Chứng khoán lao dốc, nhiều nước cần trợ giúp từ IMF

Chứng khoán lao dốc, nhiều nước cần trợ giúp từ IMF
TP - Lo ngại về suy thoái của kinh tế thế giới khiến nhà đầu tư tiếp tục tháo chạy khỏi các sàn chứng khoán trên toàn cầu trong phiên giao dịch 24/10, đẩy một số nền kinh tế nhỏ đến bên bờ vực sụp đổ.
Chứng khoán lao dốc, nhiều nước cần trợ giúp từ IMF ảnh 1
Sàn chứng khoán nhiều nước châu Á lao dốc

Trên khắp châu Á, thị trường chứng khoán (TTCK) lao dốc thảm hại ngày thứ 3 liên tiếp khi nhiều tập đoàn khổng lồ của Nhật Bản và Hàn Quốc thông báo lợi nhuận trong quý III giảm mạnh.

Chỉ số Nikkei (Nhật Bản) giảm tiếp 9,6% và đóng cửa ở mức thấp nhất trong 5,5 năm qua khi cổ phiếu của Sony, Toyota và Panasonic cùng lao dốc. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng mất thêm 10,6% khi Samsung thông báo lợi nhuận trong quý III giảm tới 44%.

Ngày 24/10, chỉ số Kospi lần đầu tiên xuống dưới mức 1.000 điểm trong hơn 3 năm. Chỉ trong 1 tuần qua, Kospi đã mất tới 20,5%. Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng giảm 8,3%. Các TTCK ở Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Philippines cũng sụt giảm mạnh. Tính chung trong tuần qua tại các thị trường mới nổi, chứng khoán đã giảm hơn 15% và quét sạch những gì đã có được trong 4 năm qua.

Tại châu Âu, chỉ số FTSE của Anh giảm 8,67% trước thông tin tốc độ phát triển nền kinh tế nước này sẽ giảm 0,5% trong quý IV - lần đầu tiên trong 16 năm qua. Sàn chứng khoán ở Đức, Paris cũng phải hứng chịu mức sụt giảm trên 10%.

Tại Matxcơva, sàn chứng khoán phải tạm ngừng giao dịch trongvòng 1 tiếng sau khi giảm tới 7,4% trong 2 tiếng giao dịch đầu tiên. Việc nhiều quỹ đầu tư bán ra cổ phiếu nhằm giảm thiểu thiệt hại càng khiến làn sóng bán tháo trở nên “dữ dội” ở các sàn chứng khoán lớn của châu Âu.

Nguy cơ sụp đổ của một số nền kinh tế nhỏ

Hãng tin AP cho biết nhà đầu tư đang rút tiền khỏi các quốc gia ở Đông Âu, Mỹ La tinh và châu Á vì lo sợ những nền kinh tế này sẽ bị ảnh hưởng mạnh bởi cuộc khủng hoảng tài chính và có thể cả việc bị vỡ nợ.

Một số nhà phân tích cho rằng nhà đầu tư và cả người dân bình thường đang có xu hướng tìm nơi trú ẩn an toàn ở đồng đô la Mỹ và đồng yen của Nhật Bản dẫn tới việc nhiều đồng nội tệ bị mất giá mạnh.

Daragh Maher, nhà phân tích của Cty chứng khoán Calyon, cho rằng trong giai đoạn hoảng hốt này cần có những động thái làm yên lòng nhà đầu tư và đề cao vai trò của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Theo AP, những diễn biến trên thị trường khiến người ta lo ngại rằng thế giới sẽ chứng kiến thêm nhiều nước phải chịu tình cảnh như Iceland, nền kinh tế sụp đổ vào tháng 10 sau khi khu vực tài chính bị phá sản. Tại châu Âu, Hungary, Ukraine và Belarus cũng đang lâm vào tình cảnh của Iceland và đang thảo luận với IMF về khả năng vay tiền.

Linus Yip, chiến lược gia của Cty Chứng khoán Nhất Thượng Hải ở Hồng Kông, nhận định: “Tiền đang rút ra khỏi các thị trường mới nổi. Một lượng tiền lớn từ Mỹ, châu Âu đã rót vào khu vực trong 5 năm qua, nay đang bị rút ra. Khủng hoảng toàn cầu đã lan sang châu Á”.

Vàng phá ngưỡng 700 USD, dầu sắp xuyên thủng 60 USD

Không chỉ chứng khoán, vàng, dầu cũng tiếp tục giảm giá dù đã lao dốc mạnh trong những ngày trước đó. Ngày 24/10, bộ trưởng các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC quyết định cắt giảm sản lượng 1,5 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 11 nhằm đẩy giá dầu lên.

Tuy nhiên, bất chấp biện pháp mạnh kể trên của OPEC, giá dầu ở thị trường châu Á, châu Âu và Mỹ vẫn tiếp tục giảm thêm 3 – 5 USD, xuống còn 63 USD/thùng.

Thậm chí giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 12 chỉ còn 61 USD/thùng. Khi thị trường tài chính bất ổn, giá vàng đã không lên mạnh như dự đoán mà tiếp tục giảm thêm 20 USD vào ngày 24/10 và chính thức phá ngưỡng 700 USD (còn 695 USD).  

T.Đ
Theo AP, BBC, Reuters

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.