Chứng khoán đầu tuần: Có còn hưng phấn?

Chứng khoán đầu tuần: Có còn hưng phấn?
Hai tuần qua, TTCK xu hướng tăng, đỉnh cao nhất của thời gian này là  273,39 điểm. Một "bulltrap" hay thị trường là chỉ báo đầu tiên của dấu hiệu hồi phục kinh tế? Tuy nhiên, đến hôm nay đa số ý kiến cho rằng chỉ là một con sóng.
Chứng khoán đầu tuần: Có còn hưng phấn? ảnh 1

Giám đốc một NH nói: "Chưa thấy có dấu hiệu tốt nào đủ căn bản để thị trường hồi phục thực sự. Có lẽ đây chỉ là một bulltrap của các quỹ và đại gia thôi. Đã nhiều lần định bulltrap không thành. Lần này thành công vì nương theo được một số thông tin hỗ trợ như phản ứng tích cực đầu tiên của kinh tế Mỹ sau các gói cứu trợ hàng nghìn tỉ USD, chuẩn bị Hội nghị thượng đỉnh G20, một số nhận định trong nước cho rằng kinh tế VN cũng có dấu hiệu ngừng suy giảm...".

Nhận xét về thái độ chung của các NĐT trên các diễn đàn mạng vài ngày nay, một NĐT nhận xét: "Rất đáng lo ngại khi mà hầu hết NĐT hô "up" (lên) đồng nghĩa với việc hầu hết muốn người khác mua, nhưng còn mấy ai còn tiền đâu mà mua? Kinh tế toàn cầu vẫn vậy, VN vẫn chưa có điểm nào rõ ràng để thúc đẩy niềm tin. Mọi người  chỉ bám víu vào cung-cầu trên sàn và hưng phấn của NĐT đầu tuần qua.

Nhưng cầu thì lại quá yếu ở phiên cuối tuần nên rất ớn, cung thì ồ ạt, thêm một lượng hàng từ thứ 2 đến thứ 4 tuần trước được  mua vào về tài khoản cũng đáng quan tâm. Niềm tin và sự hưng phấn những ngày trước bị "đánh đòn" khá nặng ở hai phiên cuối tuần qua, vậy liệu còn hưng phấn không?".

Một người khác nói: "Lực cầu hôm thứ 5, thứ 6 kiệt sức rồi. Nếu đủ sức thì mốc 280 đã vượt. Khi chưa đủ đồng thuận để vượt lên được thì phải xuống là đương nhiên".

Dòng tiền mang tính đầu cơ

Trong tuần qua, đặc biệt trong 3 ngày VN-index tăng mạnh (17,18 và 19.3) cho thấy dấu hiệu một dòng tiền lớn đổ vào thị trường. Trước tiên, một phần trong này là nguồn tiền của các NĐT thấy cơ hội mua lại. Một phần tiền của các NĐT mới khi các kênh đầu tư khác hoặc rất rủi ro như vàng, hoặc lợi nhuận thấp như kênh tiền gửi NH và BĐS không còn đủ hấp dẫn họ.

Nhưng ở đây còn có gì liên quan đến mức tăng tín dụng, đặc biệt là tín dụng tiêu dùng của NH? Đặt ra câu hỏi vì một số NĐT đã đề cập đến vấn đề này, một người nói: "Đã xuất hiện sự cạnh tranh trong việc giải ngân cho vay tiêu dùng của các NH. Một NHTM cổ phần  đã công bố chương trình Cho vay trúng thưởng vàng báo hiệu thời gian tới tiền sẽ có nhiều trong dân. Khi đó một khối lượng tiền lớn sẽ chảy vào TTCK. Thị trường  sẽ đi vào "uptrend" (xu hướng lên) trong nay mai thôi".

Tuy nhiên, một số chuyên gia tài chính vẫn cảnh báo cho  dù tiền của thị trường có có dấu hiệu được cải thiện nhưng diễn biến giao dịch cho thấy dòng vốn mang tính đầu cơ  tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn. Tâm lý chốt lời luôn sẵn sàng khi thị trường bắt đầu có tín hiệu đi ngang chứ chưa nói là giảm xuống. Đây là điểm các NĐT cá nhân nên chú ý, không nên quá phấn khích để tránh những thua lỗ không đáng có.

Chờ xem tính thanh khoản và lượng cầu

Với những diễn biến trong 2 tuần qua, khá nhiều NĐT cho rằng dù  áp lực bán có xu hướng tăng dần qua từng phiên trong khi lực cầu lại đang co lại,  nhưng thị trường  khó có điều chỉnh sâu (về lại 235). Sẽ tiếp tục có những phiên điều chỉnh giảm tiếp trong những phiên tới, có thể sẽ điều chỉnh dần dần về ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn gần nhất là 255-260 trước khi bật lại. 

Có người dự đoán, trong hôm nay (23.3), VN-Index không xuống sâu. Sẽ diễn ra  thế giằng co quyết liệt giữa bên mua  bán. Giá CP  gần như đi ngang nhưng khối lượng giao dịch tăng mạnh. Lực cầu vẫn vượt trội vì vấn đều quan trọng  (tiền) cho thị trường  đã được giải quyết.

Một NĐT nói: "Thứ 2 là một ngày rất quan trọng đối với thị trường. Xu hướng lên hay xuống tiếp được quyết định chính ở phiên này, nhưng không phải là chuyện tăng hay giảm của chỉ số VN-Index trong phiên ngày hôm nay, mà là tính thanh khoản và lượng cầu. Nếu lên mà thanh khoản thấp, cầu yếu cũng ớn. Nếu xuống mà cầu nhiều, thanh khoản cao thì rất tốt cho thị trường. Chính vì thế phiên hôm nay NĐT không quá coi trọng  số điểm của VN-Index mà hãy quan sát diễn biến cung/cầu xem thanh khoản ở mức nào, cao, trung bình, hay thấp. Cao thì đu theo, trung bình thì ngồi bất động, thấp thì rời thị trường".

Theo Trịnh Ngọc Lan
Lao động

MỚI - NÓNG