Chứng khoán: Khối ngoại liên tiếp bán ròng, có đáng lo?

Chứng khoán: Khối ngoại liên tiếp bán ròng, có đáng lo?
Động thái bán ròng liên tục của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) trong hai tuần qua khiến tâm lý thị trường có phần dao động. Trong suốt đợt tăng trưởng trung hạn từ tháng 3/2009 đến nay, khối ngoại dường như "nhảy" rất đúng nhịp.
Chứng khoán: Khối ngoại liên tiếp bán ròng, có đáng lo? ảnh 1

Liệu sự đổi chiều của dòng vốn này báo hiệu điều gì, nhất là khi cuối tuần qua, HSBC lại xuất bản một báo cáo mới, khuyên NĐTNN đứng ngoài cuộc chơi.

HSBC: Thêm một quan điểm "ngược"

Báo cáo mới nhất của HSBC về TTCKVN vừa được công bố hôm 11.9 giật một cái tiêu đề khá sốc: "Đừng chạy theo những đợt tăng giá"!

Nhận định tổng quát của HSBC viết: "TTCKVN đã tăng giá mạnh thời gian qua, trở thành một trong 3 thị trường tăng trưởng tốt nhất Châu Á. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này hầu như chỉ được chèo lái bởi NĐTTN. Với mức PE tương lai của cả năm 2009 ở mức 19 lần và mức độ kém minh bạch về lợi nhuận DN, chúng tôi lo ngại về việc "đu" theo thị trường vào lúc này".

Không rõ báo cáo định kỳ Vietnam Monitor dành cho đối tượng tổ chức đầu tư có quy mô như thế nào vì báo cáo thường nhấn mạnh đến tính thanh khoản cũng như quy mô vốn hóa của DN niêm yết. Đây là lần thứ hai HSBC khuyên NĐTNN không nên mua vào trên TTCK VN kể từ bản báo cáo ngày 8.7.2009.

Tuy nhiên, nếu NĐTNN nghe theo khuyến cáo từ tháng 7 của HSBC thì có lẽ họ đã mất đi một cơ hội lớn vì kể từ ngày 8/7 - sát thời điểm VN-Index chạm đáy trong đợt điều chỉnh ngắn - thị trường đã phục hồi trở lại 23%, thậm chí vượt cả đỉnh cao 525 điểm trước đó.

Thực tế là NĐTNN trên TTCKVN đã "phớt lờ" khuyến cáo của HSBC. Tính riêng trên sàn HoSE - nơi tập trung phần lớn các giao dịch của NĐTNN - từ ngày 25/6 đến hết tháng 8/2009, khối ngoại đã tích lũy được trên 49,29 triệu CP và chứng chỉ quỹ, tương đương quy mô vốn ròng gần 2.954 tỉ đồng.

Cùng thời gian này, sàn Hà Nội cũng đón nhận lượng vốn ròng của khối ngoại là 578,18 tỉ đồng. Chính trong bản báo cáo ngày 11/9, HSBC cũng phải thừa nhận NĐTNN đã mua ròng kể từ tháng 4 đến nay cỡ 133 triệu USD.

Điều đó cho thấy, nhiều lúc các khuyến cáo của tổ chức nghiên cứu cũng không theo sát được thực tế thị trường.

Còn nhớ trong báo cáo hồi tháng 1/2009, HSBC dự báo, cuối năm nay, VN-Index sẽ ở mức 300 điểm, so với mức 316 điểm thời điểm cuối năm 2008. Báo cáo còn cho rằng "tinh thần DN và sức hấp dẫn về dân số của Việt Nam sẽ giúp TTCK tới một lúc nào đó sẽ hấp dẫn trở lại, nhưng chưa phải là trong một vài quý tới đây".

Thực tế ngay đầu quý II - tức là chỉ 2 tháng sau khi báo cáo được xuất bản - TTCKVN đã có chu kỳ phục hồi mạnh chưa từng có trong lịch sử. Ngay cả trong báo cáo tháng 5/2009, HSBC tiếp tục khuyên NĐT thận trọng và nên "để mắt" tới một số thị trường khác trong khu vực.

Báo cáo tháng 7/2009 HSBC bắt đầu "chê" CK Việt Nam đắt dù trước đó không thấy khuyên mua vào! Báo cáo tháng 9 nhận định mua lúc này là rủi ro. Các căn cứ đánh giá của HSBC cũng không khác biệt nhiều lắm khi chủ yếu dựa trên yếu tố PE, tương tự khuyến cáo của Credit Suisse hồi tuần trước.

Khối ngoại: Có mua thì có bán

Một điểm mà HSBC thường đúng trong rất nhiều báo cáo gần đây là sự tăng giá của TTCK VN chủ yếu do NĐT nội dẫn dắt. Quả thực NĐTNN đã có thời kỳ đóng vai trò chủ đạo trên thị trường nhưng trong thời gian không dài. Số liệu thể hiện điều này là tỉ trọng giữa giá trị mua và giá trị bán hàng ngày của NĐTNN so với tổng giá trị thị trường.

Số liệu từ đầu năm 2007 đến nay cho thấy, bình quân năm 2007, NĐTNN mua chiếm 22,3% giá trị thị trường, trong đó thời điểm tháng 5 đến tháng 7 đạt mức cao nhất, khoảng 27%.

Số liệu này năm 2008 chỉ còn 21%, thời điểm cao nhất là tháng 4 đến tháng 7 với tỉ lệ 37%.

Từ đầu năm 2009 đến nay, tỉ lệ mua trung bình chưa đến 15% giá trị thị trường. Với tỉ lệ bán, con số này còn thấp hơn nhiều. Tỉ trọng bình quân năm 2007 là 12,2%, năm 2008 là 14,9% và 9 tháng đầu 2009 là 14%. Số liệu này vẫn có yếu tố nhiễu khi thị trường mất thanh khoản và giá trị giao dịch quá thấp khiến tỉ trọng của khối ngoại tăng vọt bất thường.

Đợt bán ra mạnh nhất gần đây trên thị trường CP của NĐTNN là thời điểm tháng 10/2008 đến tháng 3/2009 với mức bán ròng 18/22 tuần tính theo khối lượng. Tuy nhiên, theo giá trị thì mức bán ròng chỉ là 14/22 tuần. Sự rút vốn ồ ạt của NĐTNN chủ yếu trên thị trường trái phiếu.

Hai tuần gần đây, dòng vốn ngoại lại bắt đầu có dấu hiệu chảy ra sau 10 tuần mua ròng liên tiếp trước đó. Tuy nhiên, sự đổi chiều của dòng vốn ngoại vẫn chưa có gì đáng ngại khi tổng vốn bán ròng mới đạt 309,1 tỉ đồng trên sàn HoSE.

Trên sàn HNX, khối này vẫn mua ròng. Nếu so với tổng vốn đổ vào chỉ riêng từ 25/6 đến hết tháng 8/2009 là 2.954 tỉ đồng thì thực sự quá thấp. Tỉ trọng bán cũng chỉ chiếm bình quân 7,3% giá trị thị trường.

Từ góc độ thị trường, hoạt động đầu tư cũng như đầu cơ luôn đi kèm cả mua và bán. Việc khối ngoại tích lũy một khối lượng rất lớn CP ở giá thấp, thời điểm NĐTTN đang lo ngại VN-Index trở lại những mốc 350 điểm hồi tháng 7 vừa qua thì việc cơ cấu danh mục, chốt lời cũng là điều bình thường.

Điều quan trọng là dòng vốn nước ngoài tiếp tục tham gia tạo thanh khoản cho thị trường, chứ không phải rút ra hẳn. Việc bán ròng chỉ đáng lo ngại khi nó tạo thành một xu hướng rõ ràng như trong quá khứ.

Hoàng Nguyên
Lao động

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.