Chứng khoán ảo đắt khách

Chứng khoán ảo đắt khách
Chợ thật trồi sụt thất thường nhưng chợ ảo vẫn có tới 20.000 khách. Mỗi phiên giao dịch sàn ảo của Công ty chứng khoán Ngân hàng đầu tư VN (BSC) thu hút hơn 2.000 lệnh đặt mua bán, sôi động không kém sàn thật.
Chứng khoán ảo đắt khách ảnh 1
SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tham gia thị trường chứng khoán ảo

Mở sàn từ năm 2002 tại địa chỉ bsc.com với mục tiêu phổ cập kiến thức chứng khoán, chợ ảo của BSC đang có dấu hiệu quá tải.

Bắt đầu chơi, nhà đầu tư mở một tài khoản bằng số chứng minh nhân dân và được “xuất vốn” 100 triệu đồng. Giao dịch được thực hiện với các mã chứng khoán đang niêm yết tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán TPHCM, giá cả đều dựa vào khớp lệnh thật trên thị trường.

Chơi miễn phí, người tham gia được xếp hạng dựa trên tổng tài sản, bao gồm tiền còn lại trong tài khoản và tổng giá trị thị trường của các loại chứng khoán đang sở hữu (tính theo giá khớp lệnh gần nhất).

Thỉnh thoảng BSC có trao thưởng khuyến khích người chơi. Một sàn ảo khác mới ra đời tại địa chỉ vinastock.com.vn của Công ty cổ phần Dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin Việt Nam (VTIS) song cũng thu hút sự chú ý của khá đông nhà đầu tư.

Qui tắc chơi không khác gì sàn thật, nhưng để tạo vốn nhà đầu tư phải nhắn tin tới một tổng đài. Hằng tuần sàn ảo này đều xếp hạng và có giải thưởng bằng tiền thật, cao nhất là 1 triệu đồng cho khách hàng.

Có ý định chuyển khoản tiền nhàn rỗi 300 triệu đồng sang chơi chứng khoán, anh Nguyễn Đức Thắng, một nhà đầu tư tại Hải Phòng, cho hay tham gia sàn ảo để học hỏi kinh nghiệm trước.

“Không nếm mùi stress như giao dịch với tiền thật nhưng do áp dụng mọi qui tắc của sàn thật nên mình học hỏi được rất nhiều điều”.

Một số trường đại học kinh tế, câu lạc bộ sinh viên cũng lập sàn và thu hút khá đông bạn trẻ, nhưng thường giới hạn ở qui mô nhỏ. Chẳng hạn, sàn của sinh viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM đầu tư cho mỗi thành viên 200 triệu đồng và 7.000 cổ phiếu. Cứ 60 giây, phần mềm sẽ tự động đưa ra giá rao bán và giá mua cổ phiếu, tự động vẽ biểu đồ hiển thị và cho phép khớp lệnh liên tục.

Nhu cầu lớn song do chi phí duy trì sàn ảo khá tốn kém, khoảng 20-30 triệu đồng mỗi tháng, khoản thu không có vì thế có thời kỳ BSC ngừng cung cấp dịch vụ này. Hơn một năm trước, Vietstock cũng có sàn ảo nhưng do thiếu nhân lực, phần mềm lại bị lỗi nên doanh nghiệp này quyết định bỏ.

Ông Nguyễn Văn Dương, giám đốc Vietstock, cho hay kêu gọi được tài trợ ông mới tính chuyện mở lại. Nhìn trước khả năng không thể duy trì lâu dài khi lượng người chơi khắp cả nước, thậm chí ở cả nước ngoài tăng mạnh,

Công ty VTIS tính chuyện hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ di động. Số tiền trong tài khoản được cộng thêm khi người chơi gửi tin nhắn.

Trung tâm Đào tạo UBCKNN cũng đang tính chuyện hợp tác với một doanh nghiệp mở sàn ảo nhằm mục đích tập huấn kiến thức cho học viên đang theo học tại trung tâm. Người xếp vị trí cao sẽ được miễn học phí và cộng điểm khi thi lấy chứng chỉ.

Theo Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG