Chứng khoán 6 tháng đầu năm: Những con số và kỷ lục

Chứng khoán 6 tháng đầu năm: Những con số và kỷ lục
Ở thời điểm này, nhiều nhà đầu tư đang tổng kết kết quả túi tiền của mình sau 6 tháng đầu năm tham gia thị trường. Còn với cơ quan quản lý, đó là những con số đáng tự hào.

Trong một hội thảo gần đây, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Trưởng ban Quan hệ Quốc tế (Uỷ ban Chứng khoán) đưa ra một số dữ liệu đáng chú ý.

Tính đến thời điểm này, tổng giá trị vốn hoá của thị trường cổ phiếu niêm yết đã đạt trên 300 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 20 tỷ USD và bằng khoảng 31% GDP. Riêng vốn hoá của thị trường trái phiếu đạt trên 80.000 tỷ đồng, bằng 8% GDP.

Đó là những con số vượt trội, khi đến cuối năm 2006, tổng giá trị vốn hoá thị trường cổ phiếu niêm yết chỉ khoảng 14 tỷ USD, chiếm 22,7% GDP.

Hiện tại, thị trường đã có 55 công ty chứng khoán hoạt động với vốn điều lệ bình quân khoảng 90 tỷ đồng; dự kiến đến cuối năm là khoảng 100 công ty. Ngoài ra còn có 18 công ty quản lý quỹ, 61 tổ chức lưu ký.

Về số lượng nhà đầu tư tham gia, hiện có trên 200.000 tài khoản đã được mở, trong đó có 4.400 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài; tăng 7 lần so với năm 2005 và 1,5 lần so với năm 2006. Có 206 tổ chức đầu tư nước ngoài đăng ký tham gia thị trường và lượng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài ước đạt khoảng 5 tỷ USD.

Và theo số liệu tổng hợp từ chuyên viên Kim Thành, thuộc Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), từ đầu năm đến nay có hơn 40 doanh nghiệp đã được tổ chức đấu giá cổ phần với gần 451 triệu cổ phần, trong đó có 2 doanh nghiệp lớn là Công ty Phân đạm và Hóa chất dầu khí và Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay mới chỉ có duy nhất một doanh nghiệp thực hiện niêm yết là Công ty Cổ phần Địa ốc Chợ Lớn, chào sàn Hà Nội đầu tháng này. Tính chung cả 2 sàn hiện có 194 cổ phiếu, 2 chứng chỉ quỹ và 500 loại trái phiếu đang giao dịch.

Diễn biến thị trường chứng khoán 6 tháng đầu năm được chia thành hai phân đoạn khá rõ rệt: Từ đầu năm đến nửa đầu tháng 3 với sự sôi động chưa từng có và nửa còn lại trong hướng điều chỉnh là chủ yếu.

Trên sàn Tp.HCM, chỉ số VN-Index đã lập kỷ lục 1.170,67 điểm vào ngày 12/3. Đây cũng là đỉnh điểm của sự thăng hoa toàn thị trường 3 tháng trước đó và cũng là điểm bắt đầu của một chu kỳ điều chỉnh khá dài sau đó, mà tiêu biểu là ngày 24/4, chỉ số VN-Index chạm đáy 905,53 điểm.

Thị trường phục hồi nhẹ sau đó, tái lập mốc 1.100 điểm nhưng nhìn chung vẫn trong hướng điều chỉnh. Và ở thời điểm này, VN-Index đã tăng 284,77 điểm so với đầu năm, đạt tốc độ tăng trưởng 37,88%, bình quân đạt 6,85%/tháng.

Trên sàn Hà Nội, chỉ số HASTC-Index đạt kỷ lục 454,81 điểm vào ngày 9/3, tăng 211,92 điểm tức 87,25% so với đầu năm. Nhưng cũng như VN-Index, HASTC-Index bắt đầu sụt giảm từ nửa cuối tháng 3 và đặc biệt là trong những phiên gần nửa cuối tháng 6 này, về sát mốc 300 điểm.

Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm, HASTC-Index cũng đã tăng gần 75 điểm, tương đương khoảng 30% và tốc độ tăng trưởng bình quân 6 tháng này là 6,47%/tháng.

Về giá cổ phiếu, tính đến thời điểm này, mức giá 847.000 đồng/cổ phiếu mà cổ phiếu BMC của Công ty Cổ phần Khoáng sản Bình Định xác lập vào ngày 21/5 vẫn là một thách thức khó đánh đổ và thay thế cho kỷ lục 665.000 đồng/cổ phiếu mà FPT dựng được vào ngày 27/2 trước đó.

Về kỷ lục số lượng nhà đầu tư tham gia một cuộc đấu giá cổ phần, con số cao chưa từng có trong lịch sử thuộc về cuộc đấu giá cổ phần Bảo Việt với 20.368 nhà đầu tư đăng ký, vượt trội so với con số gần 8.000 nhà đầu tư mà Tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí (PVI) từng thu hút được trong cuộc đấu giá cổ phần lần đầu.

Và một con số mà thị trường rất quan tâm là nhà đầu tư nào đã kiếm được nhiều tiền nhất (và ngược lại) trong 6 tháng đầu năm? Con số này hiện vẫn chưa có trong thói quen thống kê và công bố của thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Theo Minh Đức
VnEconomy

Nhắn tin để biết thị trường chứng khoán

9 thông tin đó gồm: 1. Kết quả giao dịch; 2. Chỉ số thị trường TP HCM; 3. Chỉ số thị trường Hà Nội; 4. 5 chứng khoán tăng giá mạnh nhất;5.  5 chứng khoán giảm giá mạnh nhất; 6. 5 chứng khoán giao dịch nhiều nhất; 7. Thống kê giao dịch theo tuần; 8. Thống kê giao dịch theo tháng; 9. Thống kê giao dịch theo năm.

Bạn đọc soạn tin theo cú pháp như hướng dẫn của bảng dưới đây rồi gửi đến số 8209. Mức cước phải trả là 2.000 đồng/bản tin.

Chứng khoán 6 tháng đầu năm: Những con số và kỷ lục ảnh 1
MỚI - NÓNG