Chứng khoán đỏ sàn 'thổi bay' gần 6 tỷ USD

TPO - Lực bán tháo tăng vọt trên diện rộng ngay khi thị trường mở cửa hôm 11/10 đã khiến hầu hết các cổ phiếu giảm giá mạnh. Điều này đồng nghĩa với việc hàng loạt tỷ phú Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Ngay khi VN-Index rớt xuống mốc 945,89 điểm, giảm 48 điểm (-4,48%), tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup liền “bốc hơi” gần 3.500 tỷ đồng, với việc cổ phiếu VIC giảm 4,8% . Ông Vượng hiện giữ gần 724 triệu cổ phiếu VIC.

Các cổ phiếu khác thuộc họ Vingroup cũng diễn biến tương tự, VHM giảm 5,6%; SDI giảm 5,3% và VRE giảm 6%.

Chứng khoán đỏ sàn 'thổi bay' gần 6 tỷ USD ảnh 1 Chứng khoán chiều ngày 11/10 tiếp tục có những phiên giao dịch đỏ lửa

Đứng vị trí thứ 2 về số tiền “bốc hơi” là nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet, tạm thời mất đi gần 1.200 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán. Bà Thảo đang nắm giữ 168,5 triệu cổ phiếu Vietjet và gần 36 triệu cổ phiếu HDB của HD Bank. Trong ngày 11/10, cổ phiếu VJC giảm 4,3% còn HDB giảm 5%.

Tiếp theo, đại gia Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC giảm 741 tỷ đồng về giá trị tài sản do các cổ phiếu FLC giảm 6,6%, ROS giảm 5,2% và ART giảm sàn 9,6%.  

Tài sản của ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát giảm 706 tỷ đồng do cổ phiếu HPG giảm 4,5%.

Hàng loạt tỷ phú khác cũng chứng kiến túi tiền bốc hơi mạnh. Nhiều doanh nhân thấy con đường trở thành tỷ phú USD như trường hợp ông Hồ Xuân Năng, Hồ Hùng Anh… trở nên dài hơn.

Với mức vốn hóa trên thị trường chứng khoán khoảng 140 tỷ USD như hiện nay, thì túi tiền của các nhà đầu tư đã 'bốc hơi' gần 6 tỷ USD.  

Như vậy, ở vào thời điểm hiện tại, so với đỉnh cao vốn hóa 170 tỷ USD ghi nhận vào ngày 9/4 (khi VN-Index đạt trên 1.200 điểm), thị trường chứng khoán Việt Nam đã bốc hơi gần 21%, tương đương mất khoảng 36 tỷ USD trong vòng nửa năm qua.

VN-Index từ mức 1.200 điểm về hiện tại còn 945,89 điểm. Thanh khoản cũng giảm chỉ còn khoảng 40-50% so với thời kỳ đỉnh cao, kéo dài trong hơn 6 tháng từ quý 4/2017 tới qua quý 1/2018.

Theo các chuyên gia tài chính, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở trong giai đoạn nhạy cảm, chịu áp lực rút vốn từ xu hướng rút vốn chung trên toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt cũng chịu áp lực lớn khi đồng Nhân dân tệ giảm giá mạnh so với đồng USD, ở mức cao hơn nhiều so với tốc độ giảm giá của đồng VND với USD.

MỚI - NÓNG