt động cũng như tỉ lệ nắm giữ của các cổ đông lớn khi tham gia trên thị trường chứng khoán phải có báo cáo thường xuyên. Thời gian vừa qua, UBCK cũng đã phải nhắc nhở một số cổ đông lớn của các doanh nghiệp niêm yết phải báo cáo về việc này.

Ngoài ra, Thông tư 18 cũng có quy định chặt chẽ về việc giao dịch cổ phiếu của các cổ đông lớn khi mua bán cổ phiếu của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Đấy là kiểm soát đối với thị trường chính thức, còn việc kiểm soát đối với những “kênh” khác thì thế nào?

Thị trường chứng khoán ở Việt Nam mới phát triển và số vụ tập trung kinh tế cũng chưa nhiều nên chúng tôi cũng mới đang xới lên. Thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp kiểm soát chặt chẽ hơn ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.

Đang có thông tin về việc UBCKNN đang soạn thảo đề án sửa đổi Luật Chứng khoán hiện hành? Bà có thể cho biết rõ hơn về thông tin này? Có sự sửa đổi lớn nào trong Luật mới hay không?

Quy định pháp lý hiện hành là phù hợp với tình hình thị trường hiện nay. Tuy nhiên, theo quy định của Chính phủ, đến năm 2009 chúng tôi sẽ phải hoàn tất và trình Quốc hội Luật Chứng khoán sửa đổi.

Chúng tôi cũng đang trong quá trình soạn thảo, làm đề án sửa đổi thêm một số vấn đề do thị trường thời gian gần đây có những số yếu tố phát sinh. Những yếu tố phát sinh dẫn đến sự sửa đổi trong luật này do các ban của UBCKNN soạn, tổng hợp và trình nên trên nên chưa thể nói trước một cách cụ thể về những yếu tố phát sinh này.

Trong thời gian gần đây liên tiếp các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán bị phát hiện và xử phạt. Tuy nhiên nhiều người cho rằng mức phạt quá nhẹ nên không có tác dụng răn đe?

Theo Pháp lệnh năm 2002 của Quốc hội quy định mức phạt cao nhất trong vi phạm của lĩnh vực chứng khoán là 70 triệu đồng.  Mức phạt này là nhẹ, chính vì vậy Bộ Tư pháp đang sửa đổi lại Pháp lệnh này và có thể chúng tôi đề nghị tăng mức xử phạt về vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán.

Xin cảm ơn bà!

Hoạt động tập trung kinh tế tại Việt Nam

Tổng giá trị của 46 vụ giao dịch trong nửa đầu 2007 là 626 triệu USD (gấp đôi so với tổng năm 2006 và gấp 15 lần cùng kỳ năm ngoái) trong đó gia tăng mạnh cả số vụ M&A trong nước và có yếu tố nước ngoài (16 vụ trong nước và 30 vụ nước ngoài). Các công ty nước ngoài mua chủ yếu đến từ châu Á  với 22 vụ trong đó các công ty của  Singapore chiếm 9 vụ.

Một số vụ M&A đáng chú ý:

Eximbank bán 17,8% cổ phiếu cho 16 đối tác chiến lược, trong đó có PVFC, ACB, Kinh Đô, SINCO với giá trị 248 triệu USD. Tuần đầu tháng 8/2007, Eximbank cũng đã chọn được đối tác chiến lược là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) và bán 15% vốn cổ phần cho đối tác này, đem lại cho Eximbank số tiền 225 triệu USD.

Indochina Capital mua 20% cổ phiếu Cty CP Địa ốc Hoàng Quân (20 triệu USD) và Cty CP Tư vấn, Thương mại và Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân – Mekong (12 triệu USD). Đầu năm nay, Indochina Capital cũng đã mua 20% cổ phần của Vinamit.

Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) mua 20% cổ phần của Interflour Vietnam (80 triệu USD) – công ty bột mỳ lớn thứ 2 của VN (tháng 6)

Tháng 5, VinaCapital mua 70% cổ phần của khách sạn Omni Saigon (21 triệu USD)

Tháng 4, Qantas Airlines (Australia) ký với SCIC mua 30% cổ phần của Pacific Airlines.

Tháng 3, NatSteel Asia (Singapore – công ty con của Tata Steel) – chào mua toàn bộ cổ phần của nhà máy cán thép SSE Steel và 70% Vinausteel Ltd (tổng giá trị 41 triệu USD). Tuy nhiên, đến cuối tháng 6, vụ chào mua phải dừng lại vì chào mua cao hơn của Công ty QLQDTCK Prudential Vietnam. Chi tiết giao dịch này chưa được xác nhận.

Tháng 6, HSBC là ngân hàng nước ngoài đầu tiên được chấp thuận mua 15% Cổ phần của Techcombank và đang nộp đơn để mua thêm 5% nữa.  Deutsche Bank cũng đạt được thỏa thuận mua 20% CP của Habubank và nếu được chấp thuận từ NHNN, họ sẽ có đại diện trong HĐQT của Habubank.

Tháng 2, Daiichi mua lại toàn bộ Bảo Minh CMG (chiếm 3% thị phần bảo hiểm nhân thọ)

Phạm Tuyên ghi

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.