Chưa có ý kiến về lộ trình tăng giá điện

Chưa có ý kiến về lộ trình tăng giá điện
TPO – Đây là thông tin được ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - nói nhân dịp ra mắt trang web www.tietkiemnangluong.vn của EVN ngày 15/3.
Chưa có ý kiến về lộ trình tăng giá điện ảnh 1
Ông Nguyễn Mạnh Hùng

Ông Hùng cho biết: Mức độ tăng trưởng về điện trong 2 tháng đầu năm 2008 là 15 - 18% đang ở mức rất cao và nhu cầu sử dụng điện càng ngày càng tăng. Có thể nói tất cả các ngành sản xuất đều dùng điện.

Ngay cả bà con nông dân trước đây chỉ  thắp sáng nhưng cho đến nay, các thiết bị sinh hoạt có sử dụng điện đều rất phổ biến ở nông thôn. Hiện hệ thống điện năng của ngành điện Việt Nam hết dự phòng.

Chúng ta đã huy động hết các nguồn, kể cả các nguồn đắt tiền nhất, để đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân. Đứng trước bối cảnh này thì không làm có cách nào hiệu quả và tốt bằng việc tiết kiệm điện.

"Nếu như chúng ta giảm được mức độ tăng trưởng xuống 1% thì chúng ta có thể tiết kiệm được 700 triệu kWh/ năm. Còn nếu như chúng ta tiết kiệm được 1,5 - 2% lượng điện tiêu thụ thì chúng ta sẽ đảm bảo cấp điện đầy đủ cho cả nước" - Ông Hùng cho biết.

Hiện nay tăng trưởng công nghiệp là 17% nhưng tăng trưởng điện phục vụ cho công nghiệp là 19%. Như vậy, điện phục vụ cho công nghiệp hơi cao. Trên thế giới không có nước nào có chỉ số tiêu thụ điện gấp đôi tăng trưởng GDP. Cụ thể, GDP của chúng ta tăng trưởng 8,5% trong khi đó điện tăng tới 17%.

Đây là chỉ số không tốt cho sự phát triển chung của nền kinh tế. Năm 2007 chúng ta đạt với mục tiêu tiết kiệm được 7,5 triệu kWh. Còn năm nay mục tiêu đặt ra là tiết kiệm cho công nghiệp với 2%.

Điều kiện tự nhiên của nhiều nước không có điều kiện thuận lợi như ta, nhưng họ lại thừa điện sử dụng và có điện để xuất khẩu. Còn ta vì sao liên tục mấy năm nay thiếu điện? Phải chăng do EVN bị động?

EVN hoàn toàn không bị động mà thực tế EVN đã nhìn trước vấn đề. EVN đã kiến nghị nhiều lần về vấn đề này, EVN đã tập trung vào tiết kiệm điện, thậm chí cả bán cả đèn, làm việc với các địa phương. Tuy nhiên, các giải pháp có hiệu quả không thì lại không hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực của EVN.

Ngoài ra đây cũng là bài toán về đầu tư. Thực tế một nhà máy xây dựng trong thời gian khá lâu. Nhà máy thủy điện có thể 5-7 năm, đó là từ khi khởi công. Còn kể từ thời gian lập dự án, nghiên cứu đầu tư thậm chí kéo dài 10 năm. Thời gian vừa qua mức độ tăng trưởng của ngành điện 18%, có thể nói là mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Không thể không nói rằng là chúng ta chưa cố gắng mà có thể nói là ngành điện rất cố gắng.

Bên cạnh đó, chúng ta còn những thủ tục về đầu tư, ví dụ như nhà máy 1000 MW với kinh phí đầu tư là trên 20.000 tỷ đồng phải trình ra Quốc hội. Với các cả thủ tục không phải tháng trước tháng sau mà có thể xây dựng. Xây dựng điện phải theo quy hoạch, theo tổng sơ đồ. Tất cả các nhà máy phải xây dựng theo tổng sơ đồ mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Về mặt thủ tục thì xây dựng các nhà máy điện có chặt chẽ hơn.

Cùng với đó chúng ta chưa có thị trường điện. Một nước phát triển thì làm theo cơ chế thị trường cũng tốt hơn. Tuy nhiên nói như thế không phải là ngành điện không cố gắng. Thời gian qua, chúng ta đã cấp điện cho bà con nông thôn rất tốt. Hy vọng sau năm 2009 thì thị trường điện cạnh tranh sẽ giúp ngành điện phục vụ tốt hơn

EVN mới trình Chính phủ đề án về tăng giá điện. Liệu thời gian tăng giá sẽ như thế nào?

Hiện nay chưa có ý kiến khác về lộ trình tăng giá điện từ 1/7. Tuy nhiên, tăng hay không và thời điểm cũng như mức tăng sẽ do Chính phủ phê duyệt. Quyết định cuối cùng sẽ do Chính phủ quyết. Tuy nhiên có thực tế là EVN đang mua điện vào và dự báo với mức mua này sẽ lỗ 1.200 tỷ đồng/năm. Như vậy càng mua vào thì càng lỗ. Ngành điện hiện nay đang chịu sự điều tiết của Chính phủ. Dù không tăng giá nhưng Chính phủ phải có cơ chế.

Nếu Chính phủ không duyệt phương án tăng giá điện từ 1/7 tới. Liệu EVN có thể cầm cự được không?

Đã là kinh doanh thì phải sòng phẳng và minh bạch. Lỗ thì bảo lỗ, còn lãi thì bảo lãi, không thể nói là cầm cự. Nếu lỗ thì báo cáo với Chính phủ là lỗ. Với tình hình hiện nay, mức lạm phát mà Chính phủ quyết như thế nào thì Chính phủ sẽ cất nhắc. Tài chính năm nay mới bắt đầu và chưa có nhận định cụ thể là năm nay sẽ lỗ hay lãi.

Xin cảm ơn ông.

Theo thống kê của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (Ao), sản lượng điện tiêu thụ ngày cao nhất của toàn hệ thống trong tháng 2 lên tới 206,1 triệu kWh, tức là tăng tới 15,96% so với cùng kỳ năm 2007.

Trung bình mỗi ngày toàn quốc tiêu thụ 180,4 triệu kWh (tăng 15,64%), trong đó miền Bắc tăng 22,8%, miền Trung: 11,1%, miền Nam: 13,4%.

Dự báo, sản lượng điện tiêu thụ trong tháng 3 sẽ lên tới 6,643 tỷ kWh, tăng hơn 1,4 tỷ kWh so với tháng 2. Để hạn chế tối đa việc phải cắt giảm phụ tải vào giờ cao điểm, EVN đặc biệt khuyến khích khách hàng thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm, an toàn và hiệu quả. Theo đó, các cơ quan, công sở được đề nghị giảm ít nhất 10% chi phí điện năng hàng năm; cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ lớn bố trí phương thức sử dụng điện hợp lý, hạn chế vào giờ cao điểm.

Thục Quyên ghi

MỚI - NÓNG