Chứng khoán lên, bất động sản lại xuống

Chứng khoán lên, bất động sản lại xuống
Theo phân tích của các chuyên gia bất động sản (BĐS), TTCK "nóng" lên đã thu hút toàn bộ nguồn vốn nhàn rỗi, khiến thị trường nhà đất vừa ấm lên đã bị giội gáo nước lạnh.
Chứng khoán lên, bất động sản lại xuống ảnh 1
Làm thủ tục ký hợp đồng mua - bán nhà sáng 15.4, tại sàn giao dịch bất động sản ACB.

Sau cơn hứng khởi trong tháng 3/2009, thị trường nhà đất TPHCM - đặc biệt là đất dự án trong tháng tư lại rơi vào trạng thái im lìm.

Căn hộ cao cấp vừa bán, vừa khuyến mãi

Hiện sàn giao dịch BĐS ACB TPHCM có 11 dự án căn hộ đăng ký giao dịch, trong đó chỉ có 1 dự án giá thấp.

Theo ông Nguyễn Văn Hải - TGĐ sàn này, trong 11 dự án được giao dịch trên sàn thực sự chỉ dự án nhà giá thấp bán chạy. Chỉ trong vòng 1 tuần chào bán, toàn bộ số căn hộ chào bán trong đợt 1 đã được mua hết với giá 8,8 đến 10 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, những căn hộ cao cấp nổi đình nổi đám, xôn xao dư luận từ dạo sau Tết đến nay mỗi tháng chỉ bán được vài căn, thậm chí có một số dự án chưa bán được căn nào.

Lý giải tình trạng khách hàng quay lưng lại với những dự án căn hộ chung cư trung - cao cấp, ông Nguyễn Văn Hải cho rằng: "Trong thời gian qua đã xảy ra tình trạng tranh chấp giữa chủ đầu tư và khách hàng khá gay gắt; một số dự án không đúng tiến độ, chủ đầu tư không thực hiện đầy đủ các cam kết với khách hàng, do vậy, khách hàng giảm lòng tin và e dè đối với việc mua các tài sản hình thành trong tương lai".

Ngược với hình ảnh thị trường căn hộ chung cư trung - cao cấp, thị trường nhà ở riêng lẻ trong nội thành lại giao dịch hết sức sôi động. Trong tháng ba, sàn ACB môi giới thành công 44 trường hợp, nửa đầu tháng tư đã có 23 vụ mua - bán thành công. Đó là chưa kể hơn 100 trường hợp mua - bán bên ngoài, nhưng nhờ sàn ACB làm thủ tục pháp lý.

Ông Hải cho biết thêm, đa số các trường hợp giao dịch thành công đều có giá nằm trong khoảng từ 1,3 đến 3 tỉ đồng/căn nhà. Từ kết quả giao dịch, ông Hải cho rằng: "Khách hàng tìm mua nhà trong nội thành trong thời gian qua chủ yếu là để ở, phục vụ cho nhu cầu thực".

Đất dự án im lìm trở lại

Trong cơn hứng khởi của thị trường, đất dự án khu vực lân cận khu đô thị mới Thủ Thiêm và khu Nam Sài Gòn trong tháng 3/2009, giá một số dự án đã đồng loạt tăng bình quân 20%, thậm chí một số dự án được đánh giá cao, tăng 30%.

Chỉ sau chưa đầy 1 tháng, kể từ khi TTCK liên tục vượt dốc, thị trường đất dự án lại rơi vào tình trạng im lìm như vốn có.

Một loạt các dự án có mức tăng giá mạnh trong tháng 3 như Him Lam - Kênh Tẻ, Trung Sơn nay đã giảm khoảng 5 triệu đồng/m2, chỉ còn từ 32 đến 35 triệu/m2. Các dự án hạng trung như Làng đại học, Tân An Huy... trở về mốc giá của tháng ba, dao động trong khoảng từ 12 đến 16 triệu đồng/m2.

Anh Trương Hoàng Phúc - chủ của văn phòng môi giới Hoàng Phúc trên đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè - cho biết: "Tháng trước giao dịch mạnh ít người muốn bán, bây giờ thì người bán nhiều hơn, điều kiện giao dịch (có thương lượng) cũng thoáng hơn, nhưng khách mua rất ít".

Các dự án trên địa bàn quận 2, lân cận khu đô thị mới Thủ Thiêm, theo số liệu giao dịch của một số sàn lớn trong nửa đầu tháng 4 đã có một sự sụt giảm hơn một nửa so với tháng ba.

Theo các chuyên gia, thị trường đất dự án đang phải chịu nhiều áp lực, buộc phải giảm giá để xả hàng. Áp lực có tính mạnh mẽ nhất đó là chứng khoán tăng trưởng quá nóng, mọi nguồn vốn, mọi nhà đầu tư đều đổ dồn sự chú ý vào thị trường chứng khoán.

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Văn Hải - TGĐ sàn giao dịch BĐS ACB - cho rằng: "Đối với đất dự án đã mua - bán qua lại nhiều lần, giá đã lên đến đỉnh khó có khả năng tăng thêm trong thời gian tới. Chưa tính đến những dự án vài chục triệu đồng/m2, chỉ tính các dự án dưới 10 triệu/m2 thôi thì để xây dựng hoàn chỉnh một ngôi nhà theo quy hoạch phải có trên 2,5 tỉ đồng. Với số tiền đó trong thời điểm hiện nay có thể mua được nhà trong nội thành.

Với cách so sánh như vậy, có thể thấy là khách hàng không dại gì mua đất xây nhà ở khu vực ngoại thành - nơi hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa hoàn chỉnh. Thay vào đó, họ chọn mua nhà trong nội thành, có thể nhỏ hơn, nhưng thuận lợi hơn nhiều. Trong trường hợp mua để đầu tư thì theo tôi, đây là thời điểm không thích hợp để đầu tư vào đất, vì sắp tới sẽ có chủ trương bắt buộc xây dựng nhà, nếu không sẽ bị thu hồi".

Theo Ngọc Huân
Lao động

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.